Thu Lũm vượt khó hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Xã Thu Lũm khoác lên mình diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp hơn. Ảnh: Bích Nguyên
Đồng lòng hiến đất xây dựng nông thôn mới
Điều chúng tôi cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến xã biên giới Thu Lũm là bầu không khí trong lành, đường đi lối lại giữa các thôn, bản sạch đẹp, nhà cửa được xây dựng khang trang. Hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường học, trạm y tế của Thu Lũm đều được xây dựng cơ bản. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, để có được diện mạo như ngày hôm nay, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thu Lũm đã phải nỗ lực vượt qua rất nhiều rào cản đến từ thời tiết, khí hậu, địa hình và cả sự đói nghèo kéo dài trong nhiều năm trước.
Thu Lũm là xã biên giới, xa nhất của huyện Mường Tè. Toàn xã có 9 bản nằm dọc theo đường biên giới Việt - Trung, với 509 hộ, hơn 2.500 nhân khẩu. Trong xã có 3 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, người Hà Nhì chiếm 81,5%, còn lại là dân tộc Dao và La Hủ. Toàn xã Thu Lũm có tổng diện tích tự nhiên là hơn 11.200ha, địa hình chia cắt, chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn, quy mô đất sản xuất manh mún, không tập trung, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, mặt bằng dân trí không đồng đều; sản xuất của người dân chủ yếu dựa trên nông, lâm nghiệp là chính với tập quán canh tác lạc hậu. Xuất phát điểm thấp, cộng với thiên tai, dịch bệnh khắc nghiệt và nguồn vốn hạn hẹp khiến cho việc xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn.
Xác định rõ những khó khăn và thuận lợi, chính quyền xã Thu Lũm tập trung phát huy nội lực, kết hợp lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Thu Lũm phối hợp với các đoàn thể triển khai tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Với sự đồng thuận cao, người dân xã Thu Lũm đã hiến 1.120m2 đất và đóng góp hơn 9.500 ngày công lao động xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa và các công trình vệ sinh môi trường.
Đến năm 2020, đường liên xã dài hơn 44km của xã Thu Lũm được cứng hóa 100%; đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. Các tuyến đường trục bản, liên bản, đường ngõ cũng được cứng hóa. Với nhiều nỗ lực, Thu Lũm đã dồn các nguồn lực đầu tư 9 công trình thủy lợi, kiên cố hóa hơn 20km kênh mương, đạt hơn 82%. Đồng thời, nâng cấp, sửa chữa 4 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất hơn 285ha, tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 80%, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân.
Đa dạng nguồn thu từ cây, con giá trị
Thu nhập và giảm tỉ lệ hộ nghèo là một trong những “hòn đá tảng” lớn nhất mà Thu Lũm vấp phải trong quá trình xây dựng NTM. Để giải quyết bài toán “hóc búa” này, xã Thu Lũm đã đặt quyết tâm chính trị rất cao. Ông Lỳ Pó Chừ, Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm cho biết, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế, các tiềm năng, thế mạnh của từng bản, xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; tích cực đưa giống cây trồng có giá trị kinh tế, chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án trên địa bàn xã để tập trung đầu tư phát triển sản xuất; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm. Bằng các nguồn vốn, xã Thu Lũm đã trồng hơn 167ha sa nhân tím, hơn 131ha cây mắc ca, 1,2ha thất diệp chi hoa, 500ha sả, hơn 500ha thảo quả và ớt Trung đoàn. Ngoài ra, chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân máy nông cụ sản xuất để nâng cao năng suất lao động.
Để tăng thu nhập, người dân Thu Lũm đang chuyển đổi sang trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao như giống ớt đặc sản. Ảnh: Bích Nguyên
Toàn xã Thu Lũm hiện không còn hộ gia đình ở nhà tạm, dột nát. Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của trẻ em và người cao tuổi. 97,6% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 89,4% hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo hợp vệ sinh môi trường; 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cùng đội ngũ nhân viên y tế đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững...
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã Thu Lũm cho biết, cả hệ thống chính trị đang phấn đấu duy trì, giữ vững và nâng cao một số tiêu chí xây dựng NTM. Bí thư Đảng ủy xã Lỳ Pó Chừ cho biết: “Tỉ lệ hộ nghèo và thu nhập là vấn đề khó khăn nhất. Hiện tại, theo chuẩn nghèo đa chiều mới nhất, tỉ lệ hộ nghèo của xã đã tăng lên 43%. Trong khi đó, giá các sản phẩm nông sản chủ yếu của xã như tinh dầu sả, sa nhân, thảo quả đều giảm khiến cho thu nhập người dân giảm xuống. Trên địa bàn có 2 bản A Chè và Là Si nằm xa trung tâm xã, đi lại khó khăn. Trong đó, bản Là Si khó khăn hơn cả, nhà cửa của người dân đều xuống cấp...”.
Theo ông Chừ, trong thời gian tới, xã Thu Lũm tiếp tục đẩy mạnh vận động, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để đảm bảo tiêu chí thu nhập; ưu tiên các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất.
Với việc thay đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa ngành nghề, thu nhập bình quân đầu người của Thu Lũm đã tăng từ 28,2 triệu đồng/người/năm (năm 2018) lên 36,02 triệu đồng/người/năm (năm 2020). Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 95,04%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 12,2%/năm, còn 11,9% vào năm 2020. 100% cán bộ xã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.
Cập nhật Thứ ba, 21/06/2022 09:18 GMT+7/Bích Nguyên/https://www.bienphong.com.vn
Bình luận