Chỉ thị về triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh diễn ra trong bối cảnh thuận lợi, thách thức đan xen. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, xử lý kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết liệt, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương. Tăng trưởng GRDP năm 2024 ước đạt 9,0%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 8.651,3 tỷ đồng, tăng 34,6% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 9.163,2 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2023; CPI bình quân 11 tháng năm 2024 tăng 0,88% so với cùng kỳ năm trước.
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 20 tháng 11 năm 2024 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thiết yếu tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
1. Sở Công Thương
Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của nhân dân cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 như: lương thực, thực phẩm, nhiên liệu,…; kịp thời triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương các biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến.
Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm và các hàng hóa tiêu dùng khác để đảm bảo nguồn cung cho hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân; khuyến kích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nhằm khai thác tối đa thị trường nội địa.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện trên địa bàn bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, công tác đảm bảo an toàn phòng chống sự cố điện do nguyên nhân từ lưới điện tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, đánh giá năng lực sản xuất, nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường; chủ động phương án hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Cục Quản lý thị trường tỉnh theo dõi sát diễn biến giá thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, nhất là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá trên địa bàn tỉnh để ổn định thị trường.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tạo cơ hội tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở thông tin tuyên truyền đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá hàng hóa, công tác quản lý an toàn thực phẩm, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.
6. Cục Quản lý thị trường
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, giá hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hoặc các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật; đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng diễn biến bất thường của thị trường để thu lợi bất chính. Tổ chức kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về kinh doanh xăng dầu, nhất là thời gian bán hàng, niêm yết giá, đo lường, chất lượng.
7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
Tạo thuận lợi trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa; theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá hàng hóa trên địa bàn quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu; chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn chủ động dự trữ và cung ứng hàng hóa ra thị trường các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm và các hàng hóa tiêu dùng khác để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương) để triển khai các giải pháp điều tiết cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường.
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về kinh doanh xăng dầu, nhất là thời gian bán hàng, niêm yết giá, đo lường, chất lượng.
8. Công ty Điện lực Lai Châu
Xây dựng phương án cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cung cấp điện cho các sự kiện chính trị - xã hội và các khách hàng sử dụng điện quan trọng thuộc diện ưu tiên cấp điện đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2106/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2023. Báo cáo phương án cung cấp điện về Sở Công Thương trước ngày 15 tháng 12 năm 2024. Trong quá trình triển khai phương án cung cấp điện phải đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 09 tháng 9 năm 2020 của Bộ Công Thương quy định về điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện; không được thực hiện ngừng, giảm cung ứng điện đối với khách hàng sử dụng điện mà không có hình thức thông báo trước.
9. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh hàng hóa thiết yếu
- Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: Chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ, cung ứng xăng dầu đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, nhất là việc duy trì thời gian bán hàng.
- Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh: Chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường để có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; tăng cường công tác kết nối, tìm kiếm các nguồn hàng để hoạt động cung ứng không bị gián đoạn; mở rộng các kênh phân phối hàng hóa đến khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để kích cầu tiêu dùng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc điều tiết nguồn cung hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
10. Chế độ báo cáo
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện chế độ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương) như sau:
- Đợt 1: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thiết yếu báo cáo kế hoạch dự trữ hàng hóa trước ngày 15 tháng 12 năm 2024.
- Đợt 2: Các cơ quan, đơn vị báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị và tình hình thị tường cung cầu, giá cả hàng hóa trước ngày 15 tháng 01 năm 2025.
- Đợt 3: Báo cáo kết quả phục vụ Tết trước ngày 02 tháng 02 năm 2025.
(Sở Công Thương chuyển Chỉ thị này đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh hàng hóa thiết yếu để thực hiện)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thiết yếu chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh những nội dung phát sinh, vượt thẩm quyền.
B.T
Bình luận