Tam Đường: Khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp
Tại các xã: Bản Hon, Thèn Sin, Bình Lư, Bản Bo và Sơn Bình chúng tôi thấy bà con nơi đây đã hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gồm: lúa, chè, chanh leo, dong riềng và cây ăn quả ôn đới. Để khơi dậy tiềm năng đất đai, nguồn nước, phát triển nông nghiệp, huyện định hướng cho nông dân xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Từ đó, huyện giải quyết việc làm cho 2.023 người; tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,57% năm 2023 (đạt 117% kế hoạch).
Người dân xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) kiểm tra sự phát triển của cây chanh leo.
Điểm dừng chân đầu tiên chúng tôi đến ruộng chanh leo xanh tốt, sai quả của xã Sơn Bình. Toàn xã có 109ha chanh leo trên đất ruộng một vụ ngô, lúa. Bà con tham gia dự án trồng chanh leo được huyện hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón năm thứ nhất và hỗ trợ công chăm sóc, phân bón năm thứ 2, thứ 3 trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Mỗi năm, bà con thu hoạch sản lượng quả đạt 7 tấn/ha.
Đứng ngắm ruộng chanh leo xanh non mơn mởn, sai trĩu quả của anh Giàng A Của ở bản Chu Va 8 (xã Sơn Bình), chúng tôi cảm nhận được nỗ lực lớn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa của gia đình. Anh Của tâm sự: “Nhờ cán bộ huyện, xã luôn đồng hành, hướng dẫn, 2 năm gần đây, gia đình tôi chuyển đổi 0,5ha ruộng 1 vụ lúa sang trồng chanh leo. Tôi tiếp thu kiến thức trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cho cây chanh leo theo từng thời kỳ. Hiện, tôi đang tỉa bớt lá, phun thuốc phòng bệnh loang dầu đúng thời điểm. Nhờ đó, tôi thành công từ trồng cây chanh leo với thu nhập gần 30 triệu đồng mỗi năm”.
Trước đây, nhiều người chỉ biết cây chè ở xã Bản Bo nhưng nay, cây chè trên đất Bản Hon sinh trưởng, phát triển tốt cho hiệu quả kinh tế cao. Bà con tìm tòi, nắm bắt khoa học, công nghệ mới để ứng dụng vào thực tiễn chăm sóc cây chè. Hiện, toàn xã có 122,3ha cây chè, trong đó 122,3ha chè kinh doanh với sản lượng chè búp đạt 1.125,2 tấn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lò Văn Giọt - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hon cho biết: “Thời gian qua, người dân trong xã được hưởng lợi từ nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ về giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như: lúa, chè, mắc-ca, cây ăn quả. Bà con khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nguồn nước, khí hậu, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững nhằm nâng cao đời sống gia đình”.
Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, những năm qua, huyện Tam Đường chủ động xây dựng, ban hành các nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2020-2025; xây dựng bản đồ nông nghiệp của huyện, xác định rõ cây trồng chủ lực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để thực hiện hiệu quả các chính sách về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con mở rộng diện tích các loại cây trồng tiềm năng cho hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến như: chè, chanh leo, dong riềng. Bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng.
Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 20 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện liên kết với người dân trồng, sản xuất chè, miến dong, chanh leo gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 2.227,9ha chè với sản lượng chè búp đạt 14.350 tấn (tăng 1.350 tấn so với cùng kỳ năm trước). Người dân mở rộng trồng mới trên 300ha, sản lượng đạt 5.845 tấn, tăng 965 tấn so với cùng kỳ năm trước. Cây chanh leo thường xuyên cho thu hoạch quả, khẳng định được năng suất, chất lượng, giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo.
Đồng chí Nguyễn Đình Thượng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: “Với diện tích đất nông nghiệp màu mỡ, khí hậu ôn hòa, những năm gần đây huyện định hướng cho bà con phát triển vùng thâm canh cây chè, mắc-ca, chanh leo tập trung, mang lại năng suất, sản lượng cao. Qua đó, nâng cao thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 42 triệu đồng/người/năm”.
Với kết quả trên, tin rằng, thời gian tới, huyện Tam Đường tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển hiệu quả lĩnh vực nông nghiệp; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và tăng cường phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn. Từ đó, thúc đẩy kinh tế địa phương khởi sắc.
Thu Minh
Bình luận