Khởi động chương trình bồi dưỡng chuyển đổi số
Ngày 6/4, với vai trò là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 146), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số năm 2022 cho lãnh đạo, cán bộ của đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, địa phương.
Không chỉ là hoạt động thực hiện Đề án 146, chương trình bồi dưỡng, tập huấn này cũng là hoạt động đầu tiên khởi động cho Chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số trong năm 2022, giúp đem lại những thông tin hữu ích và những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cũng như trong hành động của lãnh đạo các đơn vị chuyên trách CNTT. Từ đó, thúc đẩy, hỗ trợ và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai chuyển đổi số có những bước đột phá trong năm nay.
Được tổ chức theo hình thức trực tuyến với hơn 800 đại biểu tham dự tại 96 điểm cầu trong cả nước, ngoài nội dung phổ biến định hướng và các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022, chương trình bồi dưỡng, tập huấn dành cho lãnh đạo đơn vị chuyên trách CNTT còn có phần trao đổi, thảo luận, chia sẻ về công tác triển khai chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng lưu ý các đơn vị chuyên trách CNTT bộ, ngành, địa phương về 6 định hướng cụ thể và 22 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Ảnh: ĐT
Theo đại diện Ban tổ chức, bộ tài liệu của Chương trình được xây dựng để hỗ trợ lãnh đạo các đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành, địa phương có thể nắm bắt kịp thời các định hướng và hướng dẫn của Bộ TT&TT về công tác chuyển đổi số trong năm 2022, từ đó có thể tham mưu tổ chức triển khai chuyển đổi số tại cơ quan, địa phương mình. Xương sống của bộ tài liệu Chương trình là các văn bản hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong năm 2022 do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT ban hành.
Khai mạc chương trình bồi dưỡng, tập huấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, “chuyển đổi số là chưa có tiền lệ. Vì vậy, tinh thần là chúng ta cùng nhau làm cái mới, cùng trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau”.
Bày tỏ mong muốn các lãnh đạo, cán bộ của đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành, địa phương sẽ cùng chung tay xây dựng, đóng góp ý kiến để Bộ TT&TT có thể tiếp tục nâng cao chất lượng cho các khoá bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số tiếp theo, Thứ trưởng cũng cho biết, sau khóa học này, Ban tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức khoá bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số năm 2022 cho các cán bộ cấp xã của 11.000 xã trên toàn quốc.
Trong nội dung bài giảng về các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là động lực.
Vì vậy, định hướng xuyên suốt trong năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương về 6 định hướng cụ thể và 22 nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số năm 2022. Trong đó, 6 định hướng cụ thể gồm có: Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; Phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến; Phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân; Phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; Phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhấn mạnh triển khai các tổ công nghệ số cộng đồng là một trong những giải pháp đột phá, nhiệm vụ rất trọng tâm của năm 2022, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương lưu ý để thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp đơn vị, cơ sở phường xã, tổ đội.
Tổ công nghệ cộng đồng có sự tham gia của Đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị xã hội khác, trong đó Đoàn Thanh niên giữ vai trò nòng cốt, chủ lực. Đây sẽ “cánh tay nối dài” của chính quyền, Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, thành phố để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của quốc gia, của tỉnh, huyện, xã.
Được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 1/2022, Đề án 146 xác định phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án 146 là đến năm 2025, 100% các bộ, ngành, địa phương xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp. Đào tạo được tối thiểu 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Cập nhật Thứ tư, 06/04/2022 16:52 (GMT+7)/Đỗ Thoa/dangcongsan.vn
Bình luận