Quản lý vận hành lưới điện thông minh
Giải pháp tối ưu cho ngành Điện
Hệ thống quản lý vận hành lưới điện thông minh tại Trung tâm điều khiển xa được đưa vào sử dụng mang nhiều tiện ích cho ngành Điện.
Chúng tôi đến gặp nhóm tác giả: Bùi Xuân Thành, Trần Kim Long, Hoàng Quang Trung, Phạm Minh Châu, Nguyễn Trọng Dong khi cái lạnh chớm đông đã bắt đầu đến. Trong Trung tâm điều khiển xa (TTĐKX) tại nhà điều hành của công ty, các thiết bị máy móc phục vụ cho việc quản lý vận hành điện lưới được lắp đặt chi tiết. Nếu như trước đây, các đường dây điện đa số là những hình tia kéo dài trên đồi núi, khi có sự cố xảy ra, rất khó để tìm kiếm, phát hiện và phân đoạn sự cố. Điều này đã ảnh hưởng đến độ tin cậy trong cung cấp điện cho người dân trong tỉnh.
Hệ thống quản lý vận hành lưới điện thông minh được áp dụng với nhiều loại điện lưới khác nhau. Đối với lưới 110kv, nhóm tác giả đã dựa trên nền tảng cải tạo các trạm biến áp (TBA) 110kv hiện có thành TBA không người trực và kết nối toàn bộ về TTĐKX (qua phần mềm SP5). Đến thời điểm này, trong TTĐKX hệ thống máy chủ có cài đặt phần mềm điều khiển riêng, kết nối với Trung tâm Điều độ miền Bắc và các máy chủ để cùng làm việc song song với nhau. Nhiệm vụ chính là thu nhập các tín hiệu giám sát, cảnh báo, đo lường từ các trạm 110kv chuyển về trung tâm để xử lý; thực hiện giám sát từ xa, thao tác và điều khiển từ xa các TBA 100kv.
Nói chi tiết về phần mềm quản lý này, anh Bùi Xuân Thành - Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu cho biết: So với vận hành truyền thống, việc đưa TTĐKX hoạt động mang lại nhiều ưu điểm vượt trội. Đơn cử, nếu như trước đây, trạm 110kv xảy ra sự cố, nhân viên của Phòng điều độ phải xác nhận thông tin với nhân viên trực trạm 110kv, sau đó sẽ ra lệnh thao tác và xác nhận kết quả sửa chữa. Tất cả các công đoạn đều được thực hiện qua điện thoại nên mất nhiều thời gian nhưng vẫn không nắm được chính xác sự cố. Giờ đây, với “cỗ máy” điều khiển xa, việc phát hiện và xử lý sự cố nhanh hơn rất nhiều bởi trên màn hình hiển thị 3 mức cảnh báo thiết bị tại các TBA 110kv, trên lưới trung áp. Tùy theo mức đọ khẩn cấp, các chuông báo động sẽ được kích hoạt và nhân viên trung tâm sẽ kiểm tra trên hệ thống máy tính để phát hiện sự cố và đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp. Điều này, vừa giảm thời gian, chi phí và an toàn lao động cho công nhân.
Còn với lưới điện trung thế, Công ty Điện lực tỉnh cũng đã triển khai áp dụng giải pháp kết cấu lại lưới điện theo phương pháp đa chia - đa nối - lắp đặt thêm các thiết bị nâng cao độ tin cậy có điều khiển xa như: máy cắt tự động đóng lặp lại Recloser, LBS, CDPT… xây dựng mới các mạch vòng để đảm bảo N-1 trên lưới điện trung thế. Theo lý giải của nhóm tác giả, tại máy tính điều khiển cài đặt phần mềm chuyên dụng theo chủng loại Recloser để giao tiếp với tủ điều khiển; đồng thời, cùng thời gian ấy, toàn bộ phần mềm này cũng sẽ được tích hợp vào phầm mềm điều khiển chính (SP5) của TTĐKX. Với phương pháp này, có thể thực hiện điều khiển đóng cắt Recloser, xem đầy đủ bản tin sự cố, thay đổi thông số chỉnh định bảo vệ rơ le. Hiện nay, trên lưới điện của tỉnh Lai Châu đã đưa vào điều khiển xa được 65/65 máy cắt. Đây là giải pháp cơ thể giúp việc thao tác vận hành, chuyển phương thức, sa thải phụ tải, xử lý sự cố kịp thời, giảm được chi phí, nhân công, thời gian khi phải di chuyển đến từng điểm thao tác để thực hiện, nhất là tại các vị trí Recloser ở xa, giao thông khó khăn.
Trong quản lý vận hành lưới điện thông minh, nhất là lưới điện hạ thế, Công ty Điện lực Lai Châu cũng đã có những thành công bước đầu khi triển khai công tơ điện từ và thu nhập chỉ số công tơ từ xa. Được biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, công ty đã lắp đặt được 54.302 công tơ điện tử, chiếm 52,3% tổng số công tơ trên lưới điện tỉnh Lai Châu. Việc lắp đặt này, đã đem lại nhiều hiệu quả cho công tác sản xuất kinh doanh điện năng. Bởi theo anh Long, công tơ điện tử có độ chính xác cao hơn, công suất tiêu thụ của công tơ thấp dẫn đến tiết kiệm điện năng, tích hợp các công nghệ truyền thông hỗ trợ việc đọc chỉ số công tơ tự động từ xa. Không chỉ vậy, việc đo xa giúp giảm nhân công ghi chỉ số điện, giảm nguy cơ tai nạn lao động và quản lý công tơ. Bên cạnh đó, số liệu công tơ đo đếm thu nhập từ xa cũng kịp thời phục vụ việc tính hóa đơn tiền điện, giám sát và giảm tổn thất điện năng, giám sát chất lượng điện, tình trạng vận hành của TBA và đường dây giúp nâng cao độ an toàn lưới điện...
Chị Nguyễn Thị Lý - Tổ dân phố số 1, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu chia sẻ: “Từ ngày dùng công tơ điện tử, gia đình tôi thấy chỉ số điện được báo về điện thoại chi tiết, minh bạch hơn. Công ty Điện lực Lai Châu còn cung cấp đẩy đủ công cụ để khách hàng tự kiểm tra và điều chỉnh việc sử dụng điện nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng, nhất là những ngày hè hoặc đông lạnh”.
Có thể thấy giải pháp quản lý vận hành lưới điện thông minh thông qua hệ thống điều khiển xa ở nhiều điện áp khác nhau đã và đang tạo hiệu quả cao trong công tác cấp, phát, xử lý điện, đồng thời mang lại độ an toàn cho công nhân và sự tin tưởng cho người dân trong toàn tỉnh.
Phạm Vũ
Bình luận