Chớ coi thường khi bị cứng khớp vào buổi sáng
>> Viêm khớp dạng thấp gây biến dạng khớp
Phát bệnh từ năm 1993, mới đầu bà Khúa thấy mỗi sáng thức dậy các khớp hay bị cứng, phải vận động một lúc mới đỡ. Cứ nghĩ không có vấn đề gì nhưng sau đó bà thấy hai chân bắt đầu sưng tấy, đau, không đi lại được. Gia đình đã đưa bà xuống một bệnh viện tư ở Hà Nội chữa trị. Thế nhưng nằm viện suốt 4 tháng trời, bệnh tình không hề thuyên giảm, thậm chí các bác sĩ còn tiên lượng khả năng sống của bệnh nhân rất mong manh.
Dù thế, người nhà vẫn không thôi hy vọng. Có ai mách ở đâu có thầy lang giỏi, người nhà đều cất công tìm đến. Lúc nào chân đau quá không chịu được thì bà lại mua thuốc Tây về uống.
Bác sĩ Hoa khám lại cho bệnh nhân Khúa. |
Thế nhưng uống mãi, chân bà không những không khỏi mà còn bị liệt hoàn toàn. Bà còn mọc rất nhiều tóc con, lông mi cong vút như thời con gái nhưng mặt thì phệ xuống, da bủng beo, lệch thẳng nên không thể tự đi lại được. Mãi đến năm 2000, theo lời giới thiệu của người quen, gia đình liền đưa bà xuống khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện E (Hà Nội) khám. Các bác sĩ tại đây kết luận, bà Khúa bị viêm khớp dạng thấp và bị nhiều biến chứng do lạm dụng quá nhiều thuốc chứa corticoid.
Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Hồng Hoa, Phó trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện E cho biết, cũng từ đó bà Khúa trở thành bệnh nhân quen thuộc của khoa. Hiện giờ, bệnh nhân đã có thể đi lại bình thường nhưng vẫn phải theo tuân theo phác đồ điều trị nghiêm ngặt và định kỳ tái khám.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tương đối phổ biến, với tỷ lệ mắc khoảng 0,5 - 3% dân số, thường gặp ở phụ nữ tuổi trên 30 (60-70%). Trung bình một ngày, khoa khám và điều trị cho khoảng 30-50 bệnh nhân mắc các bệnh về khớp, trong đó 30% là viêm khớp dạng thấp.
Nguyên nhân gây bệnh là do cơ thể tự sản xuất một kháng thể chống lại các cơ quan, bộ phận, nhất là các khớp. Khoa học hiện chưa giải thích được vì sao cơ thể lại sản xuất ra kháng thể này, tiến sĩ Hoa lý giải.
Ngoài ra, cũng theo tiến sĩ, bệnh không thể chữa khỏi được nhưng nếu phát hiện sớm và chữa trị theo đúng phác đồ thì có thể chữa trị để tránh các tổn thương nặng nề ở sụn và đầu xương. Biểu hiện ban đầu của bênh là cứng khớp vào các buổi sáng thức dậy, sau đó là sưng viêm và đau các khớp vai, cổ tay, bàn tay, đầu gối, bàn chân...
Giai đoạn đầu của bệnh thường kéo dài 1-3 năm, khi đó chưa có dấu hiệu tổn thương "bào mòn" ở sụn khớp và đầu xương. Nếu được phát hiện sớm trong giai đoạn này và được chữa tích cực, đúng cách bệnh có thể diễn biến tốt.
"Tuy nhiên, thực tế vì thiếu kiến thức về bệnh nên phần lớn bệnh nhân chỉ nhập viện khi đã quá nặng. Một khi sụn khớp và đầu xương đã bị tổn thương mà không chữa trị đúng sẽ làm khe khớp dần hẹp lại, các đầu xương dính vào nhau gây biến dạng khớp, dính, cứng khớp khiến mất khả năng hoạt động", tiến sĩ Hoa khuyến cáo.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân sau một đợt điều trị thấy bệnh ổn lại nghĩ là bệnh đã khỏi nên không đi khám định kỳ. Có người đi khám một lần, uống thuốc thấy khá hơn thì lần sau khi có biểu hiện bệnh cứ lấy đơn cũ đi mua mà không tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
"Điều này rất nguy hiểm vì bất cứ thuốc nào dùng lâu dài cũng có phản ứng phụ không tốt cho cơ thể. Trong khi đó đa số thuốc điều trị bệnh về khớp đều có corticoid, nên nếu dùng lâu ngày bệnh nhân sẽ bị phù hoặc loãng xương. Có người đã bị tàn phế suốt đời chỉ vì tự ý điều trị", tiến sĩ Hoa nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi có các biểu hiện bệnh, người bệnh nên đến viện khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài việc uống thuốc, người bệnh sẽ được hỗ trợ tập luyện nhẹ phối hợp các phương pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng... Đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, định kỳ đi khám theo hẹn.
Theo VnExpress
Bình luận