Kiến nghị nhiều vấn đề cấp bách trong thực tiễn
QUAN TÂM ĐẦU TƯ ĐƯỜNG TUẦN TRA BIÊN GIỚI
Đại biểu Lê Công Thành – Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tổ đại biểu huyện Phong Thổ: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 265,165km đường biên giới, trong đó 134km đường tuần tra biên giới đã được quan tâm đầu tư. Còn lại chưa được đầu tư do đó ảnh hưởng tới công tác tuần tra, bảo vệ biên giới.
Bên cạnh đó, trên tuyến biên giới của huyện Phong Thổ đường tuần tra biên giới từ xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ) đến cột mốc 58 hiện nay đã thi công xong, tuy nhiên tuyến đường tuần tra từ xã Tung Qua Lìn đến cột mốc 82, mới triển khai được 1,9/11,7km do vướng chuyển mục đích sử dụng rừng. Hai tuyến đường này cùng chung một dự án, do đó đến nay tuyến đường tuần tra biên giới Huổi Luông đến cột mốc 58 chưa được bàn giao cho địa phương để thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng và phát quang, khơi thông cống rãnh.
Do đó, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư mở thêm các tuyến đường tuần tra biên giới còn lại và có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đối với các tuyến đường đã được đầu tư; chỉ đạo các ngành nghiên cứu tham mưu tháo gỡ khó khăn tại tuyến đường tuần tra từ xã Tung Qua Lìn đến cột mốc 82, mới triển khai được 1,9/11,7km do vướng chuyển mục đích sử dụng rừng để sớm hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng và quản lý. Đồng thời, quan tâm có kế hoạch mở đường lên biên giới đối với một số xã có tuyến đường biên giới nhưng không có cột mốc biên giới để phục vụ công tác tuần tra như tại xã Bản Lang (huyện Phong Thổ).
UBND TỈNH CẦN KIẾN NGHỊ CHÍNH PHỦ XEM XÉT CHUYỂN ĐỔI HỖ TRỢ GẠO BẰNG HỖ TRỢ KINH PHÍ
Đại biểu Giàng Thị Xoa – Chủ tịch HĐND thành phố Lai Châu, Tổ đại biểu thành phố Lai Châu: Trong năm 2024, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) đã lựa chọn nội dung việc thực hiện chính sách pháp luật đối với học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh từ năm học 2019-2020 đến 2023-2024 để giám sát. Qua giám sát đại biểu nhận thấy chất lượng nuôi dưỡng học sinh bán trú tại các trường học có thực hiện bán trú còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải nâng cao chất lượng để nuôi dưỡng. Các em học sinh tại các trường bán trú, cơ sở vật chất, bếp ăn, thiết bị nấu ăn chưa đảm bảo, không đủ điều kiện để các cháu ở lại trường phải đi ở nhờ nhà người quen.
Thực hiện chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (Nghị định 116), có 2 nội dung hỗ trợ cho học sinh và hỗ trợ nhà trường. Đối với nội dung hỗ trợ học sinh có 3 nội dung, trong đó đại biểu quan tâm đến việc hỗ trợ gạo cho học sinh bán trú. Gạo cấp cho học sinh bán trú cũng đang được áp dụng theo Nghị định 116 và được lấy từ kho dự trữ của Chính phủ.
Tuy nhiên qua giám sát tại các trường bán trú cho thấy gạo đã có hiện tượng mốc, không đảm bảo cho học sinh ăn. Đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra chất lượng gạo cấp học sinh ăn bán trú, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ xem xét chuyển đổi phương thức hỗ trợ gạo bằng hình thức hỗ trợ kinh phí để mua gạo đảm bảo chất lượng hoặc trích một phần kinh phí tại Nghị quyết đã được HĐND tỉnh ban hành để đảm bảo chất lượng gạo ăn cho học sinh.
ĐẢM BẢO DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÓ HIỆU QUẢ, ĐÁP ỨNG TỐT NHU CẦU CỦA NGƯỜI DÂN
Đại biểu Sùng A Hồ - Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh), Tổ Đại biểu huyện Tam Đường: Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024; phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 có nêu một số dự án có số giải ngân còn thấp, chậm triển khai trong đó có dự án Thuỷ lợi Cù Thàng (xã Tà Mung, huyện Than Uyên).
Tại Báo cáo số 555/BC-UBND giải trình những nội dung khác nhau giữa báo cáo, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình với ý kiến thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh (kỳ họp thứ hai mươi lăm, HĐND tỉnh khóa XV), UBND tỉnh trả lời: Dự án chậm triển khai do còn phải rà soát phương án đầu tư kết hợp thủy điện với thủy lợi.
Ngày 27/11/2024, UBND tỉnh đã làm việc với nhà đầu tư công trình Thủy điện Chống Khua (tỉnh Yên Bái), hiện nay nhà đầu tư đang hoàn thiện lại hồ sơ đề xuất để báo cáo cấp có thẩm quyền của tỉnh xem xét, cho chủ trương đầu tư thủy điện kết hợp thủy lợi. Qua tiếp xúc, cử tri rất mong muốn dự án thủy lợi sớm được đầu tư, hoàn thành, tuy nhiên cử tri còn một số băn khoăn về việc điều tiết nguồn nước hài hòa giữa nhu cầu của người dân với việc vận hành thủy điện. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh đánh giá tính khả thi của dự án, dựa trên tâm tư, nguyện vọng của người dân xã Tà Mung. Qua đó, có câu trả lời với cử tri, đảm bảo dự án đầu tư có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu cấp nước cho sản xuất của người dân.
SỚM PHÂN BỔ KINH PHÍ SẮP XẾP, ỔN ĐỊNH DÂN CƯ
Đại biểu Vàng A Dơ – Phó Chủ tịch HĐND huyện Nậm Nhùn, Tổ đại biểu huyện Nậm Nhùn: Tại Kỳ họp thứ mười ba, HĐND tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 28/2/2023 về quyết định chủ trương đầu tư dự án sắp xếp, ổn định dân cư bản Nậm Pồ, xã Nậm Manh, bản Nậm Cười, xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn).
Mục tiêu đầu tư nhằm sắp xếp, ổn định dân cư cho khoảng 130 hộ dân tại 2 bản đến nơi ở mới. Đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông đến bản, giao thông nội bản, nước sinh hoạt, trường học, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tổng mức đầu tư là 60 tỷ đồng, cơ cấu nguồn vốn từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022, kế hoạch bố trí vốn năm 2023, thời gian, tiến độ thực hiện năm 2023.
Tuy nhiên đến nay việc bổ sung phân bổ kinh phí di chuyển vẫn chưa được thực hiện xong. Đề nghị sớm bổ sung phân bổ kinh phí di chuyển đối với các hộ dân tại 2 bản Nậm Pồ, xã Nậm Manh; Nậm Cười, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn. Qua đó, nhằm đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sắp xếp, ổn định dân cư tại 2 bản trên, góp phần ổn định đời sống và tạo nên sức sống mới ở vùng tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
QUAN TÂM ĐƯA ĐIỆN ĐẾN CÁC BẢN VÙNG SÂU, VÙNG XA
Đại biểu Vương Thị Thu Hiền – Chủ tịch HĐND huyện Phong Thổ, Tổ đại biểu huyện Phong Thổ: Qua nhiều lần tiếp xúc, cử tri đã kiến nghị về việc kéo đường điện cho một số thôn, bản, nhóm hộ, điểm trường trên địa bàn huyện Phong Thổ, trong đó chủ yếu là ở những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn; nhóm hộ có số lượng hộ, khẩu lớn (có nhóm 14-25 hộ dân sinh sống) ở bản Ngài Chồ 1 và điểm trường bản Ngài Chồ của Trường Mầm non Huổi Luông.
Sau khi tiếp thu ý kiến, các đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại Phong Thổ, lãnh đạo và các ban HĐND tỉnh đã tổng hợp, kiến nghị gửi UBND tỉnh, các cơ quan chức năng và nhận được nội dung trả lời của Điện lực Lai Châu sẽ đưa những thôn, bản, nhóm hộ, điểm trường chưa có điện vào danh mục để tiến hành rà soát cân đối đầu tư kéo điện cũng như để kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư nếu như vốn đầu tư lớn. Công ty Điện lực Lai Châu cũng kiến nghị huyện Phong Thổ cân đối ngân sách để kéo điện cho các nhóm hộ, điểm trường. Tuy nhiên ngân sách huyện còn hạn hẹp, chưa cân đối được hết mà chỉ đáp ứng được phần nào.
Xác định việc chưa có điện lưới đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân cũng như thực hiện các tiêu chí xây dựng xã, bản nông thôn mới. Do đó, sớm kéo điện đến một số thôn, bản, nhóm hộ, điểm trường trên địa bàn huyện Phong Thổ là cần thiết, mong mỏi của nhiều người dân. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm có giải pháp và kiến nghị với Công ty Điện lực Lai Châu để bà con tại một số thôn, bản, nhóm hộ, điểm trường trên địa bàn huyện Phong Thổ chưa được lắp điện sớm được sử dụng điện lưới quốc gia.
Nhóm P.V
Bình luận