Thứ sáu, 13/12/2024, 20:34 [GMT+7]

Nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông nông thôn

Chủ nhật, 22/11/2020 - 16:15'
(BLC) - Những năm qua, huyện Nậm Nhùn tập trung phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT), tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nậm Nhùn là huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự kém phát triển là hạ tầng GTNT chưa được đầu tư đồng bộ gây cản trở hoạt động giao thương, giao lưu văn hóa giữa các vùng. Từ đó, dẫn tới thực trạng chênh lệch về trình độ dân trí, sự phát triển kinh tế giữa các địa phương trên địa bàn.

Theo đó, huyện quyết tâm phát triển mạng lưới giao thông theo hướng thông suốt, bảo đảm thúc đẩy giao thương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Hàng năm, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, huyện Nậm Nhùn đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, tỉnh thông qua các chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ... để tập trung quy hoạch hạ tầng GTNT. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, xã, thị trấn phối hợp khảo sát, rà soát, lựa chọn, đưa vào danh mục những tuyến đường cần ưu tiên đầu tư xây dựng trước, đảm bảo phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng. 

Ông Ngô Hồng Kiên - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nậm Nhùn cho biết: "Trên cơ sở thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án của nhà nước, huyện tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng GTNT và các công trình thiết yếu khác. Quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng GTNT luôn được thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng một số tuyến giao thông tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương."

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyên, vận động, huy động sức người, sức của trong Nhân dân tham gia làm đường giao thông. Với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phong trào làm đường GTNT tại Nậm Nhùn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và người dân với gần 59.000 ngày công và hơn 11.400 m2 đất được đóng góp.

Đến nay, 100% số xã của huyện Nậm Nhùn đã có đường ô tô đến trung tâm, mặt đường được cứng hóa. 71/73 bản có đường xe máy đi lại thuận lợi, trong đó 47/73 bản có mặt đường trục chính đến bản được cứng hóa, đạt 64,38%. Mạng lưới GTNT ngày càng khang trang, sạch đẹp, góp phần làm thay đổi diện mạo các xã trên địa bàn huyện, đặc biệt là xã khó khăn.

Niềm vui của người dân bản Nậm Chà (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn) trên con đường nội bản được cứng hóa

Niềm vui của người dân bản Nậm Chà (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn) trên con đường nội bản được cứng hóa.

Nậm Chà là một trong những xã khó khăn của huyện Nậm Nhùn. Năm 2013, khi được chia tách thành lập, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng, địa bàn xã không có tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua. Tuyến đường từ trung tâm huyện vào xã khi ấy là đường dân sinh, giao thông khó khăn, việc giao lưu buôn bán của người dân gặp nhiều trở ngại. Với những chính sách đầu tư của nhà nước, nhất là đầu tư và đưa vào sử dụng tuyến từ trung tâm huyện vào xã, các tuyến đường nội bản, nội đồng tạo điều kiện thuận lợi đi lại, giao lưu, trao đổi buôn bán của người dân. Đây thực sự là bước ngoặt thay đổi diện mạo của xã.

Ông Vũ Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã Nậm Chà nhấn mạnh: "Đối với xã Nậm Chà, từ khi 2 tuyến đường nối từ trung tâm huyện vào trung tâm xã được bàn giao đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 20 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 28%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay."

Thực tế cho thấy, việc tập trung đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn huyện Nậm Nhùn còn trở thành nền tảng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Lò Dinh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Anh nông dân vùng biên giới làm giàu từ trông sâm Lai Châu
Thay vì trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống, nhiều năm nay, anh Tẩn Sài Sông dân tộc Dao ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) mạnh dạn đổi mới tư duy làm kinh tế. Với việc...