Thứ năm, 28/11/2024, 15:23 [GMT+7]

Thư gửi Trường Sa

Thứ hai, 10/06/2024 - 10:59'
(BLC) - Những vần thơ tươi mới, chan chứa cảm xúc về biển đảo của tác giả trẻ Y Việt Sa trong “Thư gửi Trường Sa” đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đưa vào đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025.

Thư gửi Trường Sa

Những dòng này tôi viết ở Trường Sa

Giữa nắng gió và mặn mòi biển cả

Giữa những cảm xúc nghẹn ngào không thể tả

Giữa dập dìu những ngọn sóng khơi xa

 

Những dòng này tôi viết ở Trường Sa

Giữa những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ

Mang trong mình một tình yêu đẹp đẽ

Để vững vàng vượt sóng giữ bình yên

 

Trên chuyến tàu mang khát vọng thanh niên

Gửi về bạn trẻ triệu niềm tin xanh ngắt

Gửi về bạn trẻ những giọt mồ hôi rát mặn

Nhưng chứa đầy khát vọng của Trường Sa

 

Là khát vọng đưa Tổ quốc vươn xa

Là khát vọng xây Trường Sa xanh mãi

Tôi tin, trong những điều sau này được kể lại

Luôn có một phần bởi tuổi trẻ viết nên.

Y Sa Việt với các chiến sỹ trẻ Đảo Trường Sa.

Cô gái dân tộc Rơ Ngao sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Tây Nguyên lần đầu đến với Trường Sa đã sống trọn những hải trình đầy ý nghĩa với nhiều câu chuyện kể từ chính cán bộ, chiến sĩ về cuộc sống ở đảo, về tình yêu với Trường Sa và ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo Tổ Quốc. Tất cả đã làm rung động trái tim, bồi đắp thêm tình yêu đất nước của Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum, để khởi phát những ý tưởng thật đẹp đẽ… Y Việt Sa tâm sự: Đi Trường Sa là điều may mắn trong cuộc đời không phải ai cũng có thể đi, mình may mắn được đi trong hành trình vì biển đảo quê hương được đến với Trường Sa đến với biển đảo quê hương được hiểu thêm về cuộc sống của các chiến sĩ. Về đất liền mình sẽ chia sẻ những cảm xúc của mình với đất liền, với tình yêu biển đảo để lan tỏa tình yêu này vang mãi…

   Gia đình chị Trần Thị Châu Út, đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Nhìn từ xa, đảo Song Tử Tây yên bình, xanh mát hòa vào màu xanh của đại dương. Những hộ dân trên đảo cũng sống cuộc sống hiền hòa. Yêu biển, gắn bó với đảo, cuộc sống của gia đình chị Trần Thị Châu Út ngày càng được cải thiện. Đảo có điện, có nước, có thông tin liên lạc. 2 con nhỏ của anh chị cũng được tới trường, anh chị thêm vững tâm, cùng cán bộ, chiến sĩ xây dựng đảo. Chị Trần Thị Châu Út, Đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa tâm sự: Khi ra tới đảo thì gia đình em luôn có suy nghĩ là công hiến cho biển đảo vì Tổ quốc quê hương, sống ở đây vui, hạnh phúc, không khí sạch tốt, con cái mạnh khỏe hơn, duy trì phát huy phối hợp quân và dân trên đảo để xây dựng đảo phát triển hơn.

Thầy giáo Lưu Quốc Thịnh, giáo viên Trường Tiểu học Đá Tây cùng học sinh trong giờ học.

Khi trường Tiểu học Đá Tây được khánh thành, đi vào hoạt động cũng là thời điểm thầy Lưu Quốc Thịnh đến với đảo với một lá thư tình nguyện. Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo ở đất liền, thầy hiểu hơn ai hết nỗi khát khao con chữ của những đứa trẻ này. Đó là động lực để thầy vượt qua khó khăn, qua nỗi nhớ gia đình để bám lớp, bám đảo, xây dựng mái trường dưới tán cây bàng vuông lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười. Thầy giáo Lưu Quốc Thịnh, giáo viên Trường Tiểu học Đá Tây chia sẻ: Khó khăn của việc dạy lớp ghép thì phải phân bổ thời khóa biểu cho hợp lý, có học sinh học tốt, phải hoạt động nhiều hơn, yêu thương các cháu, cố gắng động viên các cháu học tốt hơn. Bản thân được Đảng nhà nước quan tâm, ở đây quân dân, thầy trò cùng cảnh ngộ nên thầy trò rất yêu thương nhau.

Đến với Trường Sa, tận mắt chứng kiến cuộc sống bình dị ở nơi này, để cảm nhận ý chí kiên cường vượt nắng, vượt gió, vượt khó của con người, đã khơi dậy trong lòng mỗi cán bộ của Đoàn công tác những cảm xúc khác nhau, thiêng liêng cao cả. Để rồi đó trở thành những chất liệu đẹp trong nhiều ca khúc của các nhạc sĩ, trong trái tim của những người trẻ và trong mỗi bài báo dạt dào tình yêu biển đảo. Nguyễn Thị Hiền, phóng viên Báo Tuổi Trẻ tâm sự: Không chỉ là chuyến công tác bình thường, là chuyến đi tìm lại nhiệt huyết trong chính bản thân mình, cùng đồng nghiệp viết bài viết hay, chụp ảnh đẹp để tuyên truyền về tình yêu biển đảo quê hương. Còn anh Chu Sỹ Chiều, Công ty TNHH CCCT Hoàng Ngân không khỏi xúc động: Đến giây phút này khi đến những nơi tâm linh như vòng tròn bất tử, nghĩa trang Gạc Ma, trong tâm thế của người lính cảm xúc thật khó tả, trong tôi hiện nguyên hình ảnh của các đồng đội, bạn học nằm trong số 64 chiến sỹ đã hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm ấy.

Trường Sa hôm nay cùng với sự quan tâm của đất liền đang ngày thêm khởi sắc. Dù đối với những người lần đầu đặt chân lên mảnh đất thiêng này hay ai đã có cơ hội nhiều lần đến với Trường Sa đều ngỡ ngàng, cảm mến. Với một tâm thế chung “cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc” những hải trình đến với từng điểm đảo, mỗi nhà giàn chan chứa ân tình. Rất nhiều thương yêu, quan tâm, sẻ chia đã được gửi đến quân và dân các đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá Đông B, Đá Tây A và Nhà giàn DKI/8 - Quế Đường bằng những món quà vật chất và tinh thần thực sự ý nghĩa.

Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Qua các đảo chúng ta thấu hiểu nhiều hơn, biết nhiều hơn về sự cống hiến của quân và dân quân đảo Trường Sa, chúng tôi thấy cần thiết phải chia sẻ nhiều hơn… cảm phục bám biển, bám đảo, cảm phục tinh thần của quân và dân trên đảo Trường Sa, sau chuyến đi này tôi cho rằng các thành viên trong đoàn tiếp tục tuyên truyền chia sẻ, động viên quân và dân trên đảo Trường Sa củng cố vững chắc vùng chủ quyền biển đảo. Các phóng viên là những người nhiệt tình đi trước về sau, thông tin nhanh nhạy, làm cầu nối thông tin giữa đảo với đất liền…

“Chúng tôi xin hứa sẽ làm hết sức mình để Trường Sa giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, thỏa lòng mong mỏi của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài”.

Đó là lời hứa xuất phát từ trái tim, từ khối óc, từ tinh thần của những cán bộ, chỉ huy đảo và các chiến sĩ trẻ đang ngày đêm bảo vệ đảo xa. Lời hứa đã khiến trái tim của hơn 200 đại biểu Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Trị và một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…  các phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương trên chuyến hải trình rưng rưng xúc động, để thương Trường Sa, yêu Trường Sa hơn bội phần… Anh Lành Mạnh Khoa, Trưởng phòng Cơ Yếu – Công nghệ thông tin, Văn phòng Tỉnh ủy Lạng Sơn không dấu nổi bùi ngùi: Qua 7 ngày công tác, vượt hàng ngàn hải lý được tới thăm tặng quà động viên chiến sỹ quân và dân trên đào Trường Sa đối với tôi đây là chuyến đi ý nghĩa, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và lan tỏa cảm xúc tốt đẹp đối với Trường Sa thân yêu.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân (đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với các đoàn.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang - Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân khẳng định: Nếu ai đã đến với Trường Sa sẽ thấy yêu tổ quốc mình hơn, điều đó hiển nhiên. Tổ quốc mình rất đẹp rộng lớn cả biển đảo, ở đó có những con người ngày đêm trụ vững bảo vệ biển đảo quê hương, đó là hình ảnh đẹp của con người Việt Nam, ai đã đến với Trường Sa, ai đã đến với DK thì sẽ yêu Tổ quốc hơn.

Không chỉ riêng Y Việt Sa, phóng viên báo tuổi trẻ Nguyễn Thị Hiền mà mỗi đại biểu sau những dịp đến với Trường Sa sẽ tích cực lan tỏa tình yêu và trách nhiệm với biển đảo Tổ quốc bằng cách riêng của mình. Và điều đó sẽ tiếp thêm động lực để ở nơi Tổ quốc phía mặt trời mọc này, quân và dân ta lại vững vàng chung tay dựng xây Trường Sa giàu mạnh, là niềm tự hào của Tổ quốc nơi tuyến đầu.

Mai Chí Vũ - Hội Nhà báo Việt Nam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...