Nhiều diện tích chanh leo cháy khô vì nắng nóng
Anh Lù Chỉn Phù ở bản Sàng Giang (xã Bản Lang) dẫn chúng tôi đi thăm vườn chanh leo của gia đình. Cuối năm 2022, gia đình anh trồng 3.000m2 chanh leo, tổng kinh phí đầu tư trên 10 triệu đồng (chưa tính công). Những vụ đầu, chanh leo phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương nên phát triển tốt, ra nhiều quả. Từ cuối năm 2023 đến nay, thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài làm chanh leo chết dần.
Anh Phù kể: “Vào thời điểm thu hoạch quả giá chỉ từ 3.000-5.000 đồng/kg, tôi bán rất ít, còn lại để sử dụng và cho anh em, hàng xóm. Nắng nóng làm chanh leo chết đến 70% diện tích, tôi phải chuyển đổi sang trồng khoai sọ và mắc-ca”.
Tương tự, cuối năm 2022, gia đình anh Lù Vần Trung cùng bản Sàng Giang cũng chuyển đổi 6.000m2 đất trồng chuối bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chanh leo. Với sức lao động của vợ chồng anh cùng 15 triệu đồng tiền đầu tư mua vật liệu về làm giàn trong nhiều ngày, vợ chồng anh ấp ủ ước mơ có thêm thu nhập từ chanh leo nhưng số tiền thu được mới chỉ là vài trăm nghìn đồng.
Diện tích chanh leo của gia đình anh Lù Chỉn Phù khô héo do nắng nóng kéo dài.
Anh Trung nói: “Gia đình tôi đầu tư tiền, công sức nhiều, chăm sóc rất cẩn thận nhưng nắng quá chanh leo chết đến 40% diện tích. Tôi đã chặt bỏ những cây bị chết, tháo dàn và phá bỏ thêm 40% diện tích chanh leo bị ảnh hưởng, không có khả năng phục hồi, giờ chỉ còn lại 20% diện tích chanh leo”.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến diện tích chanh leo ở bản Sàng Giang mà còn tác động trực tiếp đến nhiều diện tích chanh leo của bà con các bản khác trong xã. Tình trạng chanh leo khô héo, chết bắt đầu từ tháng 11/2023, nhiều nhất là khoảng 2 tháng gần đây, nhiệt độ ngoài trời cao, không có nước cung cấp cho cây. Mặt khác, chanh leo không đủ nước, sức phát triển kém là điều kiện cho một số loại sâu bệnh xuất hiện gây hại. Khó “chồng” khó khiến chanh leo chết tạo thành từng khoảng trống trong vườn, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng quả cuối vụ.
Ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Bản Lang cho biết: Thời tiết nắng nóng, nhiều nơi trên địa bàn xã không có lượng nước ngầm trong khi chanh leo là loại cây ưa nước. Thực tế qua đánh giá thì nắng nóng đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của chanh leo, cây không ra hoa, đậu quả vào đúng chu kỳ sinh trưởng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng cuối vụ. Và nắng nóng cộng với 2 trận gió lốc gần đây khiến chanh leo chết, bật gốc, gãy giàn, tổng diện tích thiệt hại gần 7ha.
Trước thực tế đó, chính quyền xã đã chỉ đạo công chức nông nghiệp thường xuyên về bản hướng dẫn người dân tận dụng nguồn nước hiện có, thậm chí đến các khu vực xa hơn dẫn nước về tưới cho chanh leo. Một số hộ cũng chủ động trồng các loại cây khác (ớt, khoai sọ) dưới giàn chanh leo; chuyển đổi thời điểm làm cỏ chanh leo chậm hơn nhằm giữ ẩm cho đất. Đối với những diện tích không có khả năng khôi phục, xã đề xuất UBND huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có thể lồng ghép nguồn vốn theo các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn khác để người dân chuyển đổi trong thời gian sớm nhất.
Hy vọng, với nhiều giải pháp, các hộ dân sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả; đồng thời, khôi phục diện tích chanh leo còn lại để đảm bảo thu nhập, năng suất.
T.H
Bình luận