Chủ nhật, 01/12/2024, 08:57 [GMT+7]

Sản phẩm mang thương hiệu Lai Châu

Thứ sáu, 20/08/2021 - 15:57'
Chế biến, đóng bao bì sản phẩm theo quy trình nghiêm ngặt, có tem nhãn, thương hiệu, địa chỉ sản xuất rõ ràng... và được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao đã giúp nông sản “Made in” Lai Châu dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bốn bề là núi, đặc biệt là thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm đã luôn thôi thúc bà Lù Thị Bang - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Trường Giang Lai Châu (Tổ dân phố số 3, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) sản xuất kinh doanh từ cây mắc-ca. Vốn là người thích làm nông nghiệp sạch, bà Bang đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu những cây nông nghiệp có giá trị kinh tế trên địa bàn; sau một thời gian nghiên cứu, nhận thấy cây mắc-ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và giá trị kinh tế cao hơn chuối, lúa, ngô. Năm 2014, bà Bang mua hạt giống mắc-ca của Viện Khoa học Nông nghiệp về ươm và lấy mắt ghép rồi mới đưa vào trồng ở các huyện: Nậm Nhùn, Phong Thổ với diện tích 50ha. Năm 2018, một số diện tích cho quả bói, năm 2019 công ty thu hoạch 1ha cây mắc-ca chỉ đạt khoảng 1,5 tấn quả tươi. Công ty không bán quả tươi, mà sơ chế thành sản phẩm hạt mắc-ca khô bán ra thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Quả mắc-ca khô ăn rất thơm ngon, vị bùi thơm, béo ngậy đặc trưng. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ khá lớn, công ty đầu tư hệ thống máy sấy tuần hoàn khí nóng để chế biến sản phẩm hạt mắc-ca khô, đồng thời sơ chế ra sản phẩm nhân hạt mắc-ca khô. Hiện nay, sản phẩm mắc-ca của Công ty TNHH Một thành viên Trường Giang Lai Châu đang được tiêu thụ rộng rãi ở trong tỉnh, Hà Nội và một số tỉnh khu vực Tây Bắc.

Công nhân đóng gói sản phẩm đông trùng hạ thảo SUKOVA đạt chứng nhận OCOP 3 sao của hộ kinh doanh Phạm Thị Thư ở Tổ dân phố số 5 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu).

Bà Lù Thị Bang - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Trường Giang Lai Châu chia sẻ: Nhu cầu tiêu dùng mắc-ca của người dân rất lớn, để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty liên kết với các hộ gia đình, Ban Quản lý rừng phòng hộ ở các huyện: Phong Thổ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Tân Uyên để có vùng nguyên liệu trồng mắc-ca sạch với 365ha được trồng từ năm 2019. Chỉ tính riêng năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty xuất ra thị trường 8 tấn hạt mắc-ca khô và nhân hạt mắc-ca khô, giá bán trung bình quả mắc-ca khô là 300 nghìn đồng/kg, nhân hạt mắc-ca khô 1 triệu đồng/kg. Đồng thời, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hơn 10 lao động, mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Tháng 6/2020, công ty được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trồng và ươm cây giống mắc-ca tại xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ). Điều này mở ra cơ hội lớn trong việc tạo ra vùng nguyên liệu ổn định và gia tăng sản lượng sản phẩm nhân hạt mắc-ca đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đến nay, 2 sản phẩm mắc-ca khô của công ty được khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sản phẩm hạt mắc-ca khô của công ty được UBND tỉnh chứng nhận đạt 4 sao, nhân hạt mắc-ca khô đạt 3 sao. Đó cũng là động lực để bà Bang và công ty tiếp tục phấn đấu đưa nông sản “Made in” Lai Châu vươn xa.

Nằm ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ) được thiên nhiên ban tặng khoảng 2.000 gốc chè shan tuyết cổ thụ tự nhiên nằm rải rác trong rừng sâu. Vì vậy, hương vị của chè cũng khác biệt so với các loại chè được trồng trong vùng. Để phát triển và bảo tồn giống chè quý, cũng như khuyến khích bà con thu hái chè đúng cách, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải phối hợp với UBND xã Mồ Sì San thành lập Hợp tác xã (HTX) Biên Cương chuyên chế biến, sản xuất các sản phẩm từ chè shan tuyết cổ thụ. Hợp tác xã có 7 thành viên, với vốn điều lệ 1 tỷ 300 triệu đồng. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, HTX lựa chọn được dây chuyền sản xuất phù hợp để hương vị chè shan tuyết cổ thụ vẫn giữ nguyên vị.

Ông Chẻo Phủ Duyên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Biên Cương cho biết: HTX kiểm soát chất lượng chè búp tươi đầu vào chặt chẽ, khuyến khích bà con vào rừng thu hái theo tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá và hái vào buổi sáng, giá HTX thu mua từ 30 - 50 nghìn đồng/kg chè tươi. Các công đoạn bảo quản chè, sào chè, làm nguội, vò chè cũng như sấy chè đều phải trải qua quá trình kiểm soát nghiêm ngặt. Hiện nay, HTX đã tạo ra 4 loại trà thành phẩm chất lượng. Trong đó, trà xanh, hoàng trà có giá 2,5 triệu đồng/kg, đặc biệt hồng trà giá 3 triệu đồng/kg. Quá trình thu hoạch và chế biến sản phẩm đòi hỏi sự tỷ mỷ, thời gian chế biến qua các công đoạn công phu hơn các loại trà khác. Khi thưởng thức trà shan tuyết cổ thụ ở Mồ Sì San có hương thơm đặc trưng và có vị ngọt nơi đầu lưỡi.

Hiện nay, ngoài bán lẻ cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, HTX còn ký kết bán cho các siêu thị, công ty trên địa bàn Hà Nội, mang lại nguồn thu ổn định cho các thành viên và tạo công ăn việc làm cho một số hộ dân trong xã. Chỉ tính riêng năm 2020, HTX xuất bán ra thị trường 6 tạ trà thành phẩm, với giá trung bình 2,5 triệu đồng/kg. Thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, HTX Biên Cương đăng ký độc quyền nhãn hiệu 3 sản phẩm Trà xanh shan Mồ Sì San, Hồng trà shan Mồ Sì San và Hoàng trà shan Mồ Sì San, sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Cuối năm 2020, UBND tỉnh tổ chức lựa chọn và chấm sao cho các sản phẩm nông sản địa phương, 3 sản phẩm trà của HTX Biên Cương đều được công nhận đạt 3 sao. Thế nhưng, điều tự hào nhất với HTX Biên Cương nói riêng, bà con Nhân dân trong xã nói chung chính là tên Mồ Sì San được ghi rõ ràng trên bao bì sản phẩm đóng gói và được bảo hộ nhãn hiệu bày bán trên thị trường. Qua đó, giới thiệu quảng bá sản phẩm của quê hương đến với bạn bè gần xa trong cả nước.

Năm 2020, UBND tỉnh đã tổ chức 2 đợt đánh giá, xếp hạng và cấp giấy chứng nhận 47 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (trong đó có 46 sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, 1 sản phẩm là điểm du lịch cộng đồng) cho 23 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Riêng đợt 1/2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP tỉnh đã thẩm định công nhận 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm: gạo, mật ong, rau, củ, quả… cho các công ty, hợp tác xã thuộc 3 huyện: Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ.

Bây giờ đi về các địa phương trong tỉnh, chúng ta dễ dàng bắt gặp những nông sản được chế biến thành sản phẩm chất lượng như: thịt lợn sấy, đông trùng hạ thảo, ổi không hạt, rượu putaleng, cá lăng sấy, gạo tẻ râu… được dán tem truy xuất nguồn gốc làm bừng lên niềm tin và hy vọng cho người nông dân nơi cuối trời Tây Bắc sẽ đưa nông sản “made in” Lai Châu đến tay người tiêu dùng trong cả nước, vươn xa hơn là xuất khẩu ra nước ngoài.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...