Thứ sáu, 13/12/2024, 16:48 [GMT+7]

Gỡ khó tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 16/06/2021 - 11:19'
Tiêu chí 17 - môi trường trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó vấn đề rác thải nông thôn được xem là khó khăn trong khi thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Việc xử lý rác thải đúng theo quy định để đảm bảo môi trường đang là điều trăn trở của không ít địa phương.

Đến các bản vùng nông thôn, nhất là các xã đạt chuẩn NTM, vệ sinh môi trường được cải thiện đáng kể, khuôn viên tại mỗi gia đình, tuyến đường ngày càng trở nên sạch sẽ hơn. Gia súc, gia cầm được di chuyển ra xa khu dân cư. Bà con tham gia quét dọn đường bản, khơi thông cống rãnh, đào hố rác, xử lý rác thải sinh hoạt, làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh.

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 38/94 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 11 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 43 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 1 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Số xã đạt tiêu chí môi trường có 50/94 xã. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 85,2%, 100% cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường. 100% xã, bản đăng ký xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp…

Tuy nhiên, nhận thức, vai trò chủ thể của người dân một số nơi còn hạn chế; cảnh quan môi trường bản, khu dân cư nhiều nơi còn đáng bàn do nước thải từ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, tập quán thả rông, nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, không có hố ủ phân, nhiều hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, việc xử lý rác thải rắn, rác thải sinh hoạt tại các vùng nông thôn không được thu gom xử lý đúng quy định.

Người dân xã Hua Nà (huyện Than Uyên) xử lý rác tại lò đốt rác tập trung.

Ông Ngô Xuân Hùng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Khi thực hiện xây dựng NTM, mỗi xã phải có bãi chôn lấp rác thải theo quy định mà bắt buộc phải có hệ thống thu gom nước rỉ rác, hệ thống xử lý khí, phương pháp chôn lấp đảm bảo đúng quy định… Do đặc thù là tỉnh miền núi, các bản, xã cách xa nhau nếu yêu cầu mỗi xã có bãi rác thì không thể thực hiện được do không có quỹ đất phù hợp, nguồn lực đầu tư hạn chế. Việc bố trí đầu tư bãi rác cho khu vực xã cũng khó do yêu cầu phải cách xa nguồn nước, khu vực ít ảnh hưởng, không có dân cư; kinh phí đầu tư bãi rác lớn. Trong khi đó, ý thức người dân ở vùng sâu, vùng xa trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao, các tổ thu gom rác thải của bản không có kinh phí duy trì hoạt động.

Điển hình như bản Chang, xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn), môi trường nông thôn cơ bản đảm bảo các tiêu chí, tuy nhiên chưa tạo được cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp; việc mai táng của bản chủ yếu theo tập quán chưa đảm bảo quy định và quy hoạch; trên địa bàn bản không có hoạt động thu gom xử lý rác thải. Ngay tại bản văn hóa Vàng Pheo, xã Mường So (huyện Phong Thổ), cảnh quan môi trường nông thôn chưa tạo được xanh-sạch-đẹp. Hay như bản Chu Va 6, xã Sơn Bình (huyện Tam Đường), không có hoạt động thu gom xử lý rác thải; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh vẫn còn thấp. Bản Gia Khâu 1, xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) vệ sinh môi trường nông thôn trong bản nhiều nơi còn ô nhiễm…

Để gỡ khó cho tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường cán bộ có chuyên môn xuống cơ sở phối hợp địa phương hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân tích cực giữ gìn môi trường nông thôn như: thu gom rác thải, quét dọn đường bản, khơi thông cống rãnh, trồng cây, tu sửa nâng cấp nhà tiêu, nhà tắm. Vận động nâng cao nhận thức người dân không nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, quy hoạch bãi chăn thả tập trung.

Ông Ngô Xuân Hùng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thêm, thực hiện tiêu chí môi trường đã khó nhưng việc giữ chuẩn và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường càng khó hơn. Hiện nay, các huyện đều được đầu tư bãi rác để xử lý nhưng chưa đảm bảo theo quy định do việc đầu tư trước đây mới có bãi, hệ thống lót đáy, chưa có hệ thống xử lý nước rỉ rác. Sở tham mưu cho tỉnh về vấn đề môi trường đặc biệt là việc xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt. Trong đó, đề xuất nâng cấp các bãi rác, bổ sung kinh phí để chuyển dần 100% chôn lấp sang phương pháp tiên tiến hơn. Đối với các xã gần trung tâm huyện thì có phương án thành lập đội thu gom rồi mang ra bãi rác của huyện để xử lý. Các xã vùng sâu, xây dựng lò đốt rác mi ni, có xe đẩy rác, hỗ trợ xây dựng: bể chứa nước, nhà tiêu, bể chứa rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở cánh đồng.

Ngoài ra, tỉnh quan tâm sửa chữa, đầu tư nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt theo hướng “chất lượng nước đạt tiêu chuẩn nước sạch”. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản cam kết chấp hành đảm bảo quy định về vệ sinh môi trường. Phổ biến đến các bản thực hiện việc mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch, bảo vệ môi trường.

Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và người dân nâng cao nhận thức trong vấn đề môi trường; tin rằng môi trường tại các địa phương ngày càng được cải thiện; góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Anh nông dân vùng biên giới làm giàu từ trông sâm Lai Châu
Thay vì trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống, nhiều năm nay, anh Tẩn Sài Sông dân tộc Dao ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) mạnh dạn đổi mới tư duy làm kinh tế. Với việc...