Thứ năm, 28/11/2024, 15:23 [GMT+7]

Người “ươm mầm” bên dòng Nậm Na

Thứ tư, 20/11/2024 - 11:17'
(BLC) - Sau gần 20 năm gắn bó với nghề "cô nuôi dạy trẻ", cô giáo Trần Thị Ngoan – Hiệu trưởng Trường Mầm non Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) đã cùng các đồng nghiệp nỗ lực hết mình, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục bên dòng Nậm Na.

Nặng lòng với trẻ em vùng khó

Gần 20 năm gắn bó với nghề, trong hồi ức của cô giáo Ngoan vẫn còn vẹn nguyên những kỷ niệm thời điểm mới ra trường, tới Chăn Nưa nhận công tác vào năm 2007.

Thời điểm đó, hạ tầng cơ sở phục vụ cho giáo dục mầm non của xã bộn bề khó khăn. Các điểm trường ở các bản, lớp học thiếu đồng bộ, xuống cấp trầm trọng. Những “lớp học gầm sàn”, “chuồng học” dột nát khiến không ít người đã bỏ về ngay sau khi nhận quyết định công tác. Nhưng với cô Ngoan thì khác nhìn những em thơ nhem nhuốc, lê la bên thềm nhà chờ bố mẹ đi làm nương. Những bé được đến lớp thì phải học trong những lớp học tồi tàn... cô thầm nghĩ mình phải có trách nhiệm với trẻ em nơi đây.

Cô giáo Trần Thị Ngoan luôn yêu thương, trách nhiệm với học sinh trong từng giờ học.

“Thân gái dặm trường”, cô Ngoan xung phong lên điểm bản Pề Ngài (nay thuộc xã Nậm Pì) một trong những điểm bản khó khăn nhất và dạy học ở đó 4 năm. Quãng thời gian “cắm bản”, cô đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà huy động học sinh đi học. Lớp học xuống cấp, cô huy động dân bản và các đồng nghiệp trong trường chung tay sửa chữa. Đến bây giờ, dân bản Pề Ngài vẫn nhớ hình ảnh người giáo viên dáng người nhỏ bé gùi từng can nước lên lớp nấu ăn cho học sinh… Thoáng xúc động khi nhắc lại kỷ niệm về một thời gian khó. Nhưng ánh mắt cô Ngoan bỗng ngời lên niềm vui khi nhắc chuyện những đứa trẻ Pề Ngài năm ấy giờ đây đã trưởng thành.

Quá trình công tác, cô Ngoan có nhiều sáng kiến kinh nghiệm và luôn là người nên cao kỷ cương, tình thương, trách nhiệm với công việc, yêu thương, chăm lo cho học sinh như con em của mình. Năm 2016 cô được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng trường Mầm non Chăn Nưa sau 3 năm làm Hiệu phó. Không chỉ làm tròn trọng trách nhà giáo, cô còn là “nhịp cầu” kết nối với các nhà hảo tâm, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Năm 2022, cô đã kêu gọi nhà hảo tâm đầu tư xây điểm trường Nậm Cầy gần 300 triệu đồng. Đồng thời, trên cương vị là Hiệu trưởng nhà trường, cô Ngoan đã kiến nghị với Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II mở điểm trường tại bản Chăn Nưa để đảm bảo tốt hơn việc dạy học, chăm sóc, nuôi dưỡng con em công nhân làm việc tại Nông trường.

Luôn dành tình thương cho trẻ và nêu cao trách nhiệm với công việc, trong quá trình công tác, cô đã cùng nhà trường nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non.

Cùng đồng nghiệp tạo nên khởi sắc giáo dục mầm non

Quá trình công tác, cô Ngoan luôn khắc ghi lời Bác: “Dạy trẻ cũng giống như trồng cây non. Trồng cây non được tốt sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Lời dạy của Người đã giúp cô thấy rõ trách nhiệm với công việc của mình.

Trong quá trình trực tiếp lên lớp hay trên cương vị cán bộ quản lý của nhà trường, cô luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát động, hưởng ứng các phong trào thi đua, đổi mới phương thức quản lý, phương pháp giáo dục, chăm sóc học sinh. Bên cạnh đó, cô đã chỉ đạo nhà trường chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác giảng dạy và quản lý. Sát sao trong công tác lãnh chỉ đạo, nhờ đó, những năm gần đây, giáo dục mầm non của Chăn Nưa có những đổi mới, mang tính đột phá về mọi mặt.

Cô Trần Thị Ngoan (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng với đồng nghiệp.

Với sự quyết liệt của cô Ngoan cùng Ban Giám hiệu, trường Mầm non Chăn Nưa đã trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của ngành Giáo dục Sìn Hồ về chuyển đổi số. Toàn bộ giáo viên của nhà trường đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong soạn giảng. Nhà trường cũng thực hiện tốt cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cập nhật số liệu trên các phần mềm của ngành Giáo dục.

Các giải pháp được triển khai đồng bộ, đã giúp nâng cao tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được huy động tới lớp; giảm thiểu tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi. Cùng với đó, chất lượng giáo dục trẻ ngày có bước chuyển mình mạnh mẽ. Cô, trò nhà trường đã đạt giải cao tại các cuộc thi: Cô sáng tạo, bé tài năng. Nhà trường cũng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được UBND huyện công nhận và có phạm vi ảnh hưởng tới kết quả giáo dục toàn ngành.

Năm học này, nhà trường có hơn 200 học sinh, phát huy những kết quả đã đạt được cùng sự nỗ lực của cô Hiệu trưởng, tập thể Ban Giám hiệu và toàn thể giáo viên, nhà trường sẽ gặt hái thêm nhiều thành công trong sự nghiệp ươm mầm xanh cho tương lai của đất nước. Những năm học gần đây, tỷ lệ trẻ huy động ra lớp đạt cao hơn so với chỉ tiêu, trẻ được chăm sóc tốt, tỷ lệ trẻ thấp còi suy dinh dưỡng giảm. Đặc biệt, chất lượng giáo dục từ năm học 2020 - 2021 đến nay, tỷ lệ trẻ đạt yêu cầu luôn đạt gần 100%.

Với cống hiến của mình cô Ngoan đã góp phần không nhỏ làm nên sự đổi thay của giáo dục mầm non Chăn Nưa. 

Bùi Chiến - Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...