Thiếu huyết thanh kháng dại
Bác sỹ Bùi Thị Kim Cúc – Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: huyết thanh kháng dại là một chế phẩm sinh học được sử dụng để cung cấp ngay lập tức kháng thể, cho đến khi hệ miễn dịch chủ động của cơ thể có thể tạo ra kháng thể qua việc tiêm vắc-xin. Huyết thanh kháng dại có tác dụng trung hòa và làm chậm sự lan tỏa vi rút dại. Tiêm huyết thanh kháng dại cần được sử dụng cùng với vắc-xin phòng bệnh dại càng sớm càng tốt trong các trường hợp vết thương độ III (không tiêm huyết thanh kháng dại sau quá 7 ngày kể từ mũi tiêm vắc-xin đầu tiên vì nó sẽ làm ức chế khả năng tạo ra kháng thể của cơ thể).
Tiêm vắc-xin là biện pháp điều trị dự phòng an toàn và hiệu quả nhất khi bị chó, mèo nghi dại cắn.
Điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại đúng phác đồ ngay sau khi bị chó, mèo nghi mắc bệnh dại cắn là biện pháp tốt nhất để phòng, chống bệnh dại, tiêm càng sớm khả năng bảo vệ càng cao. Tuy nhiên tỉnh Lai Châu còn nhiều khó khăn, hạn sử dụng huyết thanh ngắn, giá thành cao và sử dụng cho trường hợp có vết thương độ III; trong khi tất cả các trường hợp tiêm huyết thanh vẫn bắt buộc phải tiêm vắc-xin vì huyết thanh chỉ có tác dụng trung hòa và làm chậm sự lan tỏa vi rút dại tại chỗ, vắc-xin mới có tác dụng sinh ra kháng thể bảo vệ cơ thể lâu dài. Do đó tỉnh Lai Châu trước mắt ưu tiên triển khai tiêm vắc-xin, một số trường hợp có chỉ định tiêm huyết thanh thì giới thiệu đến cơ sở có huyết thanh để tiêm.
Đầu tháng 9 vừa qua, cháu N.T.P (hơn 3 tuổi) ở bản Thành Công, xã San Thàng (thành phố Lai Châu) bị một con chó vô chủ cắn, sau đó con chó chết không rõ nguyên nhân. Khi nhận được thông tin, UBND xã đã phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện chó bị nhiễm vi rút dại. Anh N.V.D (bố cháu bé) chia sẻ: "Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, tôi đã trực tiếp đưa cháu đến cơ sở y tế khám và điều trị. Theo tư vấn của các bác sĩ, cháu cần tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng bệnh dại. Tuy nhiên huyết thanh kháng dại ở tỉnh không có, nên gia đình tôi phải đưa cháu sang tỉnh Lào Cai để tiêm. Đường xa, sức của cháu bé yếu nên gia đình cũng rất vất vả".
Trường hợp của anh Dũng cũng giống với nhiều trường hợp khác có người thân bị chó nghi dại cắn, phải loay hoay đến các tỉnh, thành khác để được hỗ trợ và điều trị bằng huyết thanh kháng dại. Nhu cầu sử dụng huyết thanh đang cấp thiết nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các loại vắc-xin không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng đơn vị đã dừng cung cấp từ tháng 10/2022. Đối với huyết thanh kháng dại từ trước đến nay chưa có, vì tiêm huyết thanh là tiêm dịch vụ, khi thực hiện phải có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền cho phép. Ngoài ra, do chưa đủ điều kiện về mặt pháp lý nên đơn vị chưa triển khai các loại vắc-xin dịch vụ theo nhu cầu của nhân dân. Trung tâm đã xin ý kiến HĐND tỉnh cho chủ trương thực hiện liên doanh, liên kết trong việc cung cấp các loại vắc-xin, trong đó có huyết thanh kháng dại. Đến cuối tháng 8 vừa qua, HĐND tỉnh đã chấp thuận với phương án đưa ra.
Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang thực hiện các bước theo quy định. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành xong các thủ tục và cung cấp đầy đủ loại vắc-xin đáp ứng theo nhu cầu của người dân trên địa bàn, nhất là huyết thanh kháng dại. Từ đó giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, góp phần đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân trên địa bàn.
Cán bộ y tế xã Mù Sang (huyện Phong Thổ) tuyên truyền tới người dân cách phòng chống bệnh dại.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do vi rút dại lây từ động vật có vú sang người thông qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương, dẫn đến nhiễm trùng não. Trong đó, 99% ca bệnh dại có nguồn lây từ chó nhiễm vi rút dại. Thời gian ủ bệnh ở người phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, thường kéo dài từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm. Vết cắn càng nặng và gần cơ quan thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh càng ngắn. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả người và động vật.
Do đó, sau khi bị chó, mèo nghi mắc bệnh dại cắn ở mức độ III vết cắn, cào sâu, nhiều vết; vết cắn, cào gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ hoặc vùng nhiều đầu dây thần kinh như các đầu ngón tay, đầu ngón chân, bộ phận sinh dục thì bệnh nhân cần được tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng dại càng sớm càng tốt. Nhiều người dân trong tỉnh cũng mong muốn, tỉnh sớm có biện pháp cung cấp huyết thanh kháng dại để bà con yên tâm phòng bệnh khi bị chó mèo nghi mắc bệnh dại cắn.
Dương – Thương
Bình luận