Khó đảm bảo tiêu chí môi trường
Huyện Sìn Hồ có 22 xã, thị trấn, phần lớn các xã được thụ hưởng chương trình 135/CP của Chính phủ. Sau hơn 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, đến nay huyện vùng cao này đã có nhiều đổi thay đáng mừng, giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng khang trang, kinh tế có nhiều thành tựu đột phá. Tuy nhiên, tại nhiều xã của huyện, vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí cả những xã đã về đích NTM như: Chăn Nưa, Lùng Thàng… thì tiêu chí môi trường vẫn còn nhiều tồn tại. Một vướng mắc quan trọng nữa là do nguồn ngân sách để tiến hành thu gom rác không có, nhận thức của Nhân dân còn nhiều hạn chế trong bảo vệ môi trường...
Môi trường ở xã Ma Quai (huyện Sìn Hồ) bị ô nhiễm do chất thải gia súc.
Tại một số địa phương như: Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Chăn Nưa, Ma Quai… có thể thấy tình trạng rác thải, nước thải, phân gia súc bị xả tràn ra đường. Mặc dù tại các xã, các khu dân cư đều có lò đốt rác, nhưng không sử dụng thường xuyên. Cùng với đó là thói quen nuôi gia súc theo kiểu thả rông, chất thải từ gia súc đã gây ô nhiễm nguồn nước, không khí quanh khu dân cư. Tại nhiều hộ dân, nhà ở thiếu công trình vệ sinh cũng khiến môi trường trở nên ô nhiễm trầm trọng.
Ông Lò Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa cho biết: Xã đã cán đích NTM, nhưng tại thời điểm công nhận tiêu chí môi trường của xã vẫn còn “non” (mới chỉ đạt trên 50%). Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường là bởi đây là tiêu chí “mềm”, phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân. Xã đã nhiều lần vận động, tuyên truyền bảo vệ môi trường, nhưng người dân chưa có nhiều chuyển biến. Nhất là đối với việc xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh và xử lý rác thải sinh hoạt.
Qua khảo sát tại các xã có thể thấy vấn đề đảm bảo tiêu chí môi trường và giữ vững được tiêu chí đó còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố như: con người, nếp sống và chính sách thực hiện. Hiện tại, hầu hết các địa phương đều có quy trình xử lý chất thải, có lò đốt rác, quy chuẩn xây dựng công trình phụ hợp vệ sinh. Nhưng để thường xuyên thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cần có nguồn kinh phí, đây là nút thắt mà nhiều xã chưa xã hội hóa được. Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức của người dân trong sinh hoạt và chăn nuôi chỉ trông vào tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, khiến nhiều xã gặp khó trong việc bảo vệ môi trường.
Trong quá trình xây dựng NTM, tiêu chí về đảm bảo môi trường có những yêu cầu rất rõ để các địa phương thực hiện như: rác thải sinh hoạt phải được thu gom vào bãi có thể đốt hoặc xử lý chôn lấp, bãi chôn lấp phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật như lót đáy, cách xa khu dân cư và nguồn nước. Chất thải trong các hoạt động chăn nuôi phải được thu gom có hầm chứa, khai thác tài nguyên phải có đánh giá tác động môi trường… Song, với đặc thù là huyện miền núi dân cư thưa, địa hình chia cắt thì việc xử lý chất thải theo đúng yêu cầu là việc khó, phụ thuộc chủ yếu vào việc người dân cần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm.
Ông Nguyễn Đình Định - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Môi trường sống ở các xã trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Còn tình trạng môi trường bị ô nhiễm, phần lớn đều từ nguồn rác thải sinh hoạt, chăn nuôi của người dân. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn huyện đẩy mạnh vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ các địa phương nhiều công trình xử lý rác, có quy mô phù hợp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân để bà con chủ động giữ gìn môi trường sống là việc làm cần nhiều thời gian. Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó phát sinh rác thải lớn đã tạo áp lực lên môi trường và hệ sinh thái, đây cũng là vấn đề được chính quyền huyện quan tâm.
Đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, cải thiện môi trường, bảo vệ hệ sinh thái là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống. Quá trình triển khai có thể thấy còn tồn tại một số khó khăn, chưa phù hợp với điều kiện thực tế miền núi. Để xây dựng môi trường sống sạch, đảm bảo sức khỏe cộng đồng cần sự vào cuộc quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực thay đổi từ phía người dân.
Mạnh Hùng
Bình luận