Chủ nhật, 01/12/2024, 08:16 [GMT+7]

Hiệu quả từ mô hình trồng bí xanh ở bản Nậm Manh

Thứ tư, 28/08/2024 - 22:56'
(BLC) - Thời gian qua, nhiều hộ dân ở bản Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn) mạnh dạn đưa cây bí xanh vào trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó mở thêm cơ hội giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Có mặt tại khu vườn trồng bí của gia đình anh Vàng Văn Phiêng ở bản Nậm Manh (xã Nậm Manh). Đây là mô hình trồng bí xanh liên kết với tiêu thụ sản phẩm cùng doanh nghiệp thu mua. Gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên triển khai mô hình. Bản thân anh cũng không ít lần lặn lội bắt xe từ bản xuống thành phố Lai Châu rồi đi Sơn La gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp thu mua bí xanh. Ban đầu anh Phiêng gặp nhiều khó khăn do không có kinh nghiệm nhưng đến nay nhờ chủ động học hỏi cùng đầu ra được đảm bảo nên trái ngọt anh thu được là hàng chục tấn bí trồng ra đều được tiêu thụ hết.

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Vàng Văn Phiêng cho biết: Trước đây mình đã thử trồng và chăn nuôi rất nhiều loại cây, con nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2023 mình trồng thử nghiệm bí xanh, thấy hiệu quả nên năm nay mình mở rộng diện tích lên 4ha. Từ đầu vụ đến nay gia đình đã thu hoạch được 6 lứa với khoảng 250 tấn quả. Sau khi trừ các khoản chi phí bỏ ra, thu nhập còn lại khoảng 250 triệu đồng.

Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây bí xanh, cùng với hiệu quả kinh tế mang lại. Hiện, UBND xã Nậm Manh khuyến khích các hộ mở rộng diện tích trên những khu vực đất có điều kiện canh tác phù hợp. Thực hiện việc trồng, chăm sóc, thu hoạch theo đúng cam kết với các đơn vị thu mua để đảm bảo chất lượng sau thu hoạch. Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 10 hộ dân tham gia mô hình với diện tích khoảng 6ha. Đây cũng là thời điểm người dân đang bước vào thu hoạch chính vụ bí xanh. Với giá bán từ 10 - 15 nghìn đồng/1kg, hộ có diện tích từ 0,2ha cũng cho thu hoạch đạt từ 20 - 25 triệu đồng/vụ.

Người dân bản Nậm Manh, xã Nậm Manh phấn khởi thu hoạch bí xanh nova 209 đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân bản Nậm Manh (xã Nậm Manh) phấn khởi thu hoạch bí xanh nova 209 đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể nói, khoản thu nhập đó không hề nhỏ, bởi thu nhập bình quân của xã mới đạt 25 triệu đồng/người/năm. Hiện nay quỹ đất dành cho canh tác các loại hoa màu đã bị thu hẹp đi khá nhiều. Bởi vậy việc có thêm những mô hình trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng cây bí xanh là một hướng đi mới trong thoát nghèo ở một bản vùng cao với 100% là dân tộc Khơ Mú như Nậm Manh.

Với đặc điểm là cây ưa ẩm nên thời kỳ cây ra hoa đậu quả cần điều kiện thời tiết ấm áp để đảm bảo cho năng suất cao. Vì vậy, người dân chọn ruộng trồng bí xanh ở nơi cao ráo, thuận tiện tưới tiêu, cày bừa, nhặt sạch cỏ dại, lên luống và xử lý mầm sâu bệnh. Chọn giống bí ngắn ngày là nova 209 nên chỉ sau hơn hai tháng có thể cho thu hoạch, mỗi vụ có thể thu 5 - 7 lứa tùy vào điều kiện chăm sóc thực tế. Theo kinh nghiệm của người dân, ở giai đoạn đầu sau gieo trồng cần tưới nhẹ thường xuyên cho cây mau mọc mầm, nhanh bén rễ đảm bảo đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển tốt. Nếu bị mưa ngập cần tháo hết nước ngay vì bí xanh không chịu được ngập úng. Đồng thời thực hiện việc phòng trừ sâu bệnh và các biện pháp chăm sóc khác một cách thường xuyên.

Đồng chí Khổng Văn Thành - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Manh cho biết: “Trồng bí xanh hiện tại là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao của bản Nậm Manh. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá mức tiêu thụ của thị trường cũng như cam kết với doanh nghiệp để mở rộng diện tích cây bí xanh trên địa bàn vừa giải quyết công ăn việc làm vừa đảm bảo thu nhập cho người dân.

Không chỉ hiệu quả kinh tế, mô hình còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ngay tại địa phương.

Mô hình trồng bí xanh nova 209 còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ngay tại địa phương.

Mặc dù trồng bí xanh nova 209 hiện đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững vẫn cần có sự quan tâm, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn huyện, đặc biệt là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Cùng với đó, cần có định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường chứ không ồ ạt để rồi khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người dân. Bên cạnh đó, là việc tạo điều kiện cho người có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư mở rộng trồng trọt cho các hộ có nhu cầu.

Qua đánh giá của người tiêu dùng trong và ngoài huyện, cây bí xanh nova 209 được trồng ở bản Nậm Manh có vị thơm, ngon đặc trưng mà ít nơi có được. Nếu mô hình được nhân rộng sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con đồng bào các dân tộc nơi đây về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...