Nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong trường học
Trường THCS thị trấn Mường Tè là đơn vị đi đầu trong việc thành lập CLB để phục dựng, duy trì các những điệu múa, trò chơi dân gian đem bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với các hoạt động của nhà trường. Thầy giáo Nguyễn Văn Nghị - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Mường Tè cho biết: 100% các lớp đều có đội văn nghệ. Các em chú trọng tập luyện các điệu múa, bài hát của các dân tộc trên địa bàn huyện. Với tỷ lệ dân tộc Thái trên địa bàn chiếm trên 30%, nhà trường đã thành lập CLB bảo tồn văn hóa dân tộc Thái với 178 học sinh tham gia.
Để CLB hoạt động hiệu quả, nhà trường xây dựng quy chế hoạt động của CLB. Đồng thời, mời các phụ huynh hiểu biết về văn hóa dân tộc Thái trò chuyện trong các buổi sinh hoạt CLB về các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hoá văn nghệ mang bản sắc văn hoá dân tộc Thái. Thời gian qua, những điệu múa, trò chơi dân gian đã trở thành hoạt động được tổ chức thường xuyên trong các buổi hoạt động giữa giờ của ngày thứ 3, 5, 7 trong tuần.
Ngược dòng Đà giang chúng tôi đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (DTBT) THCS Thu Lũm (xã Thu Lũm), hình ảnh học sinh trong bộ trang phục truyền thống, biểu diễn thuần thục điệu múa của dân tộc Hà Nhì đã minh chứng cho hiệu quả hoạt động của CLB bảo tồn văn hóa dân tộc trong nhà trường. Em Chu Mỳ Hoa, học sinh lớp 9A chia sẻ: “Năm 2022, nhà trường thành lập CLB bảo tồn văn hóa dân tộc Hà Nhì, em đăng ký tham gia. Trong quá trình tham gia sinh hoạt CLB, em được các thầy, cô giáo, các cụ già trong bản dạy những điệu múa, bài dân ca của dân tộc Hà Nhì”.
Những điệu múa, trò chơi dân gian là hoạt động thường xuyên trong các hoạt động giữa giờ ngày thứ 3, 5, 7 của học sinh Trường THCS thị trấn Mường Tè.
Huyện Mường Tè có 36 trường, 100% các trường duy trì, phát triển CLB văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao. Thực hiện chủ trương thành lập CLB bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học, toàn ngành đã thành lập 22 CLB gồm các loại hình như: dân ca, dân vũ, dân nhạc, trò chơi dân gian, dệt thủ công, thu hút khoảng 2.130 học sinh tham gia.
Trao đổi với ông Trương Quốc Hoàn - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè, chúng tôi được biết: Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của sở, UBND huyện, Phòng GD&ĐT đã phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn hỗ trợ các nhà trường trong việc xây dựng, tổ chức hoạt động của các CLB. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ kinh phí, ngày công, huy động Nhân dân tặng vật dụng như: trang phục, nhạc cụ, dụng cụ lao động để xây dựng không gian văn hóa; vận động nghệ nhân, người am hiểu về văn hóa dân tộc truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết, các điệu múa, dân ca, dân vũ... cho học sinh.
Hoạt động của các CLB bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục học sinh theo hướng toàn diện, tạo điều kiện để các em giao lưu, học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống, phát triển toàn diện về trí tuệ, thẩm mỹ, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, tránh xa các tệ nạn xã hội. Mô hình này cho thấy hiệu quả khả quan trong việc góp phần xây dựng “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”. Trong đó có các hoạt động tiêu biểu như: sưu tầm, dịch, biểu diễn các bài dân ca Hà Nhì sang tiếng phổ thông ở Trường Phổ thông DTBT THCS Mù Cả; kịch hóa các tác phẩm văn học dân gian dân tộc thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn cụm Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Tá Bạ; thông qua các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tổ chức cho học sinh tham gia các lễ hội văn hóa dân tộc ở địa phương để các em hiểu về ý nghĩa của lễ hội...
Để các CLB phát huy hiệu quả rất cần sự quan tâm bằng những chính sách và giải pháp cụ thể của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn như: có chính sách hỗ trợ nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận. Biên soạn, cung cấp tài liệu về văn hóa các dân các dân tộc cho các CLB trong nhà trường. Hỗ trợ tổ chức các lớp truyền dạy về tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, nhạc cụ). Tổ chức lớp tập huấn việc tích hợp vào các môn học và hoạt động giáo dục trong trường học.
Hà Dũng
Bình luận