Trùng phùng trên ngọn sóng
Anh Thành (người thứ ba, từ phải sang) cùng vợ mình và đồng đội trên đảo Sinh Tồn.
Gần tròn hai ngày kể từ khi tàu rời Cảng Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), tôi đã làm quen được "vị khách đặc biệt" đầu tiên, đó là chị Phan Thị Huyền Trang (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Chuyến vượt sóng này, chị ra Trường Sa để thăm chồng mình là Thiếu tá Trịnh Đức Thành đang công tác ở đảo Sinh Tồn.
Chia nhau miếng lương khô, hai chị em vừa ăn, vừa trò chuyện. Có vẻ như giữa bốn bề bao la sóng nước, màn đêm bao trùm biển cả, càng nhân thêm nỗi nhớ thương của chị dành cho anh. Chị kể, anh chị cưới nhau từ giữa năm 2012, đến nay đã có một bé gái lên tám tuổi. Cưới xong, được ít tuần thì anh tiếp tục mang ba-lô lên đường ra Trường Sa thực hiện nhiệm vụ. Anh từng công tác ở các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây, An Bang, và bây giờ quay lại Sinh Tồn. "Anh bảo rằng anh đi vì vợ, vì con, vì Tổ quốc. Em ở nhà thay anh chăm sóc bố mẹ và con, xong nhiệm vụ anh sẽ về", chị Trang bùi ngùi. Chị kể tiếp, từ hồi mới yêu nhau anh Thành đã công tác ở Trường Sa. Mỗi lần gọi điện để nói chuyện, anh đều dặn trước lúc nào thấy máy tắt thì là bị hết tiền. Thương lắm, yêu xa nên nhớ rất nhiều, nhưng cũng đành chịu vì không có nhiều tiền mua thẻ "nấu cháo" điện thoại.
Chị chia sẻ thêm: "Mình mong muốn được một lần đặt chân tới Trường Sa, để biết cuộc sống, nơi ăn ở của anh ấy thế nào, nên khi biết có tên trong danh sách đoàn đi thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần này, mình mừng phát khóc. Mấy hôm nay bồi hồi, không ngủ được. Cứ nghĩ, không biết lúc gặp nhau, mình sẽ lao tới để ôm anh ấy một cái thật lâu cho đỡ nhớ hay không, hay đứng nhìn rồi cười. Chỉ sợ lại đứng nhìn rồi khóc. Vợ chồng chỉ mong được ở bên nhau, nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của chồng nên mình luôn cố gắng là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác, vững chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc".
Chị Trang đi thăm chồng, còn anh Dần ra thăm con.
Chỉ vài giờ đồng hồ nữa, tàu sẽ bước sang ngày thứ năm của hành trình. Từ chập choạng hôm qua, sức gió mạnh hơn, sóng biển đánh mạn rát hơn những hôm trước. Mũi tàu cứ lên rồi xuống, tàu lắc lư khiến nhiều người bị say sóng. Người lên boong tàu hóng gió vì thế cũng vắng hẳn. Song, anh Lê Mạnh Dần (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) vẫn đứng đó, mắt luôn hướng về phía đảo Trường Sa - nơi con trai anh là chiến sĩ Lê Thành Đức đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đang là sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Hàng hải, Đức đã xin nhà trường bảo lưu kết quả để tham gia quân ngũ.
Vậy là sau hải trình nhiều ngày, tàu cập cảng đảo Trường Sa. Sáng nay, anh Dần cũng được gặp cậu con trai mà mình luôn mong ngóng. Dù muốn nhanh chóng có thêm thông tin, và còn rất nhiều việc cần làm, nhiều người mà tôi muốn gặp để phỏng vấn ở đảo Trường Sa, tôi cũng không thể vì thế mà làm ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc trùng phùng của hai bố con. Nén chờ một khoảng thời gian khá lâu tôi mới dám đến gần bắt chuyện. "Nếu đóng quân ở trên đất liền bố con có điều kiện để gặp nhau, thế nhưng đóng quân nơi đảo xa mà muốn gặp được là cả một vấn đề. Trước ở Trường đại học Hàng hải thì cứ cuối tuần là mình đón cháu về. Tham gia vào quân ngũ là nguyện vọng chính đáng của con nên mình và gia đình rất ủng hộ. Trước chuyến đi, gia đình cũng không nói cho con biết, mà vợ mình chỉ bảo với con là nhân tiện có bác ở cơ quan bố ra Trường Sa công tác nên gửi ít đồ cho con thôi. Khi hai bố con gặp nhau, cháu nó bảo: "Ơ,… bác ở cơ quan bố đây á…". Ra đây gặp con, thấy con khỏe khoắn, rắn rỏi, trưởng thành, mạnh mẽ hơn bố, tôi rất tự hào, yên tâm gửi gắm con cho Tổ quốc", anh Dần xúc động. Dù đã cố gắng kìm nén, thế nhưng trong lúc nói chuyện, anh cũng không thể giấu được cảm xúc. Thi thoảng giọng anh nghẹn lại, mắt đỏ hoe.
Hai bố con chiến sĩ Lê Thành Đức ghi lại khoảnh khắc quý giá.
Lê Thành Đức có gương mặt hiền lành, giọng nói nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng vẫn toát lên được khí chất mạnh mẽ của một người lính đảo. Làn da rám nắng, sạm đen bởi nắng gió Trường Sa càng tô thêm vẻ đẹp kiêu hãnh ấy. Chàng trai ấy tâm sự: Khi gặp bố, em rất bất ngờ, nói không nên lời. Muốn được ôm bố như hồi ở nhà nhưng đang thực hiện nhiệm vụ nên em tự nhủ phải kiềm chế. Về kế hoạch của mình sau ngày thực hiện xong nghĩa vụ quân sự ở đảo Trường Sa, Đức cho biết: Em rất thích môi trường quân đội. Anh em đồng đội sống tình cảm, luôn giúp đỡ, hỏi han, chia sẻ vui buồn cùng nhau. Vậy nên, nguyện vọng của em là sẽ được trở thành học viên của Học viện Hải quân, cống hiến bản thân mình để góp phần vào nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, đó là bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngước nhìn lên lá Quốc kỳ đang phấp phới tung bay, người chiến sĩ trẻ bộc bạch: "Em sẽ luôn đi về phía trước, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, để luôn cảm thấy tự hào khi nói: tôi là một quân nhân Việt Nam".
Gặp lại chị Trang vào buổi chiều hôm sau, chị cười bảo: "Bước chân lên đảo, anh ấy đã đứng đó để đón mình. Thấy anh, nước mắt mình cứ giàn giụa. Ôm chưa đầy hai giây thì anh đã vội chạy qua để chào thủ trưởng, ngay khi vừa nhìn thấy". Chiều hoàng hôn trên biển, sóng vỗ mạn tàu, trong ánh mắt chị, dường như tôi thấy có cả niềm vui pha lẫn chút buồn. Vui vì được gặp người mình yêu thương sau những tháng ngày xa cách vời vợi, nhưng nỗi buồn đã dâng lên nghèn nghẹn, vì đã lại phải chia xa…
Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cho biết: Để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản trên biển, phát triển kinh tế biển, các cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo, và các Nhà giàn DK1 đã không quản ngại những khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Chính vì vậy, những chuyến thăm, mang tình cảm, hơi ấm từ Đất Mẹ chính là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng quý giá, tạo động lực mới cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Cập nhật Thứ sáu, ngày 12/05/2023 - 17:23 /TRẦN TRUNG HIẾU/https://nhandan.vn
Bình luận