Chủ nhật, 01/12/2024, 08:54 [GMT+7]

Kinh doanh online: Cần nâng cao trách nhiệm

Thứ tư, 03/07/2024 - 10:34'
Tuân thủ quy định của pháp luật; cam kết chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt; chính sách bảo hành và hoàn trả sản phẩm khi bị lỗi, hỏng - là trách nhiệm được các chủ thể kinh doanh, hợp tác xã (HTX), công ty trên địa bàn tỉnh đã và đang chú trọng thực hiện khi tham gia kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Chúng tôi đến thăm Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV ở phường Quyết Tiến (thành phố Lai Châu). Dù ngoài trời đang mưa nặng hạt nhưng không ảnh hưởng đến công việc livestream của nhân viên công ty trên các nền tảng mạng xã hội như: facebook, zalo, youtube, tiktok, website TayBacTV.vn… bán các sản phẩm nông sản của Lai Châu (mật ong rừng, tinh bột nghệ, thịt trâu gác bếp, chẩm chéo, đặc biệt là viên Hà Thủ Ô…). Hiện nay, công ty có các chi nhánh ở Lai Châu, Hà Nội, Nam Định với đội ngũ trên 150 nhân viên tập trung mảng kinh doanh online. Trung bình 1 ngày, công ty đóng gói, xuất hàng nghìn đơn hàng đi các tỉnh, thành trên cả nước.
Anh Hà Khắc Tuấn Anh - Trưởng Phòng Marketing, Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV chia sẻ: “Để đứng vững trên thị trường thời kỳ 4.0, tận dụng lợi ích thiết thực từ mạng xã hội kinh doanh online, công ty tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại livestream bán hàng: phòng làm việc, bàn ghế, đèn, máy tính, điện thoại thông minh. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng kênh bán hàng, thương hiệu thông qua các video quảng cáo ngắn, thông tin về đơn vị sản xuất, sản phẩm nhằm tiếp cận khách hàng nhanh hơn”.

Một buổi livestream bán hàng trên facebook của Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV.

Khi đặt câu hỏi về trách nhiệm trong kinh doanh online được công ty chú trọng thực hiện như thế nào? Chúng tôi nhận được câu trả lời từ anh Tuấn Anh: Đó là tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; cam kết sản phẩm phải chuẩn, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm nhận và bảo hành sản phẩm cho khách hàng, nhất là luôn đồng hành cùng khách trải nghiệm dùng sản phẩm.
Hiện nay, kinh doanh online qua các ứng dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đang là xu hướng được ưa chuộng. Tại Lai Châu, khai thác lợi thế của địa phương có nhiều dược liệu quý, các sản phẩm nông sản đặc sản: gạo, miến dong, thịt trâu sấy, mật ong… các HTX, tổ hợp tác, người dân tích cực đăng bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử nhằm tăng thêm nguồn thu nhập.
Những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho HTX, công ty, hộ kinh doanh, người dân tham gia kinh doanh online. Theo thông tin từ Sở Công Thương, đến nay, đơn vị đã hỗ trợ 208 cơ sở sản xuất nông nghiệp đưa 64 sản phẩm nông sản lên sàn postmart.vn. Vận hành Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hàng hóa của tỉnh tại địa chỉ http://truyxuatnguongoclaichau.vn để hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm, hàng hóa nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, HTX. Tổ chức đào tạo livestream bán hàng, hội thảo xúc tiến thương mại điện tử bán hàng cùng tiktok cho hơn 210 doanh nghiệp, HTX. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đẩy mạnh việc tuyên truyền đến nhân dân về Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử.
Lướt trên các trang mạng xã hội như: facebook, zalo, tiktok, youtube… chúng tôi thấy dày đặc thông tin đăng các bài viết từ nông sản của địa phương đến đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn, đồ uống… với hình ảnh bắt mắt, video sinh động. Tuy nhiên hiện nay, chưa có thống kê cụ thể về số lượng cá nhân, hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp kinh doanh online trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, không ít người tiêu dùng trong tỉnh, kể cả những người tham gia kinh doanh online cũng gặp tình trạng mua phải hàng kém chất lượng qua các kênh bán hàng trên mạng. Chị Tạ Thị Châu ở phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) bức xúc nói: “Tôi có đặt một bộ chăn ga trên Shopee nhưng khi nhận, bóc ra bên trong là hàng cũ, không sử dụng được”.
Theo Điều 37 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử nêu rõ: Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử… Điều này được chị Nguyễn Thị Loan ở phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) duy trì từ khi tham gia bán hàng qua mạng xã hội. Chị Loan tâm sự: “Tôi thường đăng bán các mặt hàng nông sản của Lai Châu: mắc-ca, các loại dược liệu, tinh bột nghệ lên trang facebook cá nhân. Để bán hàng được lâu dài trên mạng xã hội, tạo niềm tin và uy tín với khách hàng, tôi đăng tải đầy đủ thông tin về sản phẩm, công dụng, giá cả, địa chỉ đơn vị sản xuất. Nhất là trung thực với khách về sản phẩm tránh tình trạng quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo”.
Thiết nghĩ, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm khi kinh doanh online, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh cần vào cuộc hơn nữa trong việc quản lý cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, HTX, đăng ký kinh doanh trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức livestream bán hàng mà không tuân thủ quy định của pháp luật. Hơn hết, người tham gia kinh doanh online cần có “chữ tâm”; người dân trở thành những nhà tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn các đơn vị uy tín đặt mua sản phẩm, tránh tình trạng tiền mất, tật mang.

Đông - Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...