Than Uyên: Phát huy tiềm năng thế mạnh trong xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc trong huyện đã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, chung tay xây dựng NTM. UBND huyện đã xây dựng chương trình, trong đó đặt ra kế hoạch cho từng năm, từng vấn đề, lĩnh vực ưu tiên để tập trung thực hiện.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện kiểm tra đàn bò sinh sản tại xã Mường Kim.
Ông Phan Bá Quyết – Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã xây dựng xong kế hoạch, đề án và lộ trình cho các xã trong từng năm về xây dựng NTM. Huyện sẽ phát huy thế mạnh của địa phương, đồng thời hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh để nâng cao mức thu nhập cho người dân”.
Để người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lồng ghép các nguồn vốn được nhà nước hỗ trợ giúp người dân ứng dụng vào sản xuất. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Chung Thủy – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đánh giá: “Trước khi triển khai một dự án, cán bộ kỹ thuật của Phòng đã nghiên cứu kỹ xem đưa loại giống cây, con mới vào có phù hợp với điều kiện địa phương không và mang lại hiệu quả kinh tế như thế nào. Đồng thời họp dân lấy ý kiến tham gia của bàn con. Nhờ đó, các nguồn vốn nhà nước hỗ trợ nông dân được Phòng triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Lòng hồ Thủy điện Huổi Quảng – Bản Chát hứa hẹn tiềm năng du lịch và nuôi trồng thủy sản của Than Uyên.
Chúng tôi đi thăm mô hình bò sinh sản tại xã Mường Kim được hỗ trợ theo nguồn vốn của Chương trình 30a. Ông Lường Văn Inh – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiệu quả của dự án đã rõ, đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt. Trước đây các hộ chăn nuôi chỉ thả rông gia súc trong rừng, đến ngày mùa mới lên tìm trâu về lấy sức kéo cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng dự án bò sinh sản không chỉ mang lại cho người dân về con giống mà cung cấp cả giống cỏ, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thu hoạch. Sau gần một năm triển khai Dự án, đến nay nhiều con đã chuẩn bị đẻ. Từ mô hình này người dân đã từng bước thay đổi tư duy trong phát triển chăn nuôi hàng hóa, nhiều hộ đã đầu tư mua con giống, cỏ về chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Những lớp học mầm non khang trang ở điểm TĐC Thủy điện Huổi Quảng – Bản Chát.
Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa thương phẩm, các loại rau, cây màu tập trung chủ yếu vào nhân rộng diện tích lúa Séng Cù mang lại hiệu quả kinh tế cao tại cánh đồng Mường Than. Cùng với đó là các mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha được triển khai rộng rãi đến các xã. Đến nay nhiều diện tích đã đạt trên 100 triệu đồng/ha.
Đối với các xã nằm trong vùng ngập lòng hồ Thủy điện Huổi Quảng – Bản Chát sau khi cùng lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiến hành khảo sát huyện sẽ xây dựng vùng trồng cây cao su với diện tích lên trên 13.000ha. Qua đó, tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực dư thừa của địa phương vào làm công nhân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Với những xã, bản vùng cao không có điều kiện để sản xuất nông nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng nghiên cứu chuyển đổi hướng sản xuất từ cấy lúa nương sang phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng rừng, làm sao người dân có thể sống nhờ hiệu quả của rừng và chăn nuôi.
Một lợi thế của Than Uyên trong xây dựng NTM chính là người dân được hưởng lợi từ Dự án di dân TĐC Thủy điện Huổi Quảng – Bản Chát. Từng dãy nhà mới khang trang, kiên cố đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, đời sống nhân dân tốt hơn nơi ở cũ. Hiện nay, các khu điểm TĐC đã và đang được đầu tư xây dựng các công trình công cộng như: đường giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… tạo điều kiện thuận lợi cho huyện đạt các tiêu chí về cơ sở vật chất trong chương trình xây dựng NTM.
Để chương trình xây dựng NTM đạt kế hoạch, hiện nay Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân từ việc xây dựng các công trình hợp vệ sinh, không thả rông và chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn; vệ sinh đường làng ngõ xóm, tạo khuôn viên gia đình sạch sẽ thoáng mát. Từng hộ có ý thức vươn lên thoát nghèo và tham gia với cộng đồng đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng NTM như hiến đất làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, lớp học…
Xây dựng NTM không chỉ tập trung cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa xã hội. Việc làm thường xuyên và lâu dài được huyện xác định là tập trung tuyên truyền tốt để nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng cuộc sống mới từ nếp nghĩ và cách làm mới ngay từ căn nhà, mảnh vường cánh đồng của mình để tạo nên cuộc sống mới, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của Than Uyên hôm nay và mai sau.
Thanh Phong
Bình luận