Thứ năm, 12/12/2024, 09:38 [GMT+7]

Cần xem xét, rút kinh nghiệm trong trồng cây cao su, tái định cư

Thứ bảy, 16/07/2011 - 14:35'
(BLC) - Thảo luận tại hội trường, các đại biểu HĐND đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực trồng cây cao su và tái định cư.

Xem xét lại chính sách hỗ trợ trồng và phát triển cây cao su

Theo đại biểu Sùng A Hồ - Đoàn đại biểu huyện Sìn Hồ, hiện nay chính sách hỗ trợ trồng và phát triển cây cao su cho người dân còn nhiều bất cập. Cụ thể là giá khoán định mức đào hố và hạ đường đồng mức thấp và không có sự thay đổi cho phù hợp với mức trượt giá của thị trường hiện nay. Phần hỗ trợ cho người dân 5 triệu/1ha đất góp cổ phần chuyển đổi mục đích sử dụng hiện nay vừa thấp lại vừa chậm. Việc này khiến người dân không mặn mà tham gia vào việc trồng và phát triển cây cao su.

Theo ông Sùng A Hồ, năm 2011 kế hoạch trồng mới cây cao su của huyện Sìn Hồ là 3.500ha, đến nay do có một số khó khăn nên mục tiêu này đã được điều chỉnh xuống còn 2.500ha. Tuy nhiên thực tế đến thời điểm hiện tại, huyện Sìn Hồ mới trồng được trên 900ha và với những vướng mắc về chính sách như đã nêu trên có thể năm 2011 huyện chỉ thực hiện trồng mới được khoảng 2000ha cây cao su. Đại biểu Sùng A Hồ cho rằng, về lâu dài UBND tỉnh và phía các công ty cao su cần phải có sự thay đổi trong các chính sách này; đồng thời phải tiếp tục tăng cường việc tuyển chọn con em đồng bào các dân tộc vào làm công nhân công ty cao su và tính toán làm sao để cả 2 bên cùng có lợi khi chia lợi tức trong việc góp cổ phần.

Đồng chí Bùi Từ Thiện – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện chủ tọa kỳ họp yêu cầu chính quyền và các đơn vị liên quan xem xét lại một số vấn đề liên quan đến trồng và phát triển cây cao su như: thủ tục góp đất của dân vào các công ty cổ phần cao su hiện nay như thế nào? Chính sách cho người tham gia vào trồng cao su hiện nay thấp và chưa có sự thay đổi từ 2008 đến nay khiến bà con không hào hứng tham gia. Xem xét lại việc tuyển con em đồng bào địa phương vào làm công nhân công ty cao su bởi hiện nay con số này được thống kê ở toàn huyện Sìn Hồ trong suốt 4 năm chỉ có trên 100 người. Việc chăm lo đời sống tinh thần cho người công nhân cao su ở các lán trại cao su; chăm sóc bảo vệ, phòng dịch bệnh và phòng chống rét cho cây cao su cũng cần được quan tâm.

Giải trình về vấn đề này, ông Lê Trọng Quảng, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cho biết: Hiện nay vướng mắc trong chính sách hỗ trợ trồng và phát triển cây cao su đang là vướng chung ở nhiều địa phương chứ không phải riêng ở tỉnh ta. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có văn bản giao cho Bộ Công nghiệp chủ trì cùng với các ban, ngành, các địa phương để bàn và giải quyết. Về phía tỉnh, vừa qua cũng đã có văn bản đề nghị về một số vấn đề như: Định mức trồng cao su ở các tỉnh miền núi phía bắc và ở tỉnh ta không thể áp dụng theo định mức kỹ thuật như ở Nam bộ. Việc này hiện nay Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng đang xem xét; đối với vấn đề góp đất, hiện nay phía Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng đang xem xét thay đổi. Về phía tỉnh ta, hiện cũng đang bàn và xem xét về việc nâng mức hỗ trợ nên 10 triệu đồng/1ha hay chuyển sang ăn chia theo giá trị hoa lợi thu được. Riêng phần hỗ trợ trượt giá, tỉnh cũng đã làm việc với 2 công ty cao su trên địa bàn, yêu cầu họ báo cáo với tập đoàn để điều chỉnh đơn giá, đồng thời tỉnh cũng đã giao cho Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất và điều chỉnh lại mức hỗ trợ. Tuy nhiên cho đến nay, thì cả phía Tập đoàn Công nghiệp cao su và Sở Tài chính đều chưa có câu trả lới.

Cần rút kinh nghiệm về cách làm, cách thực hiện công tác di dân, tái định cư

Liên quan đến vấn đề chuẩn bị cho tái định cư thủy điện Lai Châu, đại biểu Lý Anh Hừ - Đoàn đại biểu huyện Mường Tè cho rằng, cần phải rút kinh nghiệm về cách làm, cách tổ chức thực hiện từ công tác tái định cư thủy điện Sơn La. Theo ông Hừ, toàn bộ công tác di dân tái định cư thủy điện Lai Châu trong thời gian tời đều nằm trên địa bàn huyện Mường Tè. Ngay từ đầu huyện đã xác định đây là một nhiệm vụ trong tâm. Tuy nhiên trong những năm qua khi tổ chức thực hiện tái định cư thủy điện Sơn La, huyện Mường Tè nhận thấy rằng cơ chế thì hay, hợp lý và thuận lòng dân. Nhưng khi đi vào triển khai thực tế thì lại có nhiều vấn đề mâu thuẫn, vướng mắc. Đặc biệt là những nội dung trong phần hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Ví dụ như khi tiến hành hỗ trợ sản xuất, có nhiều hộ có nhu cầu muốn mua máy cày nhưng trong văn bản quy định lại không có danh mục đã ghi nên không thể thực hiện được. Hay như việc hỗ trợ người dân mua trâu, đây cũng là hỗ trợ sản xuất, tuy nhiên khi hỗ trợ, văn bản, quy định lại chỉ cho cho ứng trước 50% số tiền hỗ trợ. Sau khi người dân mua bán với nhau và có hóa đơn thì nhà nước mới thanh toán nốt một nửa số tiền còn lại. Như vậy chỉ có một nửa số tiền hỗ trợ thì người dân không thể mua được trâu bởi sẽ chẳng có ai đồng ý bán chịu theo kiểu như vậy… Vì vậy, nếu cứ cứng nhắc thực hiện theo như văn bản quy định để thực hiện thì chắc chắn là nhiều vấn đề sẽ nảy sinh.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Dì A Xà – Đoàn đại biểu huyện Phong Thổ cho rằng, chủ trương của Chính phủ về tổ chức tái định cư cũng như chính sách hỗ trợ là rất hợp lý. Tuy nhiên, quá trình tổ chức, thực hiện lại có vấn đề; giữa tỉnh, huyện, chính quyền địa phương và người dân chưa có sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện.

Đại biểu Xà nhấn mạnh, sau nhiều năm tái định cư nhưng đến nay, ở khu tái định cư Huổi Luông huyện Phong Thổ vẫn còn những vướng mắc về chế độ chính sách chưa được các cơ quan chức năng giải quyết cho người dân. Đặc biệt là trong cách làm của Ban quản lý dự án tái định cư thủy điện Sơn La. Cụ thể trong quá trình thực hiện các dự án tái định cư và thực hiện hỗ trợ các chế độ chính sách, mặc dù Ban quản lý tái định cư đã nhiều lần xuống xem xét, kiểm tra thực tế. Tuy nhiên khi thực hiện thì Ban lại bảo dân không hợp tác. Thật ra không phải là Ban không hợp tác mà ở đây là trách nhiệm của Ban, Ban làm chưa thống nhất, khi làm không bàn bạc, thống nhất hay xin ý kiến của dân. Có nhiều lần cán bộ Ban xuống gặp dân nhưng họ lại thiếu trách nhiệm với dân, thiếu trách nhiệm với công việc.

Theo đại biểu Xà, vấn đề này cần phải được xem xét lại bởi từ đây chúng ta còn cần phải rút kinh nghiệm để từ đó thực hiện tốt công tác này hơn khi tiến hành tổ chức tái định cư cho thủy điện Lai Châu.

Về vấn đề này ông Lê Trọng Quảng, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định: Trong mấy năm thực hiện tái định cư thủy điện Sơn La, Huội Quảng – Bản Chát các cấp các ngành đã hết sức cố gắng, thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Trong quá trình thực hiện, về chế độ chính sách tỉnh đã có hàng chục quyết định để cụ thể hóa và có thể nói chính sách đó đã đi vào cuộc sống. Tuy bên cạnh đó còn một số vướng mắc như các đại biểu đã nêu trên song tôi cho rằng việc chỉ đạo giữa tỉnh, huyện và xã là thống nhất. Còn vướng mắc ở chính sách bồi thường đất đai và hỗ trợ sản xuất, tôi cho rằng cái này chủ yếu là do nghiên cứu vận dụng của Ban quản lý dự án tái định cư thủy điện Sơn La, việc này tỉnh sẽ cho kiểm tra.

Lâm Trần – Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...