Còn khó trong xây dựng nông thôn mới
Đầu năm 2020, xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) và xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu) sáp nhập thành xã Sùng Phài thuộc thành phố Lai Châu. Qua rà soát lúc mới sáp nhập, xã Sùng Phài chỉ mới đạt 10/19 tiêu chí. Để thực hiện mỗi tiêu chí là cả một quá trình và là bài toán khó đối với chính quyền xã bởi những khó khăn về con người, địa hình, tập quán...
Chị Sùng Thị Dẻ - Chủ tịch UBND xã Sùng Phài cho biết: Thực hiện các tiêu chí NTM xã gặp nhiều khó khăn như: địa hình rộng, số lượng hộ dân tăng, tập quán khác nhau. Khi mới sáp nhập việc đầu tiên xã thực hiện đó là tìm hiểu tập quán, nguyện vọng của Nhân dân; từ đó đề ra các chính sách định hướng đúng đắn đến người dân. Điều quan trọng nữa phải tạo sự đoàn kết trong Nhân dân và kêu gọi mọi người đồng tình, ủng hộ chung tay cùng chính quyền xây dựng NTM. Qua hơn 1 năm, chính quyền và Nhân dân xã Sùng Phài đã hoàn thành được thêm 5 tiêu chí (quy hoạch, điện, trường học, hộ nghèo, thông tin truyền thông); 4 tiêu chí còn lại (thu nhập, môi trường, nhà ở dân cư, vật chất văn hóa) tiếp tục từng bước tháo gỡ và nỗ lực thực hiện để hoàn thành theo đúng lộ trình, thời gian.
Người dân xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh tư liệu
Cấp ủy, chính quyền xã Sùng Phài xác định, muốn người dân đầu tư, ủng hộ cũng như đồng tình trong xây dựng NTM điều tiên quyết là phải nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Người dân có thu nhập ổn định mới có điều kiện cũng như thời gian thực hiện các công việc khác. Chính quyền xã đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao tiêu chí thu nhập. Sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu chủ yếu của người dân xã Sùng Phài. Trên địa bàn xã hiện có trên 400ha lúa, xã khuyến khích, vận động người dân trồng lúa chất lượng cao (tẻ râu) để nâng cao giá trị sản phẩm. Toàn xã có hơn 120ha lúa tẻ râu chủ yếu tập trung ở cánh đồng Lùng Thàng, Sin Páo Chải và Suối Thầu, với năng suất đạt hơn 55 tạ/ha.
Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn như: nuôi lợn thương phẩm, nuôi ngựa và nuôi trâu vỗ béo… hầu hết đều cho thu nhập từ 50 - 200 triệu đồng/năm. Điển hình có anh Tẩn A Tủa (dân tộc Mông, ở bản Lùng Thàng) mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh mua trâu về nuôi vỗ béo. Với số vốn ban đầu, anh Tủa mua 2 con trâu đã trưởng thành về nuôi vỗ béo. Chỉ sau 3 năm nuôi trâu vỗ béo, gia đình anh Tủa không chỉ có tiền trả nợ ngân hàng, mà còn dành dụm được số vốn để làm ăn và tiếp tục đầu tư nuôi trâu vỗ béo. Số trâu trong chuồng của gia đình cũng tăng dần lên và duy trì đều đặn 10 - 20 con cho đến bây giờ. Vì nuôi nhiều trâu nên anh Tủa trồng cả héc-ta cỏ voi để làm thức ăn. Anh Tủa phấn khởi nói: Nhờ làm ăn thuận lợi, mỗi năm gia đình tôi bán ra thị trường trên 20 con trâu. Tùy từng thời điểm và trọng lượng trâu béo hay gầy, mà tôi bán ra thị trường với giá khác nhau, dao động từ 30 - 50 triệu đồng/con. Thậm chí, có con tôi bán với giá lên cả trăm triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi con trâu bán ra thị trường, lãi hơn 10 triệu đồng. Tính ra, mỗi năm gia đình cũng thu lãi hơn 200 triệu đồng từ bán trâu.
Ngoài nuôi trâu vỗ béo, anh Tủa nuôi thêm đàn lợn thịt và gà thả đồi, mỗi năm, cũng thu được 100 triệu đồng. Gia đình anh Tủa còn nấu rượu bán ra thị trường, tăng thêm thu nhập. Bỗng rượu anh Tủa dùng làm thức ăn cho trâu, lợn.
Một giải pháp hiệu quả hiện đang được chính quyền xã Sùng Phài thực hiện đó là khuyến khích các hộ trong và ngoài tỉnh vào đầu tư trồng hoa hồng trên địa bàn xã, bởi diện tích đất bỏ trống trên địa bàn còn khá nhiều. Trên địa bàn xã hiện có 5ha hoa hồng với 4 hộ đầu tư trồng. Mỗi vụ các vườn hoa đã sử dụng từ 5 - 10 lao động với lương từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Xã còn phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh tuyên truyền, vận động người dân đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang… nhằm tăng thêm thu nhập. Đặc biệt, trên địa bàn xã có điểm du lịch cộng đồng tại bản Gia Khâu 1 nên chính quyền xã phối hợp các phòng chuyên môn của thành phố đầu tư, thu hút du khách đến tham quan. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh du lịch gặp nhiều khó khăn.
Tiêu chí môi trường cũng được coi là “vật cản” lớn của chính quyền xã. Thực tế cho thấy, tiêu chí về môi trường là tiêu chí khó bởi bao gồm nhiều nội dung, như: Xây dựng cảnh quan, môi trường; thực hiện thu gom, xử lý chất thải rắn đúng quy trình; các hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch, có chuồng trại tách biệt khu nhà ở; các cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm... Những nội dung này không chỉ cần đầu tư kinh phí, mà còn phụ thuộc vào tập quán, thói quen, ý thức của chính người dân. Vì vậy, đòi hỏi phải có thời gian tuyên truyền, vận động để phát huy tối đa vai trò chủ thể, sự đồng thuận và tham gia ngày càng tích cực hơn của người dân. Trên địa bàn xã nhiều bản vẫn có thói quen sinh soạt theo tập quán cũ, ít vệ sinh nhà cửa và xung quanh nhà. Thậm chí khu chăn nuôi ngay sát cạnh nhà hoặc dưới sàn. Mỗi lần cán bộ xã xuống tuyên truyền và cùng bà con dọn dẹp, vệ sinh thì cũng chỉ được ngay lúc đó.
Đối với các tiêu chí như cơ sở vật chất văn hóa và nhà ở dân cư, hiện chính quyền xã đang tập trung thực hiện. Vừa tổ chức tuyên truyền người dân xây dựng vừa huy động nguồn lực nhà nước và xã hội, nỗ lực đến cuối năm hoàn thành các tiêu chí còn lại. Được biết, hiện toàn xã có 12 nhà tạm, nhà dột nát và bản Sin Chải chưa có nhà văn hóa.
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” cùng với những định hướng, quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Sùng Phài tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu cán đích NTM trong năm 2021.
Bạch Dương
Bình luận