Chủ nhật, 01/12/2024, 10:26 [GMT+7]

Quản lý game online ở Lai Châu: Nên sử dụng hiệu ứng “bắt vích”

Thứ ba, 21/09/2010 - 00:02'
(BLC) - Khi con vích bị kéo ra biển, nó lại tự động bò vào bờ cho ngư dân bắt. Nên chăng ta sử dụng hiệu ứng này để quản lý game online trên địa bàn tỉnh Lai Châu?
“Game thủ” tại đại lý Internet phường Quyết Thắng, thị xã Lai Châu.
Bộ Thông tin – Truyền thông (TT&TT) vừa đưa ra các biện pháp mạnh nhằm siết chặt việc quản lý các hoạt động về game online (trò chơi trực tuyến) đối với người chơi. Các biện pháp mà Bộ TT&TT đưa ra chủ yếu là cấm và cắt. Các biện pháp này đã gây nhiều luồng dư luận khác nhau trong công luận, ở tỉnh Lai Châu, việc này được thực hiện ra sao?
Game online trên địa bàn 
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, không khó khăn gì khi tìm đến các đại lý kinh doanh internet để gặp các “thượng đế tuổi teen”, nhất là tại các khu vực gần trường học.
Chúng tôi có dịp tới nhiều quán internet và được biết tại đây có những “tín đồ ruột” của game online và thời gian mỗi ngày họ dành cho những trải nghiệm nhân tạo có thể lên đến hàng chục giờ đồng hồ. Không cần tìm hiểu, chỉ cần nhìn cuốn sổ ghi chép (mà đa số là ghi nợ) của chủ quán cũng biết “điều kiện kinh tế” của nhiều khách hàng thế nào. Không nhiều nhưng với số tiền vài trăm nghìn cho một tháng của một học sinh, sinh viên chi cho game thì cũng không thể gọi là ít được.
Theo báo cáo của Viễn thông Điện Biên – Lai Châu, tính đến ngày 10/8/2010, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 11 đại lý kinh doanh internet và 21 điểm bưu điện văn hoá xã có kinh doanh internet. Tuy nhiên đó là con số báo cáo về các thuê bao đang là đại lý của doanh nghiệp còn các thuê bao, đại lý kinh doanh internet trên địa bàn tỉnh thì có thể con số sẽ khác. Hiện nay, Sở TT&TT đang yêu cầu tất cả các đại lý kinh doanh internet phải đăng ký trở thành đại lý của các đơn vị cung cấp dịch vụ (VNPT hoặc Viettel) để dễ quản lý. Ông Nguyễn Nam Hải – Trưởng Phòng Viễn thông Công nghệ thông tin (Sở TT&TT) cho biết: “Việc hạn chế tác hại của game online là công việc khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tỉnh các đại lý, cửa hàng kinh doanh loại dịch vụ này chưa phát triển mạnh, số lượng chưa nhiều nên việc quản lý không quá phức tạp”.
Giải pháp tình thế
Các giải pháp mà Bộ TT&TT đưa ra là cấm và cắt. Cấm hoạt động của các cửa hàng, đại lý kinh doanh internet, trò chơi trực tuyến hoạt động trong khoảng thời gian từ 23 giờ tới 6 giờ sáng. Cắt đường truyền đối với các đại lý, cửa hàng này trong khoảng thời gian trên. Đây là biện pháp được coi là rất “rắn” song dư luận xã hội lại cho rằng biện pháp này tuy thể hiện được thái độ và sự quyết liệt của Bộ TT&TT nhưng cũng thể hiện sự bất lực trong quản lý. Việc cấm và cắt khiến dư luận nhớ tới những biện pháp để giảm ách tắc giao thông ở Hà Nội là cấm xe ngoại tỉnh vào thủ đô, hay như trong việc quản lý dịch vụ Karaoke một thời cơ quan hữu trách cũng đòi cấm. Nghịch lý vẫn thường tồn tại là khi cái gì không quản lý được người ta lại cấm.
Phát biểu trước báo giới, ông Đỗ Quý Doãn – Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng game online là một lĩnh vực kinh tế mang đến lợi nhuận lớn cho đất nước, tuy nhiên nếu để nó phát triển mà không quản lý thì không được nhưng nếu sự quản lý mà làm kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này, làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế thì cần xem xét lại.
Như vậy, những biện pháp của Bộ TT&TT có thể được xem là giải pháp tình thế. Làm việc với lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh, ông Trần Văn Sáu – Phó Giám đốc Sở cũng cho biết: việc cấm hoạt động và cắt đường truyền chỉ là một giải pháp tình thế.
 Sử dụng cách bắt vích
Bàn về những giải pháp mang tính bền vững, ông Trần Văn Sáu cho biết thêm: “Theo tôi, muốn quản lý trò chơi trực tuyến hiệu quả để có thể phát huy mặt mạnh của nó trong kinh tế, văn hoá đồng thời hạn chế những tác hại của nó, thiết nghĩ cần phải quản lý tận gốc vấn đề. Quản lý tận gốc tức là cần sự vào cuộc của không chỉ ngành TT&TT mà cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Nếu một mình ngành TT&TT vào cuộc thì có lẽ chỉ cắt được cái ngọn của vấn đề”.
Được biết, để thực hiện việc siết chặt quản lý game online, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 668/QĐ-UBND (ngày 9/6/2009) trong đó có quy định cụ thể thời gian hoạt động của các đại lý internet là từ 6 giờ tới 23 giờ hàng ngày. Trong Công văn số 442/STTTT-VTCNTT (ngày 12/8/2010) của Sở TT&TT về việc quản lý dịch vụ trò chơi trực tuyến trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh có yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet cho các đại lý internet dùng các biện pháp kỹ thuật để ngừng cung cấp dịch vụ internet cho các đại lý internet trên địa bàn ngoài giờ hoạt động và thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày 1/9/2010.
Tuy nhiên, ngay trong đêm đầu tiên thực hiện các biện pháp này, chúng tôi đến đại lý internet T.Đ (trên địa bàn phường Quyết Thắng) vào lúc 23 giờ 45 phút, đại lý này vẫn phục vụ bình thường. Thậm chí chủ quán còn cho biết có biết về quy định của tỉnh nhưng nếu vẫn còn khách thì còn phục vụ. Đại lý internet này chỉ cách Trường Dạy nghề tỉnh chưa đầy 100m.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng việc quản lý để hạn chế tác hại của game online bằng các biện pháp cấm và cắt vẫn chưa thực sự là biện pháp hiệu quả. Trên thế giới có rất nhiều nước thực hiện việc quản lý trò chơi trực tuyến rất hiệu quả, ở đó họ vẫn cho game online hoạt động với những quy định cụ thể trong cách quản lý, như quản lý người chơi bằng giấy chứng minh nhân dân hoặc các biện pháp phạt rất nặng đối với các đại lý internet và thực tế họ đã vừa đảm bảo hạn chế được những tác hại của game online đối với người chơi lại vừa thu được lợi nhuận về kinh tế.
Khi con vích bị kéo ra biển nó lại tự động bò vào bờ cho ngư dân bắt. Nên chăng ta sử dụng hiệu ứng này để quản lý game online?
 

Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...