Thứ năm, 28/11/2024, 19:45 [GMT+7]

Phát huy nội lực, xây dựng Tân Uyên giàu đẹp

Thứ hai, 27/11/2023 - 13:55'
(BLC) - Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp huyện Tân Uyên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn cùng đồng lòng, chung sức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kinh tế chuyển dịch đúng hướng; văn hoá - xã hội không ngừng được nâng lên; an ninh chính trị được giữ vững ổn định.

1

Về Tân Uyên những ngày này, đâu đâu chúng tôi cũng thấy một màu xanh trù phú bao trùm trên các cánh đồng, triền đồi. Nào là chè, bí xanh, chanh leo, chuối, ớt, cây ăn quả, các loại rau. Bà con khắp các bản đang bước vào sản xuất vụ đông với niềm tin và hy vọng thêm một vụ mùa thắng lợi để có nguồn thu nhập chuẩn bị đón tết thật đầm ấm, sung túc.

Anh Lò Văn Hặc, bản Hô Ta, xã Phúc Khoa phấn khởi: Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng trên 1ha ngô ngọt Việt Thái. Mới trồng được hơn 1 tháng, ngô đã ra bắp, có hạt sữa; cây nào cũng vậy, đều tăm tắp. Khoảng 1 tháng nữa là ngô sẽ cho thu hoạch, gia đình tôi bán cho Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu G.O.C (Bắc Giang). Trước đó, gia đình đã trồng giống ngô này, bán cho Công ty với giá 9.000 đồng/kg bắp tươi, thu về 60 triệu đồng, trừ chi phí giống, phân bón, lãi được gần 40 triệu đồng.

2

Được chia tách, thành lập năm 2009, thế nhưng với nguồn đất đai dồi dào, bằng phẳng, khí hậu ôn hoà là điều kiện lý tưởng để Tân Uyên bứt phá trong phát triển kinh tế. Vì vậy, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; mở rộng quy mô chăn nuôi, nhất là nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa thị trường. Khai thác mặt nước lòng hồ thuỷ điện để phát triển nuôi cá lồng. Tập trung phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

3

Bên cạnh đó, huyện thực hiện có hiệu quả các chính sách của trung ương, tỉnh hỗ trợ về phát triển nông nghiệp cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Luôn đồng hành cùng người dân trong chuyển giao khoa học kỹ thuật; tích cực mời gọi các đơn vị trong và ngoài huyện về đầu tư liên kết, bao tiêu sản phẩm giúp bà con.

Không chỉ phát triển về kinh tế, để thúc đẩy sự thay đổi diện mạo nông thôn Tân Uyên ở các lĩnh vực, các cấp, ngành đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của người dân với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” cùng hưởng ứng các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

Bên cạnh đó, gắn với mỗi cấp uỷ, chính quyền xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn có những phong trào thi đua riêng, mô hình “dân vận khéo” để vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Điển hình như: nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thanh niên xung kích bảo vệ Tổ quốc, phụ nữ xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”, các trường học thi đua “dạy tốt, học tốt”. Hay như các mô hình “dòng họ hiếu học”, “gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc”, “xây dựng cơ quan văn hoá”, “tổ an ninh tự quản”…

4

Ông Nguyễn Văn Hiển - Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Khoa chia sẻ: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XI đã xác định mục tiêu: “Xã xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với du lịch sinh thái”. Để đạt mục tiêu này, Đảng bộ đã tập trung lãnh chỉ đạo tuyên truyền nhân dân xây dựng những mô hình “dân vận khéo” về phát triển kinh tế trồng chè, rau màu, chăn nuôi gia súc; hình thành những tuyến đường hoa ở các bản; đầu tư xây dựng điểm ngắm cảnh trên khu vực đồi chè gần 700ha của xã. Trong 2 năm qua, chúng tôi tổ chức các lễ hội; thi hái chè, giao lưu văn nghệ mừng Tết độc lập, đã thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan trải nghiệm vùng chè.

Minh chứng rõ nét nhất cho diện mạo nông thôn ở Tân Uyên khởi sắc đó là những tuyến đường khang trang, sạch đẹp rực rỡ cờ hoa; cơ sở vật chất, hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư phát triển. Học sinh các cấp đến trường đầy đủ, vui chơi, học tập. Nông dân hăng say lao động sản xuất với những mô hình kinh tế mới. Nhân dân tích cực tham gia phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.

5

Sau gần 15 năm trưởng thành và phát triển, Tân Uyên đang từng bước “thay da đổi thịt”. Đến nay, toàn huyện đã phát triển vùng nguyên liệu chè hơn 3.391ha; mở rộng vùng trồng mắc ca, cây ăn quả trên 3.380ha; duy trì diện tích gieo trồng cây lương thực 6.051ha, trong đó thực hiện sản xuất lúa hàng hóa gần 700ha; tập trung canh tác 260ha rau màu; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 1,9ha; phát triển đàn vật nuôi 286.000 con; 18 sản phẩm OCOP 3, 4 sao. 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 89 đội văn nghệ quần chúng và 37 câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,06%. Thu nhập bình quân ước đến hết năm 2023 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...