Thứ năm, 12/12/2024, 18:42 [GMT+7]

Nông thôn đổi mới

Chủ nhật, 14/02/2021 - 05:18'
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, tỉnh tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, tạo đà cho các địa phương thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, mang lại diện mạo mới cho các vùng quê.

Công trình thủy lợi trên địa bàn xã Phúc Than (huyện Than Uyên) được đầu tư kiên cố phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Về Than Uyên vào những ngày cuối năm chúng tôi cảm nhận được sự thay da đổi thịt của huyện cửa ngõ. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, đời sống bà con ngày càng ấm no. Giờ đây, Than Uyên không chỉ biết đến là địa phương có cánh đồng lớn thứ ba vùng Tây Bắc mà còn được nhớ đến với các sản phẩm chất lượng, có thương hiệu như: gạo séng cù, nếp tan pỏm, ổi Hua Nà, ruốc cá lăng... Đây cũng chính là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Với lợi thế đất đai màu mỡ, trong đó có trên 4.770ha đất trồng lúa nước tập trung ở cánh đồng lớn của các xã: Mường Than, Mường Cang, Hua Nà, Mường Kim. Diện tích mặt nước của 2 lòng hồ thủy điện Huội Quảng - Bản Chát trên 9 nghìn héc ta. Đây là những yếu tố thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Huyện xác định phát triển nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình xây dựng NTM của địa phương, là nền tảng, cốt lõi trong thực hiện các tiêu chí: thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất. Vì vậy, huyện tranh thủ các nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, tăng cường liên kết chuỗi giá trị. Trong giai đoạn 2015-2020, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt 31.994/30.800 tấn vượt chỉ tiêu nghị quyết, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên khẳng định: “Việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã góp phần thay đổi diện mạo NTM của các xã trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện hình thành và phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung với quy mô 1.300ha, sản lượng đạt 6.500 tấn/năm, vùng chuyên canh sản xuất lúa đặc sản séng cù quy mô 275ha, sản lượng 1.235 tấn/năm; lúa nếp tan pỏm 25ha, sản lượng 100 tấn/năm. Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Toàn huyện có 7/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 16,36 tiêu chí/xã, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,81%”.

Bản Bo (huyện Tam Đường) - một trong những xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh, để giữ vững chuẩn NTM cũng như nâng cao chất lượng các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, xã vận động bà con chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng chè, tập trung phát triển vùng chè chất lượng cao. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên doanh, liên kết với nông dân từ sản xuất đến chế biến gắn tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Trải qua nhiều khó khăn, giờ đây xã Bản Bo trở thành vùng chè lớn nhất của huyện Tam Đường với tổng diện tích gần 700ha. Đi giữa đồi chè xanh mơn mởn nghe bà con kể lại thành quả một năm thu hái chè chúng tôi thấy vui lây vì giờ đây bà con có thể sống được nhờ cây chè. Toàn xã có 989 hộ trồng chè, chiếm 85% số hộ toàn xã, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, năm 2020 sản lượng chè đạt 4.000 tấn, đảm bảo nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến, chất lượng đáp ứng được thị trường khó tính như Đài Loan, một số nước Châu Âu. Từ trồng chè nhiều hộ có thu nhập từ 40 - 100 triệu đồng, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình NTM xã vận động người dân hiến 150.000m2 đất đầu tư mở mới 25,4km đường giao thông nội đồng vào khu sản xuất vùng chè, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại, vận chuyển cây giống, vật tư phân bón.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, những năm qua tỉnh ưu tiên các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm giúp người dân cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ nghèo như: chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ giảm nghèo; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh, địa phương. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Cơ cấu ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành các vùng sản xuất tập trung như: lúa, chè, quế, sơn tra, mắc-ca, cây ăn quả ôn đới… Điển hình như: phát triển vùng chè tập trung ở các huyện: Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu với diện tích 7.802ha. Khai thác tiềm năng mặt nước trên các hồ thủy điện để phát triển nuôi cá lồng với tổng thể tích 98.818m3 tập trung tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè; cây có giá trị kinh tế như: quế, sơn tra, mắc-ca trồng ở Than uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường… Năm 2020, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 220 nghìn tấn, xây dựng được nhiều nhãn gạo như: tẻ râu (Phong Thổ), séng cù (Than Uyên), khẩu ký, nếp tan co giàng (Tân Uyên).

Tại các địa phương, người dân thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, toàn tỉnh có 10 trang trại chăn nuôi, 13 trang trại tổng hợp có hoạt động chăn nuôi, 7 HTX hoạt động chăn nuôi. Kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại trong những năm qua có sự chuyển biển tích cực, tăng về số lượng, hiệu quả hoạt động cũng được nâng lên. Đến năm 2020 có 117 HTX nông nghiệp, 91 tổ hợp tác (THT), 33 trang trại. Các HTX, trang trại, THT giải quyết việc làm cho 2.500 lao động nông thôn với thu nhập từ 42-60 triệu đồng/người/năm; một số HTX nông nghiệp, trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển đã gắn vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: vùng chè, cây ăn quả, rau sạch, nuôi cá lồng, cá nước lạnh...

Đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Nhờ xác định đúng tiềm năng, lợi thế và có những chính sách khuyến khích phát triển kịp thời đã tạo nên bức tranh kinh tế của tỉnh gắn với xây dựng NTM có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông nghiệp đạt 5,08%, nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất. Đặc biệt, đã thay đổi được tư duy, nhận thức, tập quán sản xuất của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Bước đầu hình thành liên kết 4 nhà, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích và thu nhập cho người nông dân. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,49%”.

Những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nông nghiệp đã trực tiếp góp phần vào kết quả xây dựng NTM trên địa bàn. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 38 xã, tương đương 40,4% số xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15,5 tiêu chí/xã, 2 huyện đạt NTM, thành phố Lai Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện. Kết quả này sẽ là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới, phấn đấu xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...