Thứ tư, 11/12/2024, 14:45 [GMT+7]

Kẻ cầm đầu vụ làm loạn của CĐV Serbia bị bắt

Thứ năm, 14/10/2010 - 15:08'
Igor Bogdanov là một hooligan quá khích bậc nhất ở Serbia. 

>> Hoãn trận Italy - Serbia / Cận cảnh vụ náo loạn / Uẩn khúc sau vụ làm loạn

Vụ cổ động viên gây náo loạn ở Genova hôm 12/9 không chỉ làm hỏng trận vòng loại Euro 2012 giữa chủ nhà Italy với Serbia, mà còn khiến 16 người, trong đó có 2 cảnh sát, bị thương và phải nhập viện. Cảnh sát Italy vì thế đã ra lệnh bắt và giam 17 CĐV, gồm 16 người Serbia và một người Italy.

Cảnh sát trưởng Genova, Sebastiano Salvo cho biết Igor Bogdanov chính là kẻ cầm đầu vụ làm loạn trên sâng Luigi Ferraris. Kẻ quá khích này khi đó đội mũ trùm kín đầu, trèo lên rào chắn, cắt đứt màng lưới bên trên hàng rào. Từ chỗ cắt này, Bogdanov và đồng bọn đã liên tục oanh tạc pháo sáng và bom khói xuống mặt sân.

Theo truyền thông Serbia, Bogdanov là kẻ cầm đầu nhóm hooligan hiếu chiến nhất trong số những người hâm mộ đội bóng Red Star Belgrade và từng có tiền sự. Tên này hiện bị giam trong một nhà tù ở Genova và đối mặt với 3 cáo buộc: kích động bạo lực, phá hoại và chống người thi hành công vụ.

Bogdanov kích động đám đông khi trèo lên hàng rào kính ở sân Luigi Ferraris. Ảnh: Gazzetta dello Sport.
Bogdanov làm loạn trên sân Ferraris và khi bị bắt.

Các hình xăm loang lổ trên hai cánh tay của tên hooligan này là dấu hiệu để cảnh sát Italy tìm kiếm và lật mặt hắn. Khi khám xét một chiếc xe bus, cảnh sát đã yêu cầu tất cả CĐV Serbia phải cởi trần để tìm hình xăm. Bogdanov đã tính đến khả năng đó và trốn trong một ngăn bí mật ở gần động cơ, nhưng không thoát được.

Trong khi đó quan chức an ninh của Italy và Serbia ra sức đổ lỗi cho nhau khi xảy ra cơ sự. Bộ trưởng nội vụ Serbia Ivica Dacic nặng lời chỉ trích phía chủ nhà bất lực và vô trách nhiệm trong việc ngăn chặn bạo loạn. "Phía Italy đã được cảnh báo về những nguy cơ từ trận đấu vài giờ trước đó, nhưng họ chẳng làm gì để ngăn chặn. Các cầu thủ Italy thì dường như không muốn thi đấu".

Đáp lại, người đứng đầu bộ phận an ninh của ban tổ chức trận đấu bên phía Italy, Roberto Massucci quả quyết bộ phận của ông không hề nhận được cảnh báo. Ông này giải thích việc cảnh sát chống bạo động Italy không tiến vào khu khán đài của CĐV Serbia vì không muốn đám đông hoảng loạn giẫm đạp lên nhau.

"Những sự cố dẫn đến nhiều cái chết tang thương vì cảnh các CĐV giẫm đạp lên nhau trong quá khứ ở sân Heysel hay ở Đức gần đây là bài học mà chúng tôi không thể bỏ qua", Massucci phân trần.

Theo nhân vật này, cảnh sát Italy có nhận một thông báo từ Interpol trước trận đấu. Nhưng bản thông báo đó chỉ đề cập tới số lượng CĐV Serbia dự kiến đến sân và không có bất kì chi tiết nào về mức độ nguy hiểm của các CĐV này. Massucci cũng khẳng định ông không nhận được bất kỳ cảnh báo nào từ đại diện LĐBĐ và cảnh sát Serbia trong phiên họp với đại diện của UEFA trước trận.

Tuy nhiên, phía Serbia cũng đã đưa ra lời xin lỗi chính thức thông qua Ngoại trưởng Vuk Jeremic. Ông này nhấn mạnh Italy là một trong những nước ủng hộ mạnh nhất cho Serbia trong nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và khẳng định chính phủ Serbia sẽ mạnh tay áp dụng những biện pháp triệt để nhất để giải quyết tình trạng hooligan trong bóng đá.

Một số quan chức Serbia cho rằng các fan làm loạn ở Genoa thuộc một nhóm cực hữu từng đụng độ với cảnh sát ở Belgrade chủ nhật tuần trước. Vụ đụng độ này để lại hậu quả nghiêm trọng với hơn 150 người bị thương và cả một thị trấn bị tàn phá nghiêm trọng.

Phía Italy quả quyết vụ việc đáng tiếc xảy ra vì họ không được cảnh báo về mức độ quá khích của các CĐV Serbia. Ảnh: AFP.
Cả Serbia lẫn Italy đều đối mặt với mức phạt từ UEFA.

Tomislav Karadzic, người đứng đầu LĐBĐ Serbia (FSS), thì tin rằng vụ bạo loạn ở Genova hoàn toàn có chủ ý và đã được các hooligan lên kế hoạch trước từ khi còn ở Belgrade. Karadzic cho biết FSS sẽ nhóm họp và sẵn sàng đón nhận quyết định từ UEFA sau khi tổ chức này xem xét báo cáo của tổ trọng tài và giám sát trận đấu ở Genoa để đưa ra hình thức kỷ luật.

Năm 2007, UEFA từng xử cho Thụy Điển thắng 3-0 sau sự cố một CĐV Đan Mạch lao xuống sân tấn công trọng tài chính Herbert Fandel trong trận vòng loại Euro 2008 ở Copenhagen. Trước đó hai năm, Inter Milan cũng bị phạt chơi 4 trận trên sân nhà không khán giả, còn AC Milan thì được xử thắng 3-0 sau sự cố các CĐV ném pháo sáng xuống sân và trúng đầu thủ môn Milan, Dida trong trận derby thành Milano ở tứ kết Champions League.

Phía Italy cũng có thể bị kỷ luật - dù chỉ ở mức độ răn đe và cảnh cáo, bởi với tư cách là chủ nhà, họ phải chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho trận đấu. "Chúng tôi hoàn toàn thanh thản và tự tin chờ đợi phán quyết của UEFA. Phía Italy, bao gồm cảnh sát, Liên đoàn bóng đá và các bên liên quan đã làm tất cả những gì có thể", Tổng thư ký LĐBĐ Italy (FIGC) Antonello Valentini phát biểu.

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...