Chủ nhật, 01/12/2024, 09:01 [GMT+7]

Thành phố Lai Châu tích cực góp ý vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Thứ hai, 21/09/2015 - 20:48'
(BLC) - Thực hiện kế hoạch của HĐND tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), thành phố Lai Châu đã triển khai thực hiện nghiêm túc, rộng rãi, thu hút được nhiều ý kiến tham gia của cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân trên địa bàn.

Chúng tôi được dự một buổi họp của tổ dân phố số 7 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vào những ngày cuối tháng 8. Tổ có đặc thù là các hộ dân chủ yếu là cán bộ hưu trí, cán bộ công chức nhà nước, còn lại là thành phần kinh doanh buôn bán, trình độ nhận thức tương đối cao. Ngay khi được báo thời gian, địa điểm dự họp, đại diện các hộ đến dự họp đông đủ và tinh thần rất nghiêm túc. Tại buổi họp, đồng chí Hoàng Quyền – Bí thư Chi bộ tổ dân phố thông qua bản tóm tắt nội dung bản Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), sau đó Nhân dân tiến hành đóng góp ý kiến. Kết hợp nêu tóm tắt nội dung, đồng chí Bí thư Chi bộ đã phân tích rõ chủ trương, mục đích cũng như gợi mở và định hướng quan điểm của Đảng, nhà nước để Nhân dân dễ nắm bắt và tham gia ý kiến.

Một buổi họp lấy ý kiến của Nhân dân vào Dự thảo Bộ luật Hình sự của tổ dân phố số 7, phường Đoàn Kết.

Qua phân tích, bà con Nhân dân đều hiểu hơn về những điều khoản cơ bản, hiệu lự của Bộ luật Hình sự; tội phạm; những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (mới); thời hiệu truy cứu trách nhiệm, miễn trách nhiệm hình sự; quyết định hình phạt... Nhiều cá nhân cũng bày tỏ quan điểm, do xã hội có sự thay đổi thường xuyên, liên tục nên Dự thảo Bộ luật được ban hành nhằm điều chỉnh cho phù hợp với thời điểm hiện hành và hướng đến bản chất nhân văn của Đảng, nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến đã thể hiện quan điểm thẳng thắn khi cho rằng, cần trừng trị nghiêm khắc những kẻ vi phạm pháp luật dưới mọi hình thức, không được nương nhẹ và không sử dụng bất cứ một hình thức thay thế nào (như nộp tiền để được thay thế hoặc giảm thời gian chấp hành hình phạt tù...).

Không chỉ có tổ dân phố số 7, nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố Lai Châu cũng huy động Nhân dân tham gia ý kiến sôi nổi, tiêu biểu. Để lấy ý kiến của Nhân dân một cách đầy đủ, rộng khắp, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của HĐND tỉnh, HĐND thành phố đã xây dựng kế hoạch, công văn, gửi đến các cơ quan, đơn vị, HĐND các xã, phường phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch triển khai ở tất cả các đơn vị, bản, tổ dân phố và tổ chức lấy ý kiến. Từ cán bộ, đảng viên đến Nhân dân đều tập trung nghiên cứu và tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Theo thống kê, thành phố đã tổ chức 137 hội nghị, cuộc họp tập trung tại các cơ quan, đơn vị, xã, phường, các tổ dân phố, bản, khu dân cư với 8.965 người tham dự, trong đó, có 233 lượt người tham gia ý kiến.

Tại các Điều 245, 246, 247, 248, mục 8, có 15 ý kiến tham gia của Nhân dân đề nghị sửa đổi từ “cây thuốc phiện” thành “cây hoa anh túc” với lí do: thuốc phiện là chất nhựa được lấy từ quả cây hoa anh túc nên sửa đổi như vậy mới đảm bảo tính chính xác. Ý kiến khác cho rằng, khi bắt quả tang tội phạm về ma túy, thì chưa thể kết luận ngay tang vật thu được là chất ma túy mà phải qua giám định kỹ thuật mới kết luận là có chứa chất ma túy hay không. Tại phần a, mục 3, nhiều ý kiến không nhất trí bỏ hình phạt tử hình đối với tội cướp tài sản.

Về vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân, có 8.060/9.094 người nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Vì tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, nhất là hành vi gây ô nhiễm môi trường, sản xuất, vận chuyển buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau do những thay đổi của đời sống xã hội, nhiều trẻ em chưa đủ tuổi vị thành niên nhưng đã gây ra những án mạng đau lòng, gây bức xúc trong Nhân dân. Có 7.498/9.094 người nhất trí với loại ý kiến thứ nhất, tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị Bộ luật cần quy định rõ những tội danh cụ thể để có biện pháp xử lý, vừa có tác dụng giáo dục, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Theo quy định hiện này thì các tội phạm mà trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự là khá rộng và quan trọng hơn là quy định này chưa rõ ràng, minh bạch nên các em không thể hoặc khó có có thể biết được chính xác khi nào hành vi của mình bị coi là phạm tội.

Đặc biệt, về việc bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân..., Nhân dân nhất trí với các loại ý kiến quy định trong Dự thảo Bộ luật Hình sự, song đề nghị không bỏ tội tảo hôn (Điều 147 Bộ luật Hình sự hiện hành). Lí do Lai Châu là tỉnh miền núi, có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống, trong đó có dân tộc Mông (có tục cướp vợ). Hiện nay tình trạng tảo hôn ở đồng bào dân tộc thiểu số không giảm đi mà có xu hướng tăng lên. Do vậy, nếu bỏ tội tảo hôn không những khó khăn trong việc xử lý mà còn không kìm hãm được hủ tục lạc hậu này.

Việc tích cực tham gia ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Hình sự của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố Lai Châu không chỉ được tham gia với tinh thần dân chủ, công khai mà còn khẳng định rõ hơn quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với quy định của nhà nước.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...