Ánh điện đổi thay cuộc sống
Đến thăm các bản người Cống, La Hủ, chúng tôi cảm thấy vui mừng khi ánh điện đã đến với cuộc sống của dân bản. Ánh điện chiếu sáng trong nhà mỗi hộ, bà con đầm ấm với bữa cơm tối, cả gia đình quây quần ngồi xem phim, thưởng thức các chương trình yêu thích qua sóng truyền hình, con trẻ có điện sáng học bài, thanh niên lên mạng internet tìm hiểu các điều hay, bổ ích. Người dân thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về tình hình sản xuất sau 1 ngày lao động. Có điện, mọi công việc trở nên dễ dàng hơn, không chỉ giảm sức lao động, tăng năng suất mà còn đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo.
Ngày trước không điện, cuộc sống của người dân ở các bản của xã gặp nhiều khó khăn. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông tin của tỉnh không đến kịp với người dân. Bà con không biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng máy móc trong lao động sản xuất mà canh tác chủ yếu dựa theo thói quen hoặc theo những gì mà cán bộ xã, huyện hướng dẫn. Con trẻ học bài qua đèn dầu hoặc nến, không được trải nghiệm các phương pháp học tiên tiến.
Cuộc sống của người dân vào buổi tối đơn giản, chỉ là bữa cơm, cuộc nói chuyện vội vàng rồi đi ngủ. Hộ nào khá giả lắm cũng chỉ sử dụng điện nước nhưng ngày được ngày không. Không điện cũng là cơ hội thuận lợi cho tội phạm trộm cắp, lôi kéo, xúi giục, gây mất an ninh trật tự.
Có điện, thông tin thời sự được bà con xã Nậm Khao cập nhật thường xuyên.
Hiểu được sự mong mỏi của người dân, năm 2012, Điện lực Nậm Nhùn đưa ánh điện đầu tiên đến bản Lãng Phiếu và 2 năm sau có điện ở 2 bản: Xám Láng, Huổi Tát trong niềm vui vỡ òa hạnh phúc của bà con. Có điện, nhà nhà hồ hởi đi mua công cụ lao động, trang thiết bị điện tử; con trẻ trong bản cùng nhau thưởng thức các chương trình thiếu nhi. Người dân tìm hiểu các loại cây trồng, vật nuôi mới qua sóng truyền hình, mạng internet để áp dụng vào thực tế, nâng cao năng suất. Đến mùa gặt, tiếng máy nổ, máy tuốt lúa vang vang ở đồng ruộng, nương ngô, giảm sức lao động cho người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 18,5%, thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm 2020.
Chị Chảo Thị Thu (bản Lãng Phiếu) chia sẻ: Điện về bản, chúng tôi vui lắm, không chỉ đời sống tinh thần được nâng lên mà còn biết cách phát triển kinh tế, tránh xa các tệ nạn, giảm bớt hủ tục. Bà con biết ơn Đảng, Nhà nước quan tâm, từ đó nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Còn thầy giáo Trần Văn Sơn, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Nậm Khao cho biết: “Có điện, việc dạy học trong nhà trường đỡ vất vả hơn nhiều. Lớp học có quạt trần, bóng điện thắp sáng, giáo viên sử dụng máy tính trong giảng dạy. Tại nơi ở bán trú, học sinh được xem tivi, học bài dưới ánh đèn điện nên chất lượng giáo dục từng bước đi lên”.
Nhờ điện lưới, công việc chuyên môn ở trụ sở xã đã giảm tải rất nhiều do có hệ thống máy tính kết nối mạng internet giúp sức. Các tổ chức, công dân khi đến giao dịch, thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, chính xác, lưu trữ trên phần mềm dữ liệu. Có điện cũng góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng khi mọi thông tin tại cơ sở được phản ánh nhanh, kịp thời, người dân nâng cao nhận thức, không bị kẻ xấu lợi dụng, nhận biết được các thủ đoạn của chúng. Ngoài ra, các chương trình chiếu bóng, chiếu phim lưu động, hoạt động văn hóa, thể thao cũng được các cơ quan chuyên môn tổ chức tại xã, bản thường xuyên hơn vào buổi tối.
Anh Lý Văn Lương – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Có điện không chỉ giúp bà con thay đổi cuộc sống mà đơn vị sự nghiệp giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác, không gây phiền hà. UBND xã thường xuyên nhắc nhở người dân sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và thông báo kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Điện về bản mang theo ánh sáng của tri thức, giải quyết cơ bản mọi khó khăn để từ đó Nhân dân xã Nậm Khao thêm quyết tâm vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no.
Thái Hà
Bình luận