Để y tế thông minh thật sự thông minh
Một trong những ứng dụng y tế thông minh đang được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: BVNĐ
Tiện ích, nhưng nhiều rào cản
Bệnh viện Nhi đồng 1 là điểm sáng trong số các bệnh viện thực hiện Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh ban hành thời gian qua. TS, BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, theo kế hoạch, bệnh viện có 1.500 giường nhưng hiện tại phải kê lên đến 1.700 giường. Về ngoại trú, bệnh viện khám trung bình 5.500 ca/ngày, có ngày cao điểm 8.200 bệnh nhân vào năm 2019. Trước thực trạng quá tải bệnh nhân, nhằm giảm áp lực cho nhân viên y tế, nhiều năm qua, bệnh viện đã chuyển đổi từ thủ công sang quản lý khám, chữa bệnh bằng công nghệ thông tin. "Đáng nói, lâu nay các bệnh viện mất thời gian nhất là đấu thầu. Một trong những công tác nặng nề nhất của đấu thầu là công tác hành chính, chấm thầu, giấy tờ. Do đó, 5 năm nay bệnh viện đã xây dựng phần mềm đấu thầu thông minh. Chúng tôi số hóa toàn bộ các công đoạn đấu thầu, sử dụng dữ liệu "big data" trong nhiều năm của bệnh viện để máy đánh giá hồ sơ mời thầu. Đây là chương trình rất hiệu quả trong công tác đấu thầu của bệnh viện", TS, BS Ngô Ngọc Quang Minh cho biết.
Với Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện đa khoa hạng 1 của Thành phố và là trung tâm điều trị đột quỵ lớn nhất khu vực phía nam. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận 14.000 ca đột quỵ não, chiếm khoảng 8%-10% số ca tại các bệnh viện trong cả nước. Theo bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc bệnh viện, từ giữa năm 2019, đơn vị đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) RAPID vào hoạt động, tạo ra bước ngoặt trong cứu sống người bệnh đột quỵ. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên trên cả nước ứng dụng phần mềm này vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau sáu giờ (giờ vàng). "Trước đây, bệnh nhân đột quỵ não đến sau giờ vàng sẽ không thể can thiệp, đối mặt với nguy cơ tàn phế, tử vong. Tuy nhiên, từ khi có ứng dụng RAPID, hơn 2.200 ca được chẩn đoán và chỉ định can thiệp bằng phần mềm. Kết quả ghi nhận 48% số người bệnh được can thiệp thành công, quay trở lại vận động bình thường và thoát khỏi cảnh tàn phế, tử vong", bác sĩ Sóng cho biết.
Gần đây, lần đầu trên cả nước, cùng với việc đưa các bác sĩ trẻ tình nguyện ra xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, ngành y tế Thành phố đã đưa máy X-quang kỹ thuật số có tích hợp AI đến với trạm y tế xã Thạnh An. Các bác sĩ sẽ dễ dàng đọc được đầy đủ các thương tổn có trên X-quang phổi, và kết nối hệ thống PACs, khi cần hội chẩn và xin ý kiến các bác sĩ chuyên khoa về chẩn đoán các bệnh có liên quan các tổn thương trên X-quang phổi. Với các hoạt động và sản phẩm công nghệ sáng tạo này, chỉ chưa tới 15 phút, các bác sĩ trẻ tình nguyện đã có một chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị rõ ràng cho người bệnh. Bác sĩ Lê Phúc An, một trong hai bác sĩ tình nguyện đầu tiên đến công tác tại xã đảo Thạnh An, chia sẻ: "Bệnh nhân ở xã đảo Thạnh An chủ yếu là người lớn tuổi với các bệnh thường là huyết áp, tiểu đường. Công nghệ mới của máy X-quang này là tích hợp trí tuệ nhân tạo hiện đại nhất".
Tiện ích như thế, tuy nhiên theo lãnh đạo Sở Y tế Thành phố, hạ tầng công nghệ không tương thích phạm vi và quy mô triển khai ứng dụng là thách thức lớn nhất các bệnh viện đang gặp phải. Cùng đó, mục tiêu xây dựng ngành y tế bắt kịp công nghệ 4.0 vấp phải nhiều khó khăn là hạ tầng thiếu đồng bộ, nhân lực hạn chế, nguy cơ xảy ra các rủi ro về an ninh mạng.
Cần giải pháp để phát triển bền vững
Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, hiện 100% số bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, kết nối liên thông với hệ thống giám định thanh toán bảo hiểm y tế đạt 99,5%. Có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim, 26 bệnh viện và một phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh y tế điện tử, y tế số; công bố nhiều tài liệu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng với nhau... nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người bệnh, giảm tải cho nhân viên y tế.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao để triển khai y tế thông minh thật sự thông minh? Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, ngành y tế có tính chất đặc thù như tính đa dạng, đa chức năng, đa nhiệm vụ... Ở một bệnh viện khác hẳn một trung tâm y tế, trung tâm y tế kiểm soát bệnh tật khác hoàn toàn với bệnh viện, trạm y tế lại có chức năng khác, đòi hỏi phải có những công nghệ ứng dụng cho phù hợp. Muốn triển khai y tế thông minh, các địa phương, cơ sở y tế, bệnh viện phải nhìn vào tính đa dạng này. Ngoài ra, phải kể đến tính phát triển không đồng đều của ngành y tế, có những nơi phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin tốt, nhưng có những nơi vẫn chưa được đầu tư, vẫn ở trình độ thấp... Vì vậy, nhất thiết cần có chính sách để nâng cao về số lượng, chất lượng đội ngũ công nghệ thông tin cho ngành y tế; phải quan tâm nhiều đến chính sách vì con người là yếu tố then chốt để thực hiện mọi việc.
"Như cách làm của TP Hồ Chí Minh, khi thực hiện y tế thông minh, các địa phương, cơ sở y tế, bệnh viện cần được thông suốt thông tin về bệnh nhân giữa bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân, tăng cường công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, liên thông thông tin, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân giữa các bệnh viện. Một số bệnh viện đã ứng dụng được công nghệ tiên tiến từ các bệnh viện trên thế giới, cần lan tỏa sang những bệnh viện khác...", một chuyên gia nêu ý kiến.
Theo một số chuyên gia đề xuất, phương án lâu dài để ứng dụng bền vững công nghệ thông tin trong bệnh viện là cần đưa chi phí công nghệ thông tin vào cơ cấu giá thành của viện phí. Đây là yếu tố cốt lõi để có kinh phí đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực và chi trả cho mọi hoạt động trong quá trình vận hành của hệ thống y tế thông minh.
Cập nhật Thứ sáu, ngày 30/12/2022 - 16:18/QUANG ÁNH, PHAN LƯƠNG/https://nhandan.vn/
Bình luận