Thứ sáu, 13/12/2024, 15:50 [GMT+7]

Bản “bê tông” ở Mường Khoa

Thứ tư, 28/04/2021 - 10:19'
Bạn đã bao giờ nghe bản có tên “bê tông” chưa? Nếu có chắc hẳn cũng là hiếm hoi, nhưng còn độc đáo hơn khi đây là bản thuộc một xã xa trung tâm của huyện Tân Uyên như Mường Khoa. Bản “bê tông” chưa bao giờ hết thú vị, gây sự chú ý và tò mò của những ai đã từng đến nơi này.

Bản “bê tông” là tên mà chúng tôi tự đặt cho bản Nà Pè. Cái tên ấy không thể nào vô lý khi 123 hộ dân đồng bào dân tộc Thái với trên 600 nhân khẩu nhưng có tới gần 100% số hộ có nhà xây, trong đó hầu hết là nhà mái bằng, có rất nhiều nhà xây 2 - 3 tầng.
Những ngày đầu hạ, nắng hanh vàng trong cái gió hiu hiu phảng phất từ suối Nậm Mu vào bản. Cánh đồng lúa mơn mởn ven đường, thoang thoảng mùi thơm khi lúa vào giai đoạn làm đòng, đẻ nhánh. Gia đình ông Lò Văn Chài nằm ngay ven trục đường liên bản, năm nay đón tết thanh minh vui chưa từng có. Bởi không chỉ nhà ông được “nâng nóc” lên 2 tầng, mà còn anh em họ hàng, bà con trong bản đến nâng ly “chúc kép” 2 niềm vui một lúc. Ngôi nhà đã xong phần xây thô, phần việc còn lại lát cầu thang và quét sơn nữa là hoàn thiện. Trong tiếng nói cười, chúc mừng của mọi người, ông Chài vui mừng chia sẻ: “Năm 2015, sau nhiều năm tằn tiện, tích góp, gia đình tôi bán thêm trâu, bò, đủ tiền xây ngôi nhà kiên cố 1 tầng trên diện tích 80m2. Từ đó đến nay, 2 vợ chồng con trai tôi về Hà Nội làm thuê kiếm tiền, để con ở nhà ông bà chăm lo, quyết tâm kiên trì kiếm đủ số tiền để bố mẹ xây được ngôi nhà 2 tầng. 2 vợ chồng trung bình tiết kiệm 10 triệu đồng/tháng, như vậy trừ chi phí đi lại ăn uống, thăm nuôi con cái, mỗi năm cũng để ra được 100 triệu đồng”.

Ông Hoàng Văn Yên tiếp khách trong ngôi nhà 2 tầng khang trang đầu tiên ở bản Nà Pè (xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên).

Ông Hoàng Văn Yên tiếp khách trong ngôi nhà 2 tầng khang trang đầu tiên ở bản Nà Pè (xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên).

Có một điều làm nên tình làng nghĩa xóm, ở sự đoàn kết, đồng thuận, chia sẻ khó khăn, nhân đôi niềm vui ở những bản làng vùng cao đó là họ luôn xem “việc người như việc mình”. Ở Nà Pè cũng vậy. Như nhà ông Chài, tính ra tổng kinh phí để có được ngôi nhà 2 tầng khang trang, bề thế này chỉ 400-500 triệu đồng. Riêng tiền công thợ hoàn toàn nhờ bà con anh em họ hàng dân bản xây giúp (khoảng trên 100 triệu đồng). Còn tiền vật liệu như cát được các hộ trong bản thay công nhau lấy từ suối Nậm Mu (cách nhà vài km), chỉ mất tiền thuê lái xe tải chở về nhà. Như vậy, ông Chài làm nhà chỉ tốn nhiều nhất là tiền xi măng, đá, sắt, thép và sơn.
Theo trưởng bản Hoàng Văn Khởi thì bản giờ không còn nhà tạm, chỉ có 2 - 3 nhà sàn (hiện còn vững chãi, khang trang), còn lại là nhà xây. Từ khi “cấm rừng”, bà con tuân thủ tuyệt đối việc giữ rừng, không khai thác làm ảnh hưởng đến rừng; do đó, việc xây nhà sàn bằng gỗ gần như bị bãi bỏ. Người dân nơi đây chăm chỉ làm lụng, khai thác tiềm năng của đất, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, tích cóp, chắt chiu từng đồng để tiết kiệm xây nhà. Những gia đình có con lớn, lập gia đình thì ly hương làm công nhân lao động tại các thành phố lớn ở miền xuôi với quyết tâm, khát khao lớn nhất là kiếm được tiền về xây dựng nhà cửa khang trang, kiên cố. Bởi có lẽ họ đã quá “thấm” khi trải qua những tháng năm ở tạm, đi lại khó khăn do đường giao thông chưa được đầu tư nâng cấp. Do vậy, ý chí của họ cao hơn bao giờ hết, hầu hết thanh niên đi làm ăn xa đều tu chí, chịu thương chịu khó kiếm tiền gửi về nhà cho bố mẹ, không chơi bời, đua đòi, ăn chơi, phung phí. Trung bình đi làm ăn xa, mỗi người tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng/năm, kiếm tiền đến đâu, xây nhà đến đó. Chẳng thế, có những ngôi nhà xây 3 - 4 năm mới hoàn thiện. Ở Nà Pè, vẫn còn nhiều ngôi nhà chưa có “áo” bởi những ông chủ, bà chủ còn mải miết bươn chải tiết kiệm từng đồng để sớm khoác “áo mới” cho cơ ngơi của mình.
Dưới cái nắng xế trưa có phần oi ả ngày chớm hạ, bố con ông Hoàng Văn Yên vẫn miệt mài khoan cắt để hoàn thành cánh cửa cho gian bếp của gia đình. Khuôn mặt hằn lên những nếp nhăn của thời gian, sự vất vả trong lao động. Gạt giọt mồ hôi trên trán, ông Yên tự hào khi nói về ngôi nhà 2 tầng đầu tiên được xây dựng ở bản của vợ chồng ông. “Cách đây 10 năm, 2 vợ chồng tôi chắt chiu được 90 triệu đồng để làm nhà. Lúc đầu cũng chỉ nghĩ là làm ngôi nhà cấp 4 có chỗ che nắng che mưa, nhưng rồi cứ cố mãi. Hai vợ chồng tự đóng gạch, chở cát ở suối để bớt công thuê thợ. Năm đó có bao nhiêu trâu, bò chúng tôi đều bán hết, cộng với tiền tích cóp sau bao năm gây dựng gia đình, vậy rồi cũng xây được ngôi nhà 2 tầng mà không phải vay nợ cô ạ!” - ông Yên cười hiền – nụ cười chứa chan niềm kiêu hãnh.
Nhìn những ngôi nhà “bê tông” ở Nà Pè chúng tôi lại nhớ đến những bàn tay chai sần vì nắng gió, những bàn chân đen xạm vì bùn đất, những manh áo sờn bạc vì thời gian, và cả những thân phận tha hương đó đây… Tất cả đều vì mục đích “an cư để lạc nghiệp”. Và còn bởi danh dự và “tiếng thơm” của gia đình khi những cơ ngơi mà họ đang sở hữu được xây nên từ ý chí, nghị lực và sự quyết tâm để có được những ngôi nhà vững chãi, khang trang, bề thế với những tổ ấm thật bình yên nơi bản nhỏ.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Anh nông dân vùng biên giới làm giàu từ trông sâm Lai Châu
Thay vì trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống, nhiều năm nay, anh Tẩn Sài Sông dân tộc Dao ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) mạnh dạn đổi mới tư duy làm kinh tế. Với việc...