Chủ nhật, 01/12/2024, 17:49 [GMT+7]

Tăng viện phí cần tránh tác động người nghèo

Thứ ba, 08/08/2023 - 15:39'
Bộ Y tế đang đề xuất, điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh, tăng trung bình 5%. Liệu rằng, tăng giá dịch vụ y tế ảnh hưởng thế nào đến ổn định kinh tế vĩ mô, và đến người bệnh, nhất là nhóm chính sách, bảo trợ xã hội, hoàn cảnh khó khăn?

b



Người bệnh tại khu vực chờ khám Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: NAM TRẦN

Ðiều chỉnh giá vì tăng lương cơ sở

Bộ Y tế cho biết đang triển khai xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ khám, chữa bệnh của gần 10.000 dịch vụ y tế, tiến tới điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng tính đủ. Trong đó, đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng, dựa trên cơ sở danh mục kỹ thuật hiện hành, vẫn giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành và chỉ điều chỉnh tiền lương kết cấu vào giá theo mức lương cơ sở mới.

Nói về tác động với người bệnh khi tăng viện phí theo lương cơ sở, Bộ Y tế cho biết, mức tương đương với chi Quỹ Bảo hiểm y tế ước tính tăng 2.700 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, khi mức lương cơ sở tăng kéo theo nguồn thu Quỹ Bảo hiểm y tế cũng sẽ tăng do mức đóng của người tham gia bảo hiểm y tế cũng tăng. Nếu tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh thì tỷ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám, chữa bệnh là 4%, chi Quỹ Bảo hiểm y tế tăng khoảng 2.180 tỷ đồng/năm.

Đánh giá này được Bộ Y tế căn cứ vào số liệu về cơ cấu dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022 về kết quả quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế. Nếu tính cả chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và chi phí quản lý vào giá thì giá dịch vụ khám, chữa bệnh tăng bình quân là 9%. Như vậy, dự kiến tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng chung dưới 0,41 điểm phần trăm.

Nói về khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế, đại diện Bộ Y tế phân tích: So sánh chênh lệch thu, chi của Quỹ Bảo hiểm y tế hằng năm (năm 2021 dư 14.368 tỷ đồng), cho thấy nếu điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và tính chi phí quản lý vào giá khám, chữa bệnh thì Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn đủ khả năng cân đối.

Về lộ trình, theo Bộ Y tế, các định mức điều chỉnh sẽ được hoàn thiện trong quý III/2023 để trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Trước mắt, tập trung hoàn thiện các dịch vụ kỹ thuật thiết yếu, sau đó từng bước bổ sung, cập nhật. Giá mới dự kiến áp dụng tại các cơ sở y tế công lập, khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là một trong các bệnh viện đầu ngành sẽ xây dựng định mức cho hơn 5.000 kỹ thuật ở 14 chuyên khoa, hoàn thành trước ngày 31/8/2023. PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo quy trình xây dựng khung giá, đầu tiên cần lập danh mục, sau đó tính định mức kỹ thuật rồi áp giá tương ứng định mức để hình thành giá mới của dịch vụ. Thí dụ, một ca mổ ruột thừa cần hai bác sĩ phẫu thuật, một bác sĩ gây mê, một y tá phụ trách dụng cụ và các loại thuốc như kháng sinh, thuốc mê, chuẩn bị loại máy, dao mổ, chỉ khâu... Trên cơ sở nhân lực kíp mổ, số vật tư thiết bị, thuốc cần dùng, bệnh viện sẽ tính toán lương một giờ của bác sĩ, y tá là bao nhiêu, giá của thiết bị vật tư và các chi phí quản lý, khấu hao; từ đó tính được tổng chi phí cho một ca mổ. "Từ định mức bệnh viện xây dựng trên căn cứ thực tiễn lâm sàng, Bộ Y tế sẽ quyết định mức giá chung cho một ca mổ. Giá nhiều dịch vụ kỹ thuật ban hành từ gần 20 năm trước thiết nghĩ nay cần phải cập nhật, điều chỉnh theo hướng tính đúng tính đủ", PGS Cơ nói.

Ðánh giá mức độ ảnh hưởng đến người bệnh


Lý giải về việc điều chỉnh giá tác động đến người bệnh, Bộ Y tế cho biết, người tham gia bảo hiểm y tế là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội đã được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh nên khi điều chỉnh tăng, các nhóm này không bị ảnh hưởng. Với những người có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 20%, tỷ lệ tăng bình quân giá khám, chữa bệnh khi điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng là 5%. Phần đồng chi trả tăng thêm này được Bộ Y tế đánh giá là "có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo tiền lương cơ sở". Hiện người bệnh phải tự trả khoảng 40% chi phí khám, chữa bệnh, số còn lại từ bảo hiểm y tế.

Theo các chuyên gia, hiện nay giá dịch vụ y tế bao gồm bốn yếu tố: thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp, còn các chi phí gián tiếp như chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị chưa được đưa vào. Đó là lý do mà theo Bộ Y tế, khi lương cơ sở được điều chỉnh, tiền lương cho nhân viên y tế tăng thì giá dịch vụ y tế cũng cần được điều chỉnh theo. Tuy nhiên, việc điều chỉnh để đưa phần "lương tăng" vào dịch vụ y tế cần được xây dựng cụ thể cho từng dịch vụ. Như vậy mới hy vọng giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo hướng tính đúng tính đủ sẽ từng bước giảm chi "tiền túi" của người dân.

Bên cạnh đó, cần chú trọng bảo đảm chất lượng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ y tế. Cần tính đúng tính đủ một cách rõ ràng các dịch vụ khám, chữa bệnh, trong đó, phần chi phí nào người dân không đủ khả năng chi trả thì ngân sách nhà nước phải bảo đảm, không đẩy khó khăn, tạo áp lực cho cơ sở y tế.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nói, xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật là "rất quan trọng để xác định việc tham gia chi trả của bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước, người bệnh". Lộ trình tăng giá khám, chữa bệnh cần lựa chọn dịch vụ tăng trước, đánh giá tác động trước khi mở rộng, từ đó tạo đồng thuận trong xã hội.

Thiết nghĩ việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế. Vì vậy mong và tin rằng khi viện phí tính đúng, tính đủ, người dân khi đi khám, chữa bệnh sẽ không còn bỏ quá nhiều tiền túi như hiện nay.

Lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần được đặt trong mối quan hệ hết sức chặt chẽ đối với chính sách xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện, phát triển bảo hiểm y tế...

Cập nhật Thứ sáu, ngày 21/07/2023 - 15:21/ PHAN LƯƠNG-QUANG ÁNH/https://nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...