Thu Lũm “về đích” nông thôn mới
Ngược dòng sông Đà, đến Thu Lũm những ngày đầu tháng 5, hình ảnh những ngôi nhà xây cao tầng đang dần thay thế nếp nhà đất, trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, những con đường bêtông nội bản, liên bản cho thấy diện mạo của một vùng NTM khởi sắc trên mảnh đất biên cương cực tây Tổ quốc. Đưa chúng tôi thăm quan sự đổi thay của bản, đồng chí Phùng Lòng Cà - Chủ tịch UBND xã Thu Lũm chia sẻ: Năm 2020, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng lòng của Nhân dân các dân tộc, xã Thu Lũm đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM. Ngày 30/3 vừa qua, Đoàn thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM của tỉnh tiến hành kiểm tra, thẩm định kết quả xây dựng NTM tại xã. Đoàn đánh giá xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM theo quy định và bỏ phiếu công nhận xã Thu Lũm đạt chuẩn NTM với kết quả 100% số phiếu nhất trí; UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận xã Thu Lũm “về đích” NTM. Hiện, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Thu Lũm đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho lễ công nhận đạt NTM để chào mừng thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một góc xã Thu Lũm hôm nay.
Bản Pa Thắng đã đổi thay rất nhiều nhờ các nguồn đầu tư và nỗ lực xây dựng NTM của người dân. Anh Chu Hừ Chừ - Trưởng bản Pa Thắng chia sẻ: Bản có 73 hộ, trên 390 nhân khẩu, 100% người dân tộc Hà Nhì, nhờ chương trình xây dựng NTM, tuyến đường vào bản được Nhà nước đầu tư mở mới, các tuyến đường nội bản được đổ bêtông, tạo điều kiện cho dân bản thông thương thuận lợi, tạo đà cho bản phát triển. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, bản yêu cầu các hộ gia đình làm chuồng trại chăn nuôi ra xa khu dân cư và tổ chức các buổi vệ sinh bản, nạo vét khơi thông cống rãnh một tháng 2 lần vào đầu tháng và giữa tháng. Cùng với đó, vận động bà con tập trung chăm sóc tốt 60ha cây thảo quả và diện tích cây dầu sả hiện có của bản.
Đồng thời, thực hiện trồng mới một số loại cây có giá trị kinh tế cao theo kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Thời gian qua, bản Pa Thắng triển khai trồng trên 35ha cây mắc-ca xen vào diện tích nương sả và trồng trên 60ha sa nhân tím, trên 14ha cây sa mu... Đến thời điểm hiện tại, các cây trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt. Từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu hoạch thảo quả, sản xuất tinh dầu sả và sản xuất chăn nuôi đã cho dân bản Pa Thắng thu nhập bình quân đạt trên 36 triệu đồng/người/năm. Cùng với nguồn thu nhập hiện tại, trong thời gian tới từ thu hoạch mắc-ca, sa nhân tím, sa mu, tin rằng thu nhập của bà con của bản Pa Thắng sẽ tiếp tục được nâng lên.
Là xã biên giới xa nhất của huyện Mường Tè, xã có 9 bản, 503 hộ, trên 2.490 nhân khẩu, dân tộc Hà Nhì chiếm trên 81%, việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM thể hiện quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân trong xã. Bà con đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến trên 17.300m2 đất, để xây dựng các tuyến đường, hệ thống thủy lợi, nhà văn hóa và lớp học. Tổng kinh phí thực hiện 16.748 triệu đồng. Tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân của xã đạt 36,02 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,9%; không còn hộ gia đình ở nhà tạm, dột nát; 97,6% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động; 89,4% hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo hợp vệ sinh môi trường; 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cùng đội ngũ y, bác sỹ đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. An ninh trật tự được giữ vững...
Tuy nhiên, dù đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM nhưng việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM vẫn cần có sự quan tâm bằng nguồn lực của Nhà nước. Đồng chí Phùng Lòng Cà - Chủ tịch UBND xã Thu Lũm cho biết thêm: Thu Lũm đang còn những khó khăn đặc thù như: Các bản chạy dọc theo tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp, diện tích đất canh tác chủ yếu là đồi núi, quy mô canh tác còn nhỏ lẻ, manh mún. Trên địa bàn còn có hai bản A Chè, Là Si nằm xa trung tâm, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về mùa mưa. Trong thời gian tới, để công cuộc xây dựng NTM ở Thu Lũm được bền vững, tỉnh và huyện cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để đảm bảo tiêu chí thu nhập; sắp xếp ưu tiên các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng để thực hiện duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt.
Chia tay Thu Lũm dưới ánh nắng chiều hè, hình ảnh xã biên giới khởi sắc nhờ xây dựng NTM với những con số “biết nói” như: thu nhập bình quân đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,9%, người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,6%... xã đạt 19/19 tiêu chí, trở thành xã biên giới đầu tiên của huyện Mường Tè hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Thu Lũm đã trở thành điểm sáng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên mảnh đất biên cương cực tây Tổ quốc.
Hà Dũng
Bình luận