"Chìa khóa" nâng cao chất lượng giáo dục
Ông Nguyễn Văn Ninh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn cho biết: "Xây dựng trường chuẩn quốc gia, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tham mưu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, hiện đại. Chỉ đạo các trường quản lý, sắp xếp và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, quan tâm củng cố cảnh quan trường lớp”.
Với đặc thù huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung, cơ sở vật chất trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia nói riêng rất hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư của Trung ương. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu cấp trên lựa chọn những đơn vị cận chuẩn, bố trí từ các nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Chà vinh dự đón Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Huyện cũng chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân về xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng nông thôn mới. Phòng Giáo dục và Đào tạo huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tôn tạo khuôn viên nhà trường. Xây dựng lộ trình, phương án cụ thể đối với từng trường. Ban Chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia huyện sâu sát kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, giao trách nhiệm cho người đứng đầu mỗi đơn vị... Từ đó, xây dựng trường chuẩn quốc gia trở thành động lực để các nhà trường chỉnh trang cơ sở vật chất trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Các đơn vị trường học đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, chú trọng giáo dục văn hóa đạo đức, kỹ năng sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh phù hợp yêu cầu đổi mới giáo dục. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp. Phối hợp với chính quyền địa phương duy trì sỹ số học sinh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục.
Đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cán bộ, giáo viên toàn ngành tự học, tự bồi dưỡng và tham gia bồi dưỡng chuyên môn, năng lực quản lý, nâng cao trình độ lý luận chính trị. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, 81,7% nhà giáo có trình độ trên chuẩn... Cùng với đó, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, bổ sung vốn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, thực hiện tốt công tác nuôi dạy bán trú tại các vùng đặc biệt khó khăn và 3 xã biên giới.
Năm 2020, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Chà được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Hệ thống khuôn viên lớp học sạch đẹp, khang trang; trang thiết bị được đầu tư đồng bộ với đầy đủ phòng chức năng, phòng chuyên môn, tin học và thư viện tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học, thêm hứng thú đối với học sinh khi được tiếp cận đa dạng kiến thức qua nhiều nội dung và hình thức trong quá trình học tập. Để có được kết quả như hôm nay là sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, sự đồng lòng của người dân và chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền địa phương, đồng hành ủng hộ của các cá nhân, tổ chức trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn.
Thầy giáo Bùi Văn Phi - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Chà chia sẻ: “Tháng 9/2020, nhà trường là đơn vị giáo dục đầu tiên trên địa bàn xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đây vừa là động lực và cũng là tiền đề quan trọng để mỗi cán bộ, giáo viên phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "trồng người" nơi đất khó".
Đến nay, huyện Nậm Nhùn có 15/33 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (chiếm 45,5%, tăng 31,9% so với năm 2015). Với mục tiêu đến năm 2025, huyện có 22 đơn vị đạt chuẩn quốc gia (trong đó công nhận mới 7 trường, công nhận lại 15 trường). Thực hiện mục tiêu đó, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, huy động xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết đáp ứng nhiệm vụ dạy và học. Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, lấy chất lượng hiệu quả công tác giáo dục làm trọng tâm. Nâng cao hiệu quả tổ chức dạy học theo năng lực của học sinh, chất lượng giáo dục mũi nhọn; tăng cường kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những hạn chế trong chuyên môn. Xây dựng kế hoạch năm học, đề ra chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể cho từng cấp học trong từng năm học.
Lò Dinh
Bình luận