Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội
Ông Bùi Đức Thụ - đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu phát biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.
Hầu hết các ý kiến của đại biểu đều khẳng định, trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước có nhiều bất ổn, lạm phát, nợ công tăng cao, thiên tai bão lũ xảy ra liên tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của nước ta nhưng Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp tích cực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều đại biểu cho rằng, nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai là rất lớn, vùng nông thôn chậm phát triển… Bởi vậy, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu cơ cấu lại mùa vụ, ổn định an ninh lương thực, nâng cao chất lượng, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm tiềm năng nông - thủy sản; không nên cắt giảm đầu tư các dự án giao thông nông thôn, xây dựng đê, kè chắn lũ, ngăn nước mặn, công trình thủy lợi, hỗ trợ ngành cơ khí sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp…
Xây dựng nông thôn mới đang được triển khai với ý nghĩa chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài. Nhưng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước phải gắn với vận động sự đóng góp từ nhân dân. 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhiều nơi rất khó đạt. Do đó, bước đầu Chính phủ nên xem xét giảm bớt tiêu chí trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Trong xây dựng vùng kinh tế cần có sự liên kết vùng tạo sự gắn kết giữa các địa phương. Từ đó, tạo điều kiện cho các tỉnh chia sẻ khó khăn, hỗ trợ trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu cạnh tranh không cần thiết, tránh cục bộ địa phương. Cùng với xây dựng tiêu chí cho vùng đặc biệt khó khăn có cơ sở phấn đấu vươn lên với tiếp tục cân đối ngân sách triển khai Chương trình 135/Cp cho các vùng này.
Đại biểu Bùi Đức Thụ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu nêu ý kiến: Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH là nhiệm vụ của ngân sách Nhà nước rất lớn, chỉ tính nhu cầu ngân sách để hoàn thiện các dự án công trình đang khởi công, đang trong giai đoạn cần thiết thì đã lớn gấp hai, thậm chí đến ba lần khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước. Việc đình hoãn giãn, giảm các dự án đầu tư cũng như giảm tỷ lệ đầu tư công sẽ dẫn đến tình trạng các công trình dở dang chuyển tiếp sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Việc chuyển đổi các hình thức đầu tư là cần thiết nhưng trên thực tế không đơn giản, nhất là nhiều ngành, nhiều lĩnh vực ở một số tỉnh vùng sâu, vùng xa thì việc chuyển hình thức đầu tư từ đầu tư Nhà nước sang đầu tư của các thành phần kinh tế khác là hết sức khó khăn.
Một số chỉ tiêu như chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 dự kiến tăng 12 - 13,1% là quá thấp. Qua xem xét 10 năm gần đây tốc độ tăng xuất khẩu của luôn đạt từ 17% - 20%. Vì vậy đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu này cho phù hợp hơn.
Để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn để kiểm soát tình trạng tài chính, chủ động sắp xếp lại các loại hình doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại.
Việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đem lại kết quả mong đợi, đặc biệt trong những tháng gần đây chỉ số lạm phát đã giảm xuống đó là những tín hiệu đáng mừng, nhưng bên cạnh đó Nghị quyết 11 cũng đặt lên nhiều vấn đề cần phải được xem xét giải quyết như tiêu chí cắt giảm các dự án công trình, đình hoãn giãn tiến độ đối với các dự án đó cũng chưa thật hợp lý đối với từng địa phương. Đề nghị Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 11 để rà soát, hoàn thiện để thực hiện trong năm 2012 hiệu quả hơn.
Hoa Ban
Bình luận