Chủ nhật, 01/12/2024, 09:01 [GMT+7]

Xây dựng đời sống văn hóa

Thứ năm, 28/11/2024 - 10:40'
Xã Ka Lăng cách trung tâm huyện Mường Tè khoảng 70km, là nơi sinh sống của dân tộc Hà Nhì và La Hủ với hơn 580 hộ tại 8 bản. Nhân dân trong xã thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hương ước của địa phương. Bà con luôn nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc.

Chị Chu Nhù Pư (bản Mé Gióng) cho biết: “Là người con dân tộc Hà Nhì, chúng tôi nêu cao ý thức trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Thường xuyên tập luyện bài hát, bài múa truyền thống để biểu diễn mỗi khi có cơ hội, thu hút đông đảo người xem”.
Để thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xã tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của phong trào đến từng bản, hộ gia đình và mỗi người dân; phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên trong thực hiện phong trào. Quan tâm, đầu tư tu sửa, bổ sung trang thiết bị cho nhà văn hóa các bản, phục vụ các hoạt động chung. Thường xuyên tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao trong dịp lễ, tết, các sự kiện quan trọng của đất nước tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút đông đảo bà con tham gia, thể hiện tinh thần đoàn kết, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, không thách cưới hay tổ chức ăn uống linh đình; đám tang không kéo dài ngày như trước, các hủ tục mê tín dị đoan dần được xóa bỏ. Những nét đẹp trong việc cưới, việc tang, lễ hội ngày càng được thực hiện tốt trong cộng đồng.

Đội văn nghệ xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) biểu diễn nhân dịp thành lập Câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Hà Nhì.

Xác định giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo là tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xã vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện thâm canh tăng vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào sản xuất mang lại năng suất, chất lượng cao. Hằng năm, nông dân trong xã gieo cấy 175ha lúa, năng suất ước đạt 53,6 tạ/ha, sản lượng đạt 941 tấn, 93ha ngô, với tổng sản lượng đạt 326 tấn. Trong chăn nuôi, bà con thay đổi thói quen thả rông gia súc, gia cầm, đầu tư làm chuồng trại kiên cố, thực hiện tiêm phòng vắc-xin, trồng cỏ lấy thức ăn để phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. Hiện, toàn xã có 2.305 con gia súc; 9.237 con gia cầm các loại.
Từ mô hình kinh tế tổng hợp đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ, điển hình các hộ: Sừng Cha Pứ, Phùng Mỳ Nhùng (bản Lò Ma), Sừng Mụ Phạ (bản Ka Lăng), Chu Mụ Cà (bản Mé Gióng)… thu nhập từ 120 - 200 triệu đồng/năm.
Ông Chu Mụ Cà (bản Mé Gióng) chia sẻ: “Được cán bộ xã tuyên truyền về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, chúng tôi tích cực trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Hiện, gia đình tôi nuôi 350 con gà thả đồi, 70 con ngan; trồng 3ha ớt trung đoàn (mỗi vụ cho thu hoạch gần 1 tạ) và chăm sóc hơn 1ha mắc-ca (hiện cây trong quá trình phát triển, dự kiến sẽ được thu hoạch vào năm 2025). Ngoài ra, tôi còn đào 400m2 ao thả cá, chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, chép, rô-phi, sản lượng đạt 2,5 tạ... Nhờ vậy, gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng/năm (trừ chi phí), góp phần cải thiện cuộc sống".
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới”, xã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hiến đất, ngày công lao động đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ nhu cầu của người dân từ đường giao thông nông thôn, điện, trường, trạm, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhờ đó, đời sống của bà con xã Ka Lăng được nâng lên, hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 35 triệu đồng; 100% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trẻ em được đến lớp đúng độ tuổi. Người dân tích cực tham gia dọn vệ sinh nhà ở, đường ngõ bản, khơi thông cống rãnh nhằm tạo cảnh quang môi trường sạch, đẹp. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt trên 56%; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 81,7%. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định.
Ông Khoàng Xì Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng cho biết: Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhân dân xã Ka Lăng hăng hái thi đua lao động sản xuất nhằm tăng thu nhập, làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Đặc biệt, bà con tích cực xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Năm 2024, xã có 426 hộ (chiếm 74%) đạt tiêu chuẩn văn hóa, 5/8 bản đạt tiêu chuẩn văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa. Các bản đều có đội văn nghệ, thể thao thường xuyên luyện tập, biểu diễn trong các dịp lễ, tết. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”.

Gió Pư

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...