Thứ năm, 28/11/2024, 17:54 [GMT+7]

Từng bước nâng cao chất lượng hoạt động y tế dự phòng

Thứ tư, 21/02/2024 - 16:38'
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được thành lập theo Quyết định số 1276/QĐ-UBND, ngày 15/10/2018 của UBND tỉnh Lai Châu trên cơ sở sáp nhập 7 đơn vị có cùng chức năng y tế dự phòng trực thuộc Sở Y tế. Trong quá trình 5 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Sở Y tế, sự giúp đỡ về chuyên môn của các cục, vụ, viện trung ương và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong ngành, trung tâm đã có sự phát triển toàn diện, đồng bộ, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, nhất là công tác y tế dự phòng, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có 191 viên chức, người lao động. Trong đó, trình độ đại học và sau đại học 146 viên chức. Đội ngũ cán bộ, viên chức đơn vị đang từng bước phát triển đảm bảo cả về chất lượng, số lượng nhằm từng bước nâng cao chất lượng hoạt động ở nhiều lĩnh vực dự phòng như: Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cộng đồng, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khỏe môi trường, y tế trường học, sức khỏe lao động; phòng, chống tai nạn thương tích; giám sát bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt; xét nghiệm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học; quản lý, sử dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế; phòng, chống ký sinh trùng và côn trùng; khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm và quản lý, điều trị dự phòng ngoại trú các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; phòng, chống HIV/AIDS; truyền thông giáo dục sức khỏe...
Hoạt động của hệ thống y tế dự phòng được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ tuyến tỉnh đến y tế cơ sở, thực hiện tốt nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh truyền nhiễm, khống chế dịch kịp thời, không để lây lan thành dịch, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh. Trong 5 năm qua, tình hình dịch bệnh đã có sự biến động một số dịch bệnh mới nổi như: Đại dịch Covid-19, đậu mùa khỉ, Marburg… và các nhóm dịch bệnh khác ổn định. Toàn tỉnh chỉ xuất hiện một số ổ dịch nhỏ lẻ được trung tâm giám sát kịp thời, không để dịch lan rộng ra cộng đồng. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, vắc-xin, nhân lực để chống dịch khi xảy ra.
Tính đến ngày 31/12/2023, toàn quốc đã có 46/63 tỉnh đã thực hiện loại trừ bệnh sốt rét, còn 17 tỉnh chưa loại trừ, trong đó có Lai Châu. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, trung tâm tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2506/KH-UBND ngày 1/11/2019 phòng, chống và loại trừ sốt rét theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám bệnh cho người dân.

Trung tâm chú trọng tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiêm chủng trong toàn tỉnh. Phân bổ vắc-xin, giám sát công tác được triển khai thường xuyên tại các xã, phường, thị trấn theo quy định. Các chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm đều được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Nâng cao chất lượng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm từ tỉnh đến cơ sở.
Thực hiện tốt chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) trong toàn tỉnh, các tỷ lệ đều giảm so với năm 2019: Tỷ lệ trẻ em <5 tuổi SDD cân nặng/tuổi giảm từ 20,35% xuống còn 16,69%; tỷ lệ trẻ em <5 tuổi SDD chiều cao/tuổi giảm từ 27,98% xuống còn 22,9%. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS hiện nay so với dân số của tỉnh là 0,33%, đạt mục tiêu nghị quyết của tỉnh đề ra là 0,35%. Tháng 5/2021, Lai Châu là một trong 3 tỉnh được Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) chọn mở cấp thuốc Methadone nhiều ngày, từ đó đã tạo thuận lợi cho bệnh nhân giảm thời gian đến cơ sở lấy thuốc. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị và 31 điểm cấp phát thuốc Methadone cho 2.077 bệnh nhân, trong đó 1.069 bệnh nhân được xét chọn cấp thuốc nhiều ngày mang về sử dụng tại gia đình. Các hoạt động như: Khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, xét nghiệm, truyền thông giáo dục sức khỏe… được thực hiện tốt và đạt chỉ tiêu giao.
Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ quản lý, năng lực chuyên môn, củng cố các tiêu chí nâng đơn vị lên hạng I. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; thành lập Phòng tiêm chủng vắc-xin dịch vụ chất lượng cao theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ của Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Chặng đường 5 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Dù vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động của đơn vị luôn đoàn kết, kiên trì bám sát mục tiêu, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trung tâm có 2 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; đơn vị được tặng Cờ thi đua của Bộ Y tế năm 2019 và UBND tỉnh năm 2020, 2023 đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua; Bằng khen của Bộ Y tế; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể và nhiều cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thầy thuốc ưu tú, BSCKI. Trần Đỗ Kiên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...