Thứ năm, 12/12/2024, 09:24 [GMT+7]

Lãnh đạo các ngành trả lời đi thẳng vào vấn đề, nghiêm túc nhận khuyết điểm

Thứ bảy, 16/07/2011 - 14:28'
(BLC) – Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIII, các đại biểu đã chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm, lãnh đạo các ngành trả lời thẳng thắn và nghiêm túc nhận trách nhiệm.

Đại biểu Tòng Thị Đoan – Tổ đại biểu huyện Than Uyên hỏi: Theo Quyết định 979/QĐ-UBND ngày 21/7/2009 của UBND tỉnh, Dự án án năng lượng nông thôn II (RE.II) mở rộng phần hạ áp tỉnh Lai Châu được triển khai ở 2 xã: Mường Than, Phúc Than (huyện Than Uyên). Theo Quyết định số 175/QĐ-UBND ngày 24/12/2010 của UBND tỉnh về việc gia hạn hợp đồng thi công gói thầu thì dự kiến sẽ hoàn thành thi công, xây lắp trong tháng 12/2010 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai và thực hiện. Cử tri muốn biết nguyên nhân tại sao và đến bao giờ nhân dân mới có điện để sử dụng? Đề nghị Giám đốc Sở Công thương làm rõ vấn đề này?

Ông Nguyễn Sỹ Chín – Giám đốc Sở Công thương trả lời:

Theo Quyết định số 1976/QĐ-UBND ngày 9/12/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Dự án năng lượng nông thôn  II mở rộng phần hạ áp tỉnh Lai Châu. Chủ đầu tư: UBND tỉnh. Hình thức quản lý dự án: Ban QLDA ngành Công thương điều hành. Quy mô dự án: đầu tư xây dựng mới 21,5km đường dây 0.4Kv, phục vụ 1.097 hộ sử dụng điện với tổng vốn đầu tư 10,8 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và nguồn vốn đối ứng của tỉnh. Dự án được triển khai tại 3 xã thuộc 2 huyện Tam Đường và Than Uyên. Xã Mường Than được xây dựng mới 4,5Km đường dây 0,4Kv, phục vụ 218 hộ thuộc các bản bản: Sen đông 1, Sen Đông 2, bản Đông, bản Giằng, bản Lẳn 1, bản Lẳn 2. Xã Phúc Than được xây dựng mới 8.478Km đường dây 0,4Kv phục vụ cho 497 hộ tại các xã: Sắp Ngụa 1, Sắp Ngụa 2, Nà  Phát, Sang Ngà.

Đơn vị điều hành dự án được một số công việc như sau: Phối hợp với UBND các huyện nơi hưởng thụ Dự án bàn giao mặt bằng hướng tuyến giao cho nhà thầu thi công. Chỉ đạo nhà thầu thi công xong các hạng mục như: dựng cột, lắp đặt xà sứ tại 3 xã trong dự án. Còn hạng mục kéo dây và lắp đặt côngtơ chưa thực hiện được do: Theo quy định của Ngân hàng Thế giới, gói thầu mua sắm dây dẫn, côngtơ phải đấu thầu quốc tế và thủ tục đấu thầu phải xin ý kiến chấp thuận của đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ngày 30/3/2010 hợp đồng nêu trên được ký kết và có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2010.

Theo nội dung của hợp đồng, chủ đầu tư có trách nhiệm ứng ứng trước vốn 10% giá trị hợp đồng cho nhà thầu. Để đáp ứng điều kiện về vay vốn, chủ đầu tư phải thỏa thuận với Bộ Tài chính và đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Đến hết ngày 6/12/2011 chủ đầu tư mới thỏa thuận được với Bộ tài chính và ký khế ước vay vốn với Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Lai Châu về nguồn vốn thực hiện hợp đồng triển khai dự án nêu trên. Do quá thời hạn hợp đồng mà không đáp ứng điều kiện về vốn cho nhà thầu theo nội dung đã ký kết nên gói thầu mua sắm dây dẫn, côngtơ đã bị nhà thầu đơn phương chấm dứt hợp đồng.

UBND tỉnh đã có quyết định gia hạn thời hạn thực hiện hợp đồng đến quý II năm 2011, đồng thời chỉ đạo Sở Công thương tiếp tục đôn đốc nhà thầu tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Như do ảnh hưởng của lạm phát nên giá trị gói thầu nêu trên không đáp ứng được điều kiện để nhà thầu triển khai thực hiện. Để tiếp tục thực hiện dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương triển khai đấu thầu lại gói thầu cung cấp dây dẫn và côngtơ thuộc Dự án năng lượng nông thôn II mở rộng phần hạ áp tỉnh Lai Châu. Dự kiến gói thầu mua sắm dây dẫn, côngtơ khi lựa chọn được nhà thầu theo quy định đấu thầu quốc tế, đơn vị điều hành, quản lý dự án tổ chức thực hiện và bàn giao đóng điện cho nhân dân trong tháng 12/2011.

Đại biểu Tòng Thị Đoan – Tổ đại biểu huyện Than Uyên hỏi: Trên 800 hộ dân khu vực xã Mường Than đang sử dụng điện Nà Khằm do Chi nhánh điện nước Than Uyên thuộc Công ty TNHH Xây dựng và Cấp nước Lai Châu cung cấp. Hiện tại điện áp thấp không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng điện của nhân dân, cử tri xã Mường Than được biết UBND tỉnh có Quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 26/2/2009 về việc thành lập tổ bàn giao và tiếp nhận lưới điện trên địa bàn tỉnh và Sở Công thương có văn bản số 253/SCT-ĐN ngày 11/3/2009 gửi UBND huyện Than Uyên, Công ty TNHH Xây dựng và Cấp nước Lai Châu có nội dung thời gian tiến hành bàn giao và tiếp nhận từ ngày 23/3/2009 đến ngày 25/3/2009. Ngày 23/7/2009 Công ty TNHH Xây dựng và Cấp nước Lai Châu và Điện lực Lai Châu đã làm biên bản giao nhận. Thực tế đến nay chưa bàn giao đường dây 10Kv để đóng điện đảm bảo điện áp phục vụ nhân dân. Vậy nhân dân xã Mường Than muốn biết lý do tại sao? Bao giờ nguyện vọng của nhân dân mới được thực hiện?

Ông Nguyễn Sỹ Chín – Giám đốc Sở Công thương trả lời: Ngày 23/7, Công ty TNHH Xây dựng và Cấp nước Lai Châu và Điện lực Lai Châu đã hoàn thiện các thủ tục bàn giao lưới điện 10Kv và đã được UBND phê duyệt tại Quyết định số 2210/QĐ-UBND ngày 30/12/2009. Sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực Lai Châu đã tập trung đầu tư xây dựng 1 Trạm biến áp trung gian 560KVA – 35/10KV để cấp nguồn điện quốc gia cho lưới điện 10Kv Thủy điện Nà Khằm, đến nay đã thực hiện xong. Tuy nhiên việc hòa lưới điện 10Kv của Thủy điện Nà Khằm với lưới điện quốc gia chưa thực hiện được vì chưa đủ thiết bị đồng bộ.

Để đảm bảo được chất lượng điện áp cung cấp phục vụ nhân dân xã Mường Than, Công ty Điện lực Lai Châu và Công ty Xây dựng và Cấp nước Lai Châu sẽ thống nhất triển khai phương án cấp điện độc lập giữa Thủy điện Nà Khằm và lưới điện quốc gia trước ngày 30/9/2011.

Đại biểu Tòng Thị Đoan – Tổ đại biểu huyện Than Uyên hỏi:

Tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Lai Châu khóa XII đã có một câu hỏi chất vấn Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh về Dự án nước sạch của 11 thôn, bản xã Mường Than do Sở làm chủ đầu tư và đã được Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh trả lời hướng khắc phục. Nhưng đến nay dự án đó vẫn chưa được kiểm tra và khắc phục. Cử tri xã Mường Than muốn biết dự án đó bao giờ mới được khắc phục? Nhân dân bao giờ mới có nước để dùng?

Ông Đào Ngọc Hưởng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh trả lời:

Như đã trả lời tại kỳ họp HĐND tỉnh năm 2010, Công trình cấp nước sinh hoạt xã Mường Than được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt tại Quyết định số 1213/QĐ-UBND ngày 22/8/2008. Trước khi được phê duyệt, công trình đã được các cơ quan chuyên môn (Chi cục Thủy lợi, Sở Kế hoạch & Đầu tư) thẩm định công trình đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 11 thôn bản của xã Mường Than với 2.800 nhân khẩu và khoảng 532 học sinh, giáo viên trên địa bàn. Công trình được bàn giao cho UBND xã Mường Than quản lý sử dụng ngày 24/5/2009.

Sau khi bàn giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường cùng với tổ chức SNV đã tập huấn, hướng dẫn quản lý vận hành cho tổ chức quản lý công trình của xã. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND xã và kiểm tra của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường, công trình hoạt động chưa hiệu quả do: quy mô công trình lớn, địa bàn rộng, phức tạp. Nhân dân sử dụng nước không tiết kiệm dẫn đến thất thoát nước. Đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, không điều tiết nước cho các thôn bản. Có tranh chấp nguồn nước cho sinh hoạt và nhà máy phát điện. Ngày 27/11/2009 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/2009/QĐ-UBND về việc tổ chức quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn do Nhà nước đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngày 30/9/2010 Sở NN&PTNT tỉnh đã có Công văn số 423/SNN-NS gửi UBND huyện Than Uyên về việc cho phương án quản lý công trình. Tuy nhiên, UBND huyên Than Uyên chưa có ý kiến, vẫn để UBND xã quản lý sử dụng. Sở NN&PTNT xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Tòng Thị Đoan và sớm bàn với UBND huyện Than Uyên để có hướng quản lý, sử dụng hiệu quả.

Đại biểu Tao Văn Ún – Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ hỏi: Cử tri xã vùng thấp huyện Sìn Hồ kiến nghị với UBND tỉnh, Ban QLDA bồi thường di dân tái định cư (TĐC) tỉnh về việc di dân TĐC của khu vực vùng thấp huyện Sìn Hồ hiện nay đã di chuyển xong từ năm 2008 nhưng chưa quy hoạch nghĩa địa cho nhân dân trong xã Nậm Tăm. Theo Ban QLDA bồi thường di dân TĐC tỉnh thông báo là đến tháng 8/2011 mực nước lòng hồ sẽ ngập đến cốt 215, đồng nghĩa với khu nghĩa địa của 6 bản (Nậm Ngập, Hua Nà, Nà Tăm 1, Phiêng Chá, Phiêng Lót và bản Pậu) của xã Nậm Tăm sẽ ngập hoàn toàn. Đề nghị UBND tỉnh và Ban QLDA bồi thường di dân TĐC tỉnh cho biết nếu nước ngập mà mộ chưa được di chuyển đến nơi khác thì giải quyết ra sao? Việc bồi thường cho nhân dân như thế nào?

Ông Đặng Bá Phong – Trưởng Ban QLDA bồi thường di dân TĐC tỉnh trả lời:

Theo quy hoạch chi tiết được duyệt, tháng 3/2011 chủ đầu tư đã cùng đơn vị tư vấn thiết kế, già làng, trưởng bản và chính quyền xã đã tiến hành khảo sát vị trí khu nghĩa địa tại tất cả các khu điểm TĐC xã Nậm Tăm và xã Nậm Hăn theo đề xuất của nhân dân. Trên cơ sở ý kiến đề xuất của nhân dân và tiêu chuẩn quy chuẩn thiết kế, chủ đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh và có ý kiến chính thức như sau: các vị trí đề xuất của địa phương không phù hợp tiêu chuẩn quy chuẩn thiết kế (gần sát đường giao thông liên vùng, quá gần khu dân cư, sát ngay lòng hồ…) không đảm bảo yêu cầu về cảnh quan và vệ sinh môi trường. Đối với các bản thuộc điểm TĐC trung tâm xã và trumg tâm cụm xã Nậm Tăm (bản Hua Nà, Nà Tăm 1, Phiêng Chá, bản Pậu, bản Phiêng Lót) đã lựa chọn được vị trí khảo sát thiết kế chuẩn bị thi công và sẽ cơ bản hoàn thành trong tháng 8/2011 (trước khi ngập nước).

Đối với điểm TĐC Nậm Ngập: Sau khi vị trí đề xuất của nhân dân không đạt yêu cầu, chủ đầu tư đã đề nghị bản tiếp tục lựa chọn. Song do điều kiện khó khăn về vị trí địa hình, địa chất. Đến nay chưa thống nhất được vị trí để xây dựng. Chủ đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với già làng, trưởng bản Nậm Ngập và chính quyền địa phương xã Nậm Tăm sớm có phương án, triển khai xây dựng và sẽ cơ bản hoàn thành trong tháng 8/2011 (trước khi nước ngập) đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

Về việc bồi thường mồ mả đã chi trả xong theo đúng quy định

Đại biểu Dì A Xà – Tổ đại biểu huyện Phong Thổ hỏi: Việc thanh toán, đền bù số tiền còn lại hỗ trợ sản xuất cho 3 bản TĐC của xã Huổi Luông là Chiềng Xa, Chiềng Nưa và Thèn Chồ chưa được thực hiện. Đề nghị Ban QLDA bồi thường di dân TĐC tỉnh cho biết bao giờ thanh toán cho dân?

Ông Đặng Bá Phong – Trưởng Ban QLDA bồi thường di dân TĐC tỉnh trả lời:

Khu TĐC Huổi Luông là khu TĐC đầu tiên tỉnh ta thực hiện việc hỗ trợ sản xuất (HTSX), bồi thường di dân TĐC và cũng là làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Năm 2008, chủ đầu tư đã hoàn thành chế độ HTSX đợt 1 cho 150 hộ (1.953.057.000 đồng). Số tiền HTSX còn lại 872 triệu đồng, sau nhiều lần triển khai, nhân dân đều không phối hợp với chủ đầu tư làm thủ tục theo quy định mà đề nghị lấy tiền mặt, trái với quy định, không giải quyết được dẫn đến kéo dài. Đến tháng 7/2011, các hộ dân mới tiến hành đăng ký HTSX phần kinh phí còn lại và làm các thủ tục theo quy định. Đến nay phương án HTSX đã được phê duyệt. Chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục để giải ngân xong trong tháng 7/2011. Việc HTSX trên tất cả các điểm, khu TĐC đến nay các phương án HTSX đã được phê duyệt, Ban QLDA bồi thường di dân TĐC tỉnh đang tiến hành làm thủ tục giải ngân chậm nhất trong tháng 8/2011.

Đại biểu Dì A Xà – Tổ đại biểu huyện Phong Thổ hỏi: Việc nâng cấp quốc lộ 4D hiện đã dừng thi công. Đề nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh cho biết tại sao và hướng giải quyết tiếp theo?

Ông Phạm Ngọc Phương – Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh trả lời:

Sở GTVT được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường quốc lộ 4D (Km0 – Km89), điểm đầu Km0 tại ngã ba Pa So – huyện Phong Thổ, điểm cuối Km89 tiếp giáp với SaPa – tỉnh Lào Cai. Tổng mức đầu tư của dự án là 879 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Kế hoạch vốn đã bố trí cho dự án đến năm 2011 là 437 tỷ đồng, đạt 50% so với tổng mức đầu tư. Tiến độ thực hiện: khởi công năm 2008, hoàn thành năm 2012. Dự án gồm 16 gói thầu xây lắp, đến nay đã hoàn thành xong 3/16 gói thầu, các gói còn lại đã thi công xong nền đường, kè, cống thoát nước, lớp base móng đường, một số gói thầu đã thảm bêtông nhựa được 2/3 gói thầu, khối lượng thi công toàn dự án ước đạt 80%.

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ GTVT đã có công điện số 12/BGTVT-KHĐT ngày 29/3/2011 tạm thời đình hoãn thi công một số dự án, trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4D (Km0 – Km89). Sau khi nhận được công điện của Bộ GTVT, Sở GTVT tỉnh đã kiến nghị với Bộ GTVT bố trí vốn và cho tiếp tục thi công dự án để hoàn thành vào cuối năm 2012, nhưng đến nay vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT.

Do dự án phải đình hoãn thi công nên một số đoạn tuyến đã rải base chưa thảm được bêtông nhựa, dẫn đến việc xuất hiện các ổ gà gây khó khăn cho các phương tiện và người tham gia giao thông. Sở GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu kiểm tra, khắc phục để đảm bảo giao thông. Vậy Sở GTVT mong UBND các huyện, thị xã, các đại biểu HĐND cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh biết, chia sẻ những khó khăn mà Sở GTVT đang vướng mắc.

Đại biểu Vương Văn Thắng – Tổ đại biểu huyện Tam Đường hỏi: Trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XII vẫn xác định sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong khi đó trên 90% dân số nông thôn ở Lai Châu vẫn sống nhờ vào nông – lâm nghiệp. Trong những năm qua tỉnh ta đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua các loại giống (cây, gia súc, thủy sản…) ở ngoài tỉnh (do chúng ta vẫn chưa sản xuất được giống tại chỗ). Ngành NN&PTNT với chức năng tham mưu giúp tỉnh và tổ chức thực hiện việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sở đã có chiến lược, kế hoạch, giải pháp gì để sản xuất, khảo nghiệm, ứng dụng các loại giống, đưa khoa học, kỹ thuật giúp người nông dân Lai Châu xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu trong thời gian tới?

Ông Đào Ngọc Hưởng – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh trả lời:

Trong những năm qua với chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện việc phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành NN&PTNT đã khắc phục mọi khó khăn và đạt được kết quả sau:

Đã đưa các giống mới năng suất cao, chất lượng cao vào trồng (các giống lúa LC: 212, 25, 270; Bio 404; nhị ưu 838 sản xuất tại Việt Nam… Các giống ngô CP: 999, 989… Các giống chè chất lượng cao như: kim tuyên, phúc vân tuyên, bát tiên). Việc đưa các giống mới vào sản xuất đã góp phần tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng.

Lĩnh vực chăn nuôi: Đưa các giống gia súc, gia cầm mới như lợn hướng nạc, lợn móng cái, gà lương phượng, tam hoàng vào chương trình cải tạo giống vật nuôi, phát triển mô hình chăn nuôi lơn, gà, vịt thương phẩm, đảm bảo an toàn sinh học… đã cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn so với giống địa phương. Ngành đã áp dụng các tiến bộ khoa học nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa. Như thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi đại gia súc, sau 4 năm thực hiện chất lượng đàn bò tại địa phương đã được nâng cao theo hướng Zêbu hóa, thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 470 bò cái và số bê sinh ra bằng phương pháp này là 214 con, bố bê được sinh ra do đực Zêbu phối trực tiếp là trên 200 con.

Lĩnh vực thủy sản: Năm 2006 đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi cá hồi thương phẩm bằng sự kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa, đến nay mô hình đã được nhân rộng tại các huyện trong tỉnh như: Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường với sản lượng hàng năm đạt trên 50 tấn. Hiện nay tỉnh đang tiến tới nuôi thử nghiệm cá tầm thương phẩm tại huyện Tam Đường, Phong Thổ mở ra hướng đi mới trong thời gian tới để mở rộng phát triển ngành nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh. Năm 2009 – 2010 kết hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I thực hiện thành công chuyển giao KHKT sản xuất giống cá rôphi đơn tính đực tại tỉnh, góp phần chủ động nguồn con giống đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại tỉnh đã có Quyết định số 1620/QĐ-UBND ngày 2/12/2010 về thành lập Trung tâm Giống nông nghiệp để thực hiện khảo nghiệm, ứng dụng, bảo tồn, sản xuất và chuyển giao tiến bộ KHKT giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh tiếp tục đưa vào trồng thử nghiệm các giống mới (vụ mùa năm 2011) như giống lúa DS-1, Japonica, QR1, TBR45, TBR36, BC15, nghi hương 305, hương ưu 3068, DT45, nam ưu 603… Giống ngô: A88, HN88… đặc biệt giống ngô (thịnh ngô số 10) chịu lạnh trồng ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Sở cũng đang hoàn tất các thủ tục đưa Trung tâm Giống Nông nghiệp vào hoạt động nhằm chủ động nguồn giống phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đang tiến hành xây dựng Đề án Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2011 – 2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu nhằm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi toàn quốc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/2/2008. Xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm cơ sở đảm bảo về số lượng và chất lượng đủ khả năng giải quyết các vấn đề về nông lâm nghiệp cơ sở. Đang tiến hành rà soát để hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy đối với thú y, thủy sản, phòng nông nghiệp của Sở nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động trong công tác phát triển chăn nuôi, thú y, thủy sản.

Đại biểu Tẩn Vản Pao – Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ hỏi: Ngân sách Lai Châu hàng năm bố trí 2 tỷ đồng/năm cho việc nghiên cứu thực hiện các đề tài khoa học phục vụ ứng dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống, vật chất cho đồng bào nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Việc sử dụng ngân sách này có hiệu quả không? Trong vòng 5 năm trở lại đây bao nhiêu đề tài khoa học được ứng dụng vào thực tế? xin cho biết 2-3 ví dụ và nêu rõ nội dung, địa chỉ, cơ quan thực hiện để Mặt trận Tổ quốc và các đại biểu biết, giám sát?

Ông Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh trả lời:

Trong 5 năm trở lại đây ngân sách KH&CN được UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN như sau. Năm 2006 là 2.508 triệu đồng; năm 2007: 2.500 triệu đồng; năm 2008: 2.006 triệu đồng; năm 2009: 1.407 triệu đồng; năm 2010: 2.639 triệu đồng; năm 2011: 5.120 triệu đồng. Kinh phí sự nghiệp khoa học giao hàng năm phục vụ chi hoạt động sự nghiệp của 2 trung tâm đó là: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ và chuyển giao công nghệ; Trung tâm tin học, thông tin KH&CN. Tổng số đề tài dự án cấp tỉnh triển khai 5 năm gần đây là 44 đề tài, chia thành 5 lĩnh vực: khoa học xã hội và nhân văn (8 đề tài); khoa học nông nghiệp (26 đề tài, dự án); khoa học tự nhiên (5 đề tài); khoa học kỹ thuật và công nghệ (2 đề tài); khoa học y dược (3 đề tài), 100% đề tài là nghiên cứu, ứng dụng. Đã có 65 quy trình công nghệ được chuyển giao vào địa phương; 194 lớp tập huấn với trên 9.384 lượt người tham gia; 73 Hội thảo KHCN với trên 3.240 lượt người tham gia.

Ví dụ: Đề tài “Hoàn thiện hệ thống chính sách tạo động lực để có bước phát triển đột phá và vững chắc kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu giai đoạn 2008 – 2015 và tầm nhìn 2010”; “Ứng dụng đồng bộ tiến bộ KHCN thâm canh tăng vụ một số cây trồng và phát triển vùng ngô hàng hóa thuộc xã Mường Than, Mường Kim, Ta Gia huyện Than Uyên”…

Đại biểu Tẩn Vản Pao – Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ hỏi: Trong quá trình xét, tuyển chọn các tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài khoa học tại các Quyết định 322 ngày 16/3/2011 như sau: Nội dung 1, tại danh mục đề tài cấp tỉnh thực hiện đến năm 2011. Đề tài: “Nghiên cứu việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa vùng đồng bào dân tộc Dao ở Lai Châu” đảm bảo tính công bằng, công khai dân chủ chưa? Đúng các quy định của Sở hoặc của Bộ Khoa học chưa. Đề nghị giải thích rõ vấn đề này? Cho biết trình độ chuyên môn của 2 ủy viên phản biện tại Hội đồng xét, tuyển chọn đề tài khoa học ngày 17/5/2011?

Ông Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh trả lời: Việc tuyển chọn đề tài “Nghiên cứu việc giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa vùng đồng bào dân tộc Dao ở tỉnh Lai Châu”. Sau khi tỉnh ra Quyết định phê duyệt các đề tài, dự án cấp tỉnh thực hiện từ năm 2011 của tỉnh Lai Châu tại số 322/QĐ-UBND, ngày 16/3/2011. Do 7 đề tài, dự án đều là doanh mục tuyển chọn nên Sở KH&CN đã đăng tải thông báo về việc thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án cấp tỉnh. Đến hết thời gian quy định đối với đề tài trên có 2 hồ sơ tham gia tuyển chọn đề tài, trong đó có 1 hồ sơ hợp lệ được đưa vào tuyển chọn, 1 hồ sơ bị loại sai tên danh mục (danh mục của Mặt trận Tổ quốc tỉnh). Do MTTQ  tỉnh là đpn vị đề xuất tên nhiệm vụ. Tên nhiệm vụ đã được đưa ra Hội đồng KH&CN tỉnh chỉnh sửa, bổ sung lại thành tên như Quyết định phê duyệt. Nên Sở KH&CN tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho MTTQ tỉnh được chỉnh sửa lại thuyết minh đề cương. Tuy nhiên trước ngày tuyển chọn 1 ngày (ngày 16/5/2011) MTTQ tỉnh mới nộp hồ sơ thuyết minh đến Sở KH&CN do vậy các thành viên Hội đồng không có tài liệu để nghiên cứu trước và nhận xét hồ sơ.

Ngày 17/5/2011, Hội đồng KH&CN tư vấn tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học xã hội và nhân văn cấp tỉnh năm 2011 đã tiến hành họp tuyển chọn đề tài nói trên theo Quyết định số 28/QĐ-SKHCN ngày 9/5/2011 và xin ý kiến của Hội đồng xem có đồng ý đưa Hồ sơ của MTTQ tỉnh vào tuyển chọn. Hội đồng đã đồng ý. Việc tuyển chọn được thực hiện theo quy định hồ sơ nào có số điểm cao hơn trúng tuyển (Hội Văn học Nghệ thuất được 84 điểm, MTTQ tỉnh được 74 điểm)

Về trình đồ chuyên môn 2 Ủy viên phản biên: trong Quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn đề tài nói trên 2 đồng chí: Thạc sỹ Vũ Văn An – Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đồng chí Bùi Xuân Thu – Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy được cử làm Ủy viên phản biện. So với Luật KH&CN, Quy chế tuyển chọn, trình độ chuyên môn của 2 đồng chí là hoàn toàn phù hợp.

Phương Ly – Lâm Trần

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...