Thứ tư, 11/12/2024, 14:47 [GMT+7]
Nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12)

Quan tâm, chăm lo cho đối tượng yếu thế

Thứ hai, 02/12/2024 - 16:08'
Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh thời gian qua luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong thực hiện đảm bảo an sinh xã hội nói chung, chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội nói riêng, trong đó có người khuyết tật (NKT). Đó là truyền thống đạo đức tốt đẹp, nhân văn của người Việt Nam để không ai bị bỏ lại phía sau, không còn NKT nào cảm thấy thiệt thòi và cô đơn trong cuộc sống.

Một ngày mùa đông mưa bay lất phất, chúng tôi cùng các đảng viên Chi bộ bản Màng và cán bộ phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu) đến thăm chị Vàng Thị Pánh. Căn nhà chỉ có một mẹ, một con thiếu đi hơi ấm của người đàn ông và không đủ đầy như những gia đình khác.
“Năm tôi hơn 10 tuổi, cùng gia đình đi cấy, tối mịt mới về, trời mưa rét, giống như đã làm việc kiệt sức trong điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt, ăn bữa tối xong, tôi ngủ một mạch tới tận sáng hôm sau không muốn dậy. Khi tỉnh dậy, người tôi cứng đơ, không động đậy, nhất là cột sống và cơ xương ở đùi, ở chân như bị cái gì đó đè lên nặng trĩu. Tôi bị một cơn tai biến nặng ảnh hưởng tới cơ xương. Tình trạng này diễn ra 30 năm qua, gia đình tôi không thể can thiệp chữa trị được. Một thời gian dài tôi nằm bất động, vùng da phía sau lưng hoại tử và chưa có dấu hiệu giảm. Giờ tôi chỉ có 2 trạng thái đứng và nằm, không thể ngồi hay cúi xuống vì các cơ không thể đàn hồi được” - chị Pánh chia sẻ.

Cán bộ phường, chi bộ bản và người dân trong bản luôn quan tâm thăm hỏi, động viên chị Vàng Thị Pánh (áo xanh).

Nhưng chị Pánh quyết vượt lên nghịch cảnh để nuôi con và khẳng định mình. Con gái chị nay đã học lớp 11, học hành chăm chỉ, biết yêu thương, chăm lo cho mẹ. Chị Pánh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chi trả kịp thời chính sách hỗ trợ dành cho người khuyết tật và mẹ đơn thân nuôi con, mỗi tháng được 1,2 triệu đồng. Chị nuôi thêm lợn, gà và may khâu những đồ dùng thủ công để bán cho người quen. Những người bình thường ngồi ghế để may thì chị chỉ đứng, khi nào mỏi chân thì tìm chỗ dựa rồi lại tiếp tục. Nhưng may mắn với chị Pánh, ngoài trách nhiệm chi trả cho đúng, đủ, kịp thời, chính quyền phường luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Mỗi khi chị cần, cán bộ phường, đoàn thanh niên, ban lãnh đạo bản lại đến động viên, thăm hỏi, giúp đỡ những việc như: làm chuồng trại chăn nuôi, sửa sang nhà. Mỗi đợt cứu đói giáp hạt hoặc có các nhà hảo tâm ủng hộ quà tết, phường đều dành ưu tiên cho chị.
Chị Vũ Thị Vân Anh (công chức văn hóa - xã hội của phường) thông tin thêm, chị Pánh thuộc hộ nghèo nên còn được hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ bảo hiểm y tế; tạo điều kiện tham gia lớp chăn nuôi gà, hỗ trợ tiền, con giống để duy trì chăn nuôi. Sau này nếu con gái chị có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, phường sẽ tạo điều kiện làm các thủ tục cho cháu.
Tình cảm các cấp chính quyền và cả xã hội dành cho chị Vàng Thị Pánh cũng là nghĩa cử tốt đẹp thường ngày mà trên 5.000 NKT trên địa bàn toàn tỉnh đang được quan tâm, thụ hưởng. NKT chia thành nhiều dạng như: khuyết tật vận động, nghe nói, nhìn, thần kinh hay khuyết tật trí tuệ… Chia theo mức độ khuyết tật và căn cứ vào quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), đến nay toàn tỉnh có 836 NKT đặc biệt nặng và 2.977 NKT nặng được hưởng trợ cấp hằng tháng. Những số phận đó đều rất đáng thương, đáng được cảm thông, chia sẻ và bù đắp.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Đỗ Công - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện, toàn tỉnh có trên 16.000 người thuộc diện BTXH, trong đó có NKT. Chế độ chính sách của NKT được thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH. Công tác chi trả được các huyện, thành phố triển khai kịp thời cho chính quyền cơ sở và chi đầy đủ cho đối tượng được hưởng nên nhiều năm nay không có đơn thư khiếu nại hay phản ánh tình trạng chi chậm, chi thiếu…
Hằng năm, từ các nguồn trợ cấp cứu đói, giáp hạt, tổ chức tết và các nguồn từ thiện của các nhà hảo tâm, các cấp cơ sở rà soát, bình chọn trên cơ sở dành sự ưu tiên cho những NKT, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo. Trung bình mỗi năm, số tiền hỗ trợ tết cho các đối tượng BTXH, khuyết tật, yếu thế, gia đình khó khăn… lên tới 4-5 tỷ đồng. Số tiền này đã giúp các đối tượng bớt đi phần nào khó khăn, thiệt thòi, đón những mùa xuân đủ đầy, ấm cúng hơn.
Không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt những NKT vốn đã chịu nhiều thiệt thòi của số phận. Mong rằng thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội sẽ tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn nữa, để NKT có thêm niềm tin, lạc quan vào cuộc sống, làm được nhiều việc có ích và không trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.

Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH, NKT đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp hệ số 2,0; đối với trẻ em và người cao tuổi khuyết tật đặc biệt nặng, hệ số trợ cấp là 2,5. Tương tự, đối với NKT nặng được hưởng mức trợ cấp hệ số 1,5; trẻ em và người cao tuổi khuyết tật nặng được hưởng mức trợ cấp hệ số 2,0. Từ 1/7/2024, nguồn kinh phí hỗ trợ cho NKT cũng được tăng theo hệ số lương cơ bản.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...