Chủ nhật, 01/12/2024, 09:01 [GMT+7]

Quan tâm chăm lo, ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ bảy, 28/09/2019 - 06:36'
(BLC) - Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lai Châu đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều đổi thay rõ rệt, đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng cao, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị nơi biên giới. Đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh, chỉ đạo Đảng và Nhà nước.

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống (trong đó có 4 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, La Hủ và Si La). Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84%. Quan tâm chăm lo, ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đoàn thể; các tổ chức chính trị, cấp uỷ, chính quyền các huyện, thành phố cụ thể hoá chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng cơ sở, sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xác định, đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do vậy công tác khuyến nông, khuyến lâm; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi được tỉnh quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng triển khai quyết liệt. Các địa phương cũng tích cực hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng đến những loại cây có giá trị năng suất và hiệu quả kinh tế cao như: chè, mắc ca, cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới… Phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua xây dựng các mô hình hỗ trợ nuôi trâu, bò, gà vịt, cá lồng, tôm càng xanh, dê…  cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trung bình giảm 4,38%/năm, đến cuối năm 2018 toàn tỉnh còn 24.195 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 24,89%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 30,82%. Năm 2018, có 2 huyện (Than Uyên, Tân Uyên) được Chính phủ công nhận thoát nghèo.

làm đường

Tuyến đường nội bản Nà Phân, xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ được thi công theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân địa phương.

Thực hiện hiệu quả các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2014 đến nay, thông qua Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa), tỉnh đã bố trí hơn 1.253 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới gần 400 công trình thủy lợi,  điện, nước sinh hoạt, giao thông, trường học, y tế, nhà văn hóa...; duy tu, bảo dưỡng hơn 260 công trình. Hỗ trợ đa dạng sinh kế (giống cây trồng, vật nuôi, vật tư và mô hình chăn nuôi, sản xuất) cho trên 21.000 lượt hộ với tổng kinh phí thực hiện trên 826 tỷ đồng… Bên cạnh đó, nguồn vốn Chương trình 30a (hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo) đã đầu tư mới 257 công trình; hỗ trợ sản xuất, giáo dục, đào tạo dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho trên 295.000 lượt hộ với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho trên 500.000 lượt hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg… Qua đó, giúp đồng bào các dân tộc giảm bớt khó khăn, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hầu hết các công trình xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135, 30a đều được duy tu, bảo dưỡng hàng năm, phát huy hiệu quả sử dụng; giúp giải quyết phần nào những khó khăn của người dân về cơ sở hạ tầng. Đồng thời, tạo điều kiện để bà con tăng cường giao thương buôn bán và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong vùng, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh.

Thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong 5 năm qua (2014 - 2019), các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tặng quà tết, thăm hỏi ốm đau cho trên 6.000 lượt người có uy tín; thực hiện trên 10 hội nghị cung cấp thông tin cho hơn 800 lượt người dân tộc thiểu số; tổ chức hơn 30 đoàn với trên 900 lượt người đi tham quan học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; thực hiện nhiều nội dung khác như cấp phát báo, khen thưởng theo quy định… với tổng nguồn vốn 10.878 triệu đồng.

Triển khai Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống, Mảng, La Hủ theo Quyết định 1672/QĐ-TTg; tỉnh đã phân bổ hơn 234 tỷ đồng, đầu tư 11 công trình đường giao thông và 1 công trình thủy lợi, hỗ trợ làm nhà ở, công trình vệ sinh cho hơn 1.600 hộ; hỗ trợ sản xuất cho gần 8.000 lượt hộ, hỗ trợ 18 mô hình các loại, tổ chức hơn 200 lớp tập huấn với hơn 6.200 lượt người tham gia, tổ chức 2 chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, các phong trào thi đua trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được phát động và đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số điển hình làm kinh tế giỏi như: hộ gia đình ông Lò Văn Hoan - bản Phiêng Cẩm, xã Mường Cang; bà Chứ Thị Anh - bản Che Bó, xã Phúc Than (huyện Than Uyên). Ông Lò Văn Bun - xã Nậm Cuổi (huyện Sìn Hồ). Ông Lò Văn Hừ, bà Lò Thị Xanh - xã Nậm Khao; ông Vùi Văn Pha - bản Giẳng, xã Mường  Tè (huyện Mường Tè); ông Vàng Văn Quyết - bản Giẳng, xã Mường Mô, Giàng A Thể - bản Nậm sảo II, xã Trung Chải (huyện Mường Tè). Ông Lò Văn Hùng - xã San Thàng (thành phố Lai Châu). Ông Tẩn A Mìn - xã Hoang Thèn, Lù Văn Trì - xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ). Ông Tòng Văn Thủy - bản Nà Phắt, xã Thân Thuộc, Lò Văn Mín - bản Nậm Khăn, xã Tà Mít (huyện Tân Uyên) và nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu khác.

Bên ngôi nhà gỗ khang trang, kiên cố, chị Hầu Thị Ca - dân tộc Mông, ở bản Tìa Tê, xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ chia sẻ, vợ chồng tôi lấy nhau với 2 bàn tay trắng, bố mẹ 2 bên đều nghèo nên không có gì để lại cho con, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Từ năm 2014 đến nay, được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình tôi đã được vay vốn 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện Sìn Hồ để phát triển kinh tế; được hỗ trợ cây, con giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo và có kinh tế ổn định. Tích cực lao động sản xuất, hiện chúng tôi có 2 con trâu, 2 con lợn, mỗi vụ thu về trên 40 bao thóc, hơn 20 tạ thảo quả khô… cho thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm. Có tiền chúng tôi đã mua sắm nhiều đồ dùng cần thiết cho gia đình. 2 con được ăn học đầy đủ. Không chỉ gia đình chị Ca, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác ở Lai Châu đã và đang có được cuộc sống ổn định, nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.

Một trong những chính sách thiết thực chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện rõ nhất là sự nghiệp giáo dục phát triển khá toàn diện với cơ sở vật chất, trường học được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại. Đến hết năm 2018, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 93%. Các chính sách giáo dục cho con em đồng bào dân tộc được thực hiện đầy đủ thông qua chương trình hỗ trợ gạo, tiền ăn, học phí. Chính sách cử tuyển hàng năm được thực hiện tốt, đảm bảo xét tuyển đúng chỉ tiêu và quy định. Công tác duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục được quan tâm. Năm 2016, tỉnh Lai Châu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Toàn tỉnh hiện có 134 trường đạt chuẩn Quốc gia. Trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học điển hình như: dòng họ Giàng ở xã Làng Mô, dòng họ Mùa ở xã Xà Dề Phìn, dòng họ Lò ở xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ). Dòng họ Tống ở xã Mường Tè (huyện Mường Tè), gia đình ông Phan Văn Thách, Phan Văn Sơn - xã Mường Mô; Lù Văn Quy - xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn)...

Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được tăng cường. Mạng lưới y tế được củng cố và hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, biên giới. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai tích cực. Công tác khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn được các cơ sở y tế duy trì thường xuyên. Hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ trong việc chi trả các dịch vụ y tế. Đến nay, tỷ lệ xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế là 75%, tăng 34,3% so với năm 2014.

Kinh tế phát triển thúc đẩy các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao cũng phát triển và được tổ chức rộng khắp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc được khôi phục đã duy trì và phát triển như: Lễ hội Gầu tào (dân tộc Mông); Bun vốc nặm (dân tộc Lào); Kin lẩu khẩu mẩu, Then kin pang, Nàng Han (dân tộc Thái); Tủ cải (dân tộc Dao); Mừng cơm mới (dân tộc Si La...). Hàng năm, các địa phương trong tỉnh cũng tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc theo cụm xã và cấp huyện. Qua đó, từng bước bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Đồng chí Trần Hữu Trí - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn; phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát lập phương án, xây dựng kế hoạch tổ chức, triển khai, thực hiện các chương trình chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đảm bảo đúng tiến độ, thời gian và hiệu quả. Nhân dân các dân tộc đã từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, nâng cao, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, chung tay cùng tỉnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia.

Thông qua hàng loạt các hoạt động hỗ trợ và quan tâm chu đáo của các ngành, các cấp, địa phương, cơ quan đoàn thể, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đang ngày càng khởi sắc. Diện mạo nông thôn miền núi không ngừng được đổi thay. Đó cũng là nền tảng quan trọng giúp địa phương thực hiện thành công công tác giảm nghèo bền vững.

Đến nay, toàn tỉnh có 95/96 xã có đường giao thông đến trung tâm đi được 4 mùa, trên 97% thôn, bản có đường xe máy đi lại thuận lợi. trên 97% tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Nhiều công trình được đầu tư xây mới và sửa chữa đến nay đã đảm bảo nhu cầu nước phục vụ sản xuất cho trên 85% diện tích đất sản xuất canh tác cho Nhân dân. 100% xã có điện lưới Quốc gia với hơn 96% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới Quốc gia.

Thắng Trần

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...