Thứ sáu, 13/12/2024, 15:01 [GMT+7]

Đồng lòng nơi quê hương mới

Thứ hai, 10/05/2021 - 16:01'
(BLC) - Năm 2010, thực hiện chủ trương xây dựng Thủy điện Bản Chát, hơn 60 hộ dân tộc Khơ Mú thuộc bản Kim Pu bịn rịn rời nơi “chôn rau cắt rốn” tại quê hương Tà Mít (huyện Tân Uyên) về xã Trung Đồng. Quê mới không hẳn thuận lợi ngay từ những ngày đầu nhưng bà con quyết tâm, đoàn kết vượt khó, đảm bảo nơi ở mới phải thực sự tốt hơn nơi ở cũ.

11 năm xa quê cũ, giờ đây, dân bản Kim Pu đã thực sự an cư, thỏa lòng với cuộc sống khi thay đổi được nếp sinh hoạt, phương thức sản xuất, tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ phục vụ nhu cầu cuộc sống. Nếu trước kia, đời sống của bà con phụ thuộc phần lớn vào tự nhiên nên khá giản đơn. Bởi tôm, cá có thể đánh bắt tại sông, suối; rau, măng lấy trên rừng, cải gieo tại vườn nhà. Hết gạo có thể ăn sắn, măng thay cơm. Đồng nghĩa với trình độ canh tác đều theo phương thức truyền thống; ít có nhu cầu giao lưu với bên ngoài.

Về nơi ở mới, tuy cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, thuận tiện cho cuộc sống, nhất là gần trung tâm huyện, tuy nhiên đất ở, sản xuất chia theo định mức nhân khẩu/hộ, nếp sống khác với người dân sở tại, chi tiêu cho cuộc sống tăng lên, một số hộ chưa kịp thích nghi còn bất an, có tư tưởng quay trở về bản cũ. Với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã, bản, đặc biệt là phát huy vai trò của Ban Công tác mặt trận bản, bà con hỗ trợ nhau về mọi mặt, hoàn thành sớm xây dựng nhà, tập trung phát triển kinh tế.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Lò Văn Thầu - Trưởng Ban Công tác mặt trận bản nhớ lại: Ra bản mới, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể bản thống nhất phải xây dựng nếp sống văn hóa mới bắt đầu từ quy hoạch, xây dựng nhà ở, khu vực chăn nuôi, đặc biệt nói không với nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn như ở nơi cũ. Đất ở hẹp, các hộ dân bảo nhau tính toán diện tích làm nhà, rồi khu vực nhà tắm, nhà vệ sinh và chăn nuôi đảm bảo khoa học, vệ sinh môi trường. Nhà nào còn thừa đất thì đào ao nhỏ, trồng thêm cây xanh hay vườn rau.

Người dân bản Kim Pu chăm sóc rau trồng trên chân ruộng 1 vụ lúa.

Người dân bản Kim Pu chăm sóc rau trồng trên chân ruộng 1 vụ lúa.

Xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Huyện đoàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn kiến thức, thực hiện mô hình chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ cây, con giống. Nhờ đó, hơn 10ha ruộng nước ngay cạnh bản được đưa giống lúa mới vào gieo cấy, chú trọng đầu tư chăm sóc, đảm bảo an ninh lương thực. Thiếu nước sản xuất vụ đông xuân, một số hộ chuyển đổi trồng ngô. Năm 2019, xã thực hiện thí điểm mô hình trồng rau vụ 3 với 4 hộ tham gia. Các hộ được hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác để trồng đa dạng rau phù hợp mùa vụ. Đến cuối năm 2020, mô hình đã được duy trì, mở rộng với 15 hộ tham gia.

Những ngày đầu tháng 4/2021, khi chúng tôi ghé thăm bản, trên các ruộng rau, bà con đang chăm sóc, thu hoạch mang đi chợ thị trấn bán. Chị Lò Thị Nguyên (hộ dân trong bản) chia sẻ: Khi ở bản cũ, chúng tôi trồng chủ yếu cải canh. Bây giờ đưa vào trồng nhiều loại, trong đó có bắp cải, bí, súp lơ, xà lách… Hiện, đang cố gắng chăm sóc để thu hoạch nốt còn chuẩn bị làm đất cấy lúa vụ mùa. Khâu chăm sóc, tôi chỉ bón phân hóa học và phân chuồng, tưới nhiều nước, không phun thuốc kích thích nên rau bán rất chạy. Vụ đông cuối năm nay, tôi sẽ mở rộng diện tích để có nguồn thu cao hơn.

Có thêm thu nhập, tranh thủ thời gian nông nhàn, đàn ông xuống thị trấn huyện làm thuê, phụ nữ cũng tham gia thu hái chè búp tươi cho Công ty Cổ phần Trà Than Uyên hoặc các hộ trồng chè trên địa bàn xã. Nhiều thanh niên về các tỉnh miền xuôi làm công nhân trong các công ty nên có nguồn thu nhập ổn định gửi về phụ giúp gia đình.

Được biết, hiện nay, chăn nuôi của bản khá phát triển với tổng đàn hơn 300 con trâu, bò. Toàn bộ đàn đại gia súc được chăn thả trên bãi Tà Mít thuộc xã Tà Mít. Các hộ chia nhóm thay phiên chăm sóc, quản lý. Những năm trước, một số hộ đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng, tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19, đầu ra không thuận lợi nên chuyển đổi sang nghề khác.

Kết hợp nhiều nguồn thu nhập, kinh tế của các hộ dân trong bản ổn định, bởi vậy, các hoạt động, phong trào do các cấp phát động đều được hưởng ứng, thực hiện rất nhiệt tình, hiệu quả. Tiêu biểu là hoạt động bảo vệ môi trường sống. Hiện, mỗi hộ gia đình đều đào hố rác trong vườn; 100% hộ không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn. Chiều thứ 7 hằng tuần, các hộ cử thành viên tham gia tổng vệ sinh đường ngõ bản, khơi thông rãnh nước, thu gom rác thải đưa ra lò đốt rác tập trung để xử lý. Bản sắc văn hóa của dân tộc Khơ Mú được giữ gìn, phát huy. Tình hình an ninh trật tự ổn định, không có người nghiện.

Hết năm 2020, bản Kim Pu còn 9 hộ nghèo (giảm 5 hộ so với đầu năm); 51 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Bản duy trì 5 năm liên tục đạt danh hiệu văn hóa. Kết quả đó chứng minh khi bà con đã thực sự “an cư” thì ắt sẽ “lạc nghiệp”.

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Anh nông dân vùng biên giới làm giàu từ trông sâm Lai Châu
Thay vì trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống, nhiều năm nay, anh Tẩn Sài Sông dân tộc Dao ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) mạnh dạn đổi mới tư duy làm kinh tế. Với việc...