Chủ nhật, 01/12/2024, 10:43 [GMT+7]
Tư tưởng của Bác thắp sáng vùng biên cương

Bài 2: Kỳ tích ở nơi “12 tầng dốc”

Thứ năm, 31/10/2024 - 20:39'
(BLC) - Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh và sự giúp sức từ các chương trình hỗ trợ của Đảng, nhà nước, sự nỗ lực vượt khó vươn lên của mỗi người dân nơi đây, Sì Lở Lầu hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới ấm no, hạnh phúc hơn. Những câu chuyện về sự đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm vượt khó đã tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ để Sì Lở Lầu “vươn mình” bứt phá về mọi mặt, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện biên giới.

* Tư tưởng của Bác thắp sáng vùng biên cương

Từ "nhiều không", "nhiều khó"… đến "nhiều có", "nhiều cao"

Xã Sì Lờ Lầu theo tiếng người Dao địa phương có nghĩa là “12 tầng dốc”, muốn lên được tới đây phải vượt qua nhiều con dốc quanh co, dựng đứng hiểm trở. Gần 4 giờ đồng hồ vượt qua những con dốc ấy, chúng tôi cũng đến được trung tâm xã. Dẫn chúng tôi đi thăm các bản, đồng chí Tẩn Chỉn Su – Bí thư Đảng ủy xã Sì Lở Lầu phấn khởi cho biết thêm, sự thay đổi đầu tiên của xã sau khi đưa lời Bác đi vào cuộc sống là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cơ bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, luôn gần dân, trọng dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bất kể là ngày hay đêm, việc nhỏ hay việc lớn hễ được giao là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều sẵn sàng nhận. Ai ai cũng ý thức được việc phải xây dựng một tập thể cơ quan đoàn kết, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh. Đảng bộ xã nhiều năm xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Người dân bản Tỷ Phùng, xã Sì Lở Lầu bảo quản thảo quả.

Người dân bản Tỷ Phùng, xã Sì Lở Lầu bảo quản thảo quả.

Điển hình trong phát triển kinh tế, nhân dân các bản trong xã đã biết thay thế những giống lúa, ngô địa phương năng suất thấp thành giống mới: nhị ưu 838, CP999 có năng suất cao, chất lượng tốt. Việc cơ giới hóa diễn ra mạnh mẽ, toàn xã có gần 1.000 hộ có máy cày bừa mi ni. Nhiều hộ dân chủ động trong việc chăm sóc phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhất là áp dụng các biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi trong mùa đông thông qua việc làm chuồng trại, dự trữ thức ăn, quây bạt… hạn chế đến mức thấp nhất số gia súc chết rét. Qua thống kê, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay nhân dân toàn xã trồng được 351ha ngô vụ mùa, sản lượng đạt 1.474,2 tấn/ha; trồng 378ha lúa mùa, 37ha lúa đông xuân; 79,1ha sắn; 60,2ha dong riềng; 221ha thảo quả. Tổng số đàn gia súc đạt 4.856 con, gia cầm 18.195 con.

Khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu mát mẻ, bà con nhân dân các bản: Thà Giàng, Gia Khâu, Phố Vây, Lao Chải, Lả Nhì Thàng… còn đưa cây dược liệu vào trồng (sâm, thất diệp nhất chi hoa) với diện tích 10,7ha. Riêng sâm Lai Châu là trên 8ha, đây là một trong số những địa phương có diện tích sâm Lai Châu nhiều nhất huyện. Giá trị kinh tế của sâm rất cao, 1 củ sâm lâu năm có giá đến cả trăm triệu đồng. 

Với các hộ dân có mặt bằng gần trung tâm xã mạnh dạn phát triển kinh doanh tạp hóa (20 hộ), mở quán ăn tại hộ gia đình (6 hộ) và 7 hộ có ki ốt bán hàng thường xuyên tại chợ. Chợ Sì Lở Lầu hiện nay trở thành chợ phiên nổi tiếng ở khu vực Tây Bắc họp vào ngày con có sừng với lượng người đến chợ mua bán đông, mặt hàng phong phú…. Điều này giúp nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã qua các năm. Nếu như năm 2020 thu nhập bình quân của xã 20 triệu đồng/người/năm thì đến nay thu nhập bình quân của xã đạt gần 30 triệu đồng/người/năm. Trong xã xuất hiện nhiều hộ làm kinh tế giỏi có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình các anh: Phàn Phủ Tông (bản Lả Nhì Thàng), Ly Seo Lù (bản Tả Chải), Lò A San (bản Mới)…

Chợ Sì Lở Lầu là nơi mua bán hàng hóa của nhiều người dân trong và ngoài xã.

Chợ Sì Lở Lầu là nơi mua bán hàng hóa của nhiều người dân trong và ngoài xã.

Từ xã không có điện, không đường bê tông, trường học nhỏ hẹp, trạm y tế nhà gỗ giờ đường từ huyện đến xã đã rải nhựa, từ xã đến các bản được bê tông hóa 70% tổng chiều dài quãng đường. Điện sáng kéo đến 10/10 bản, 99% hộ dân được sử dụng điện. 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Xã có 3 trường học, có 1 trạm y tế khang trang với 1 dãy nhà 2 tầng. Bên cạnh việc chuyển từ "không" thành "có", xã còn tạo dấu ấn với những con số đạt tỉ lệ cao, tăng dần qua các năm, khẳng định sự khởi sắc của địa phương như: 60% số hộ dân trong xã có nhà xây, trên 70% số hộ có ti vi, 95% số hộ có xe máy, 100% số hộ được sử dụng điện thoại, thậm chí nhiều hộ dân mua được cả ô tô phục vụ nhu cầu làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa và đi lại...

Người dân xã Sì Lở Lầu học lớp tái xóa mù chữ.

Người dân xã Sì Lở Lầu học lớp xóa tái mù chữ.

Ngoài ra, người dân còn có sự đổi thay rõ nét khi nhận thức đã được nâng cao. Bà con tích cực tham gia vào các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn, hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 70% tổng số lao động hiện có. Trong công tác chăm sóc sức khỏe, người dân mỗi khi ốm đau chủ động đến cơ sở y tế để được khám chữa bệnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn xã đã có 6.240 lượt người dân đến trạm y tế xã khám, chữa bệnh. Khi nhắc đến nhận thức của người dân nâng cao thì không thể không nhắc đến ý thức bảo vệ 3.414,05ha rừng, nhiều năm nay trên địa bàn xã không xảy ra cháy rừng, cháy thảm cỏ. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 59,8%. Năm 2023 người dân được chi trả số tiền dịch vụ môi trường rừng khá cao (trên 870 triệu đồng).

Vững vàng một dải biên cương 

Cuộc sống cải thiện, nhân dân trong xã tích cực tham gia vào các phong trào, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” hay các hoạt động xây dựng xã hội học tập, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Qua thống kê, từ năm 2019 đến nay, nhân dân trong xã đã hiến trên 2.000m2 đất, ủng hộ hàng nghìn ngày công xây dựng các công trình phúc lợi xã hội theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay, xã có 7 nhà văn hóa, xã đạt 9/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Để xây dựng xã hội học tập, các gia đình chủ động sắp xếp công việc gia đình, đưa các con đi học, phối hợp cùng với nhà trường trong việc giáo dục con cái. Giờ đây, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Tỷ lệ chuyên cần duy trì ở mức cao 97-98%. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn tại các trường được nâng cao. Trong nhiều năm học gần đây, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sì Lở Lầu đều có học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều em học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã đỗ các trường đại học và trở về công tác trong tỉnh.

Lễ hội Nịn Xin của đồng bào dân tộc Dao xã Sì Lở Lầu tổ chức vào ngày 14-15/1 âm lịch hàng năm.

Lễ hội Nịn Xin của đồng bào dân tộc Dao xã Sì Lở Lầu tổ chức vào ngày 14-15/1 âm lịch hàng năm.

Ở Sì Lở Lầu không chỉ các em nhỏ đi học mà ngay cả thanh niên và người trung tuổi cũng tham gia học tập. Mỗi khi trong xã có mở lớp xóa tái mù chữ là bà con đăng ký tham gia. Chị Tẩn Mý Phới người dân bản Phố Vây tâm sự, trước đây tôi không biết chữ, được cán bộ Đội Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 (Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356) dạy học thì giờ tôi đã biết chữ, biết đọc, biết viết. Có tri thức tôi tự tin hơn trong giao tiếp và làm kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Thực hiện Nghị quyết Số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhân dân trong xã nhiệt tình tham gia các hoạt động bảo tồn lễ hội truyền thống của người Dao là lễ hội Nịn Xin (hay còn gọi là lễ hội ăn trộm) tổ chức vào ngày 14-15/1 âm lịch hàng năm và lễ hội Tết quả trứng của dân tộc Hà Nhì tổ chức vào ngày 8-9/2 âm lịch. Các lễ hội có rất nhiều các hoạt động từ văn nghệ, thi thể thao và trò chơi dân gian, nhuộm trứng... góp phần gìn giữ nét đẹp trong bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng đời sống tinh thần phong phú.

Lễ hội Tết quả trứng của dân tộc Hà Nhì tổ chức vào ngày 8-9/2 âm lịch.

Lễ hội Tết quả trứng của dân tộc Hà Nhì tổ chức vào ngày 8-9/2 âm lịch.

Là xã biên giới, có đường biên dài 30,024km, giáp với trấn Kim Thủy Hà (huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), người dân Sì Lở Lầu nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn và bảo vệ biên giới. Nhân dân các bản tham gia cùng lực lượng công an xã thực hiện các biện pháp phòng chống tội phạm; duy trì thường xuyên, có nền nếp 10 tổ tự quản an ninh trật tự. Chấp hành nghiêm các quy định ở khu vực biên giới như: không xuất cảnh trái phép, không di cư tự do, không vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Bà con cùng lực lượng bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới. Chỉ tính riêng từ tháng 10/2023 đến nay, 46 lượt nhân dân trong xã đã tham gia cùng 522 lượt cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu tuần tra đường biên, mốc giới 58 lần; duy trì hoạt động của 10 tổ tự quản an ninh trật tự bản, 43 bà con đăng ký tự quản 19,586km đường biên, 13 bà con đăng ký tự quản 9 mốc giới.

Người dân xã Sì Lở Lầu tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới.

Người dân xã Sì Lở Lầu tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới.

Nhờ sự hỗ trợ của các chính sách phát triển, tinh thần sáng tạo và quyết tâm vượt khó, Sì Lở Lầu đã làm nên những điều kỳ diệu, biến những khó khăn thành cơ hội để phát triển kinh tế và cải thiện đời sống. Những thành quả này không chỉ khẳng định tiềm năng của vùng đất biên cương mà còn là minh chứng cho tinh thần vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã. Họ đã và đang từng ngày, từng giờ góp sức xây dựng và bảo vệ vững chắc một dải biên cương.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...