Thứ năm, 28/11/2024, 15:38 [GMT+7]

Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị

Thứ hai, 08/08/2022 - 10:38'
Nhằm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng, thời gian qua, tỉnh cũng như các đơn vị chủ thể đã triển khai nhiều giải pháp đưa các sản phẩm vươn xa, trong đó chú trọng đưa vào các hệ thống siêu thị - nơi phân phối, trưng bày và tiêu thụ hàng hóa ổn định.

Chủ động tìm kiếm thị trường
Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển (ĐTPT) Chè Tam Đường là một trong những đơn vị hiện có sản phẩm đạt OCOP nhiều nhất tỉnh, với 6 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao và 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao như: trà ôlong, trà đông phương mỹ nhân. Trước đây, dù luôn được đánh giá cao về chất lượng, nhưng các sản phẩm của công ty chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, từ khi có các sản phẩm đạt OCOP, công ty đẩy mạnh tìm kiếm thị trường; đồng thời, tiếp cận người tiêu dùng thông qua các trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty Cổ phần ĐTPT Chè Tam Đường cho biết: Việc đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị đã hình thành chuỗi giá trị kinh tế cao, giúp công ty tăng giá trị 100% sản phẩm, khối lượng sản phẩm bán ở trong nước tăng lên từ 4 - 5% so với trước đây. Từ đó, mang lại việc làm cho người lao động, nâng giá trị lợi nhuận cho công ty. Thông qua việc giới thiệu, bán sản phẩm tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các sản phẩm của công ty đã đến gần hơn với người tiêu dùng. Đó cũng là cơ sở, nền tảng để các sản phẩm có thêm cơ hội được quảng bá đến với nhiều siêu thị, hệ thống siêu thị hiện đại hơn trong cả nước.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được bày bán tại các siêu thị tạo thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được bày bán tại các siêu thị tạo thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn.

Có mặt tại Siêu thị Hương Long (tổ dân phố số 9, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) - nơi bày bán hàng chục sản phẩm đạt OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh với các loại như: trà dây, giảo cổ lam, trà ô long, trà kim tuyên và gạo séng cù, nếp tan pỏm… Chị Hoàng Yến Linh - nhân viên Siêu thị Hương Long chia sẻ: Các sản phẩm đạt OCOP của tỉnh bày bán trong siêu thị được tiêu thụ với số lượng ổn định, bởi chất lượng tốt, mẫu mã phù hợp. Song, số lượng sản phẩm vẫn chưa đa dạng để người tiêu dùng lựa chọn.
Hiện, trong tổng số 124 sản phẩm OCOP (trong đó 18 sản phẩm được đánh giá đạt OCOP 3 - 4 sao đợt 1/2022 và đang chờ UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đạt OCOP) thì có 9 sản phẩm được bày bán ở các siêu thị lớn như: Hapro, Big C, T-Mart Stores… và gần 20 sản phẩm vào hệ thống siêu thị tiện lợi, trung tâm mua sắm vừa và nhỏ ở khu dân cư trong và ngoài tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm OCOP của tỉnh được quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng.
Số lượng sản phẩm còn ít
Theo anh Nguyễn Trọng Thức - Trưởng Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho rằng: Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh hiện đang được bày bán trên hệ thống siêu thị chủ yếu là các sản phẩm khô, nhưng số lượng không nhiều, còn các sản phẩm tươi chưa có. Nguyên nhân chính là các sản phẩm còn mang tính mùa vụ, quy mô sản xuất không lớn, sản lượng không đều các tháng trong năm, khi các đối tác muốn nhập với số lượng lớn không đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng sản phẩm không đồng đều do phụ thuộc vào yếu tố vùng sản xuất. Ngoài ra, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP thiếu các thủ tục pháp lý khi thực hiện các hợp đồng giao dịch kinh tế, phiếu kiểm nghiệm (về chỉ tiêu hóa lý, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật…) chưa đáp ứng được tiêu chí đề ra. Mẫu mã sản phẩm, bao bì, nhãn mác chưa đa dạng, bắt mắt và chính sách đổi, trả các sản phẩm không theo được nhu cầu của các siêu thị. Chi phí để sản phẩm OCOP vào được siêu thị còn cao, trong khi xuất phát điểm của chủ thể OCOP đều thấp và giá bán sản phẩm chưa thể cân đối.
Anh Đào Huy Cương - chủ cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Huy Cương (tổ dân phố số 6, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu) chia sẻ: Cơ sở có một số sản phẩm đông trùng hạ thảo đạt OCOP được phân hạng, gắn sao, trong năm 2022 có 1 sản phẩm là nấm đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên sợi được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm tiêu biểu. Mong muốn đưa các sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều hơn nữa. Thời gian qua, đơn vị kết nối với một số siêu thị trong nước, nhưng chi phí quá lớn cho việc thuê mặt bằng và các dịch vụ khác đi kèm trong khi lượng tiêu thụ sản phẩm lại không được như mong đợi, do vậy cơ sở phải tạm dừng.
Để các sản phẩm OCOP của tỉnh có sức cạnh tranh trên thị trường và có chỗ đứng trong các siêu thị lớn, hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp tục làm việc với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố lớn để có cơ chế ưu đãi thu hút các chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Bên cạnh đó, khuyến khích chủ thể có sản phẩm đạt OCOP phải hoàn thiện các yêu cầu cần thiết như: tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm; hóa đơn và mẫu mã, bao bì sản phẩm để khi đưa vào hệ thống siêu thị thu hút người tiêu dùng.

 Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...