Loay hoay “trả nợ” tiêu chí nông thôn mới
Tính đến đầu năm 2021, toàn huyện Phong Thổ có 4 xã đạt chuẩn NTM gồm: Mường So, Khổng Lào, Ma Li Pho và Huổi Luông. Hầu hết tiêu chí còn nợ lại của các xã chủ yếu là: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, môi trường.
Vườn cây cao su của người dân xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ) đã cho thu hoạch mủ.
Năm 2015, Khổng Lào được công nhận đạt chuẩn NTM. Thành quả này đã mang lại niềm vui cho người dân nơi đây, khi vùng nông thôn của xã nghèo “khoác” lên diện mạo mới, tươi đẹp, khang trang hơn. Để duy trì và nâng cao chất lượng của 19 tiêu chí NTM, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã, bộ máy giúp việc. Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào: “Nông dân thi đua xây dựng NTM”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư gắn với xây dựng NTM”… Từ nguồn vốn được phân bổ trên 8 tỷ đồng, xã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân; vận động bà con hiến trên 37.000m2, hàng nghìn ngày công lao động làm đường giao thông, nhà văn hóa. Thế nhưng đến nay, xã duy trì được 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập vẫn nợ.
Giải thích về nguyên nhân, đồng chí Teo Văn Thín - Chủ tịch UBND xã Khổng Lào cho hay: Trên địa bàn xã có 3 trường học, trong đó mới có 1 trường THCS đạt chuẩn quốc gia từ năm 2017; theo lộ trình đến năm 2023 xã thêm 1 trường tiểu học đạt chuẩn nữa là đạt tiêu chí về trường học. Hiện nay, UBND xã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các phòng, ban chuyên môn của huyện đang triển khai thực hiện san gạt mặt bằng... Đối với tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, xã có 9/10 bản có nhà văn hóa, còn lại bản Cang chưa xây dựng được nhà văn hóa bản, lý do là mấy năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn nên việc vận động xã hội hóa nguồn kinh phí còn hạn chế; xã đang đề nghị xin hỗ trợ xây dựng trong năm 2021, dự kiến hoàn thành và đạt tiêu chí này vào năm 2023.
Xã Ma Li Pho mấy năm trở lại đây là vùng đất phát triển vượt trội so với các xã biên giới trên địa bàn huyện. Năm 2019 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, vậy mà cho đến nay, xã còn nợ lại 3 tiêu chí: trường học, môi trường, thu nhập. Đặc biệt, tiêu chí về thu nhập còn có xu hướng bị giảm. Được biết, hết năm 2018, xã đạt thu nhập bình quân 31,5 triệu đồng/người/năm, nhưng đến cuối năm 2020, thu nhập giảm còn 29 triệu đồng/người/năm (trong khi đó mức tiêu chuẩn phải đạt là 36 triệu đồng/người/năm).
Đồng chí Tẩn Chỉn Hùng - Chủ tịch UBND xã Ma Li Pho cho biết: Thời gian qua, cây chuối được coi là cây kinh tế chủ lực của địa phương gắn với Cửa khẩu Ma Lù Thàng. Tuy vậy, 2 năm qua, nhiều diện tích chuối trên địa bàn bị sâu bệnh dẫn đến sản lượng và chất lượng giảm sút. Hiện nay, toàn xã có 577ha chuối, trong đó, gần 500ha có thể cho thu hoạch với sản lượng 6,25 tấn/ha, năng suất bằng 1 nửa so với những năm trước. Thêm vào đó, giá chuối xuất khẩu giảm mạnh; từ đầu tháng 7 đến nay, cửa khẩu không hoạt động, khiến nhiều lao động không có việc làm. Vì thế, tiêu chí thu nhập trên địa bàn xã bị giảm.
Từ xưa đến nay, Mường So vốn được coi là trung tâm phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của Phong Thổ. Xã có 11 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2015. 5 năm qua, dù đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để xây dựng và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, nhưng đến hiện tại 3 bản: Huổi Sen, Vàng Bâu, Nà Củng vẫn thuộc bản đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát khiến nhiều hộ dân trên địa bàn xã phải lao đao vì mất vốn đầu tư lên đến cả vài chục triệu đồng. Những hộ nghèo lại thêm nghèo hơn khi không có thu nhập, cũng không dám đầu tư nuôi lợn, sợ rủi ro.
Chị Hoàng Thị Mừng ở bản Nà Củng chia sẻ: “Gia đình tôi vừa mới thoát nghèo năm 2020, kinh tế vừa khá hơn chút do được hỗ trợ gà, lợn nuôi để có thu nhập. Vậy mà do ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi, vợ chồng tôi không dám nuôi lợn. Bây giờ, thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào cấy lúa 1.000m2, nuôi mấy chục con gà phục vụ nhu cầu thực phẩm. Ngay cả căn nhà xập xệ cũng chưa có điều kiện sửa lại. Khả năng gia đình lại tái nghèo”.
Cùng với thu nhập, môi trường cũng là tiêu chí còn nợ lại đến bây giờ vẫn chưa đạt khiến cho lãnh đạo xã Mường So trăn trở từng ngày. Theo lời tâm sự của đồng chí Đèo Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Mường So, vốn dĩ tiêu chí này chưa đạt là do xã chưa thể thực hiện được việc thu gom rác thải ở các thôn, bản để xử lý. Hiện tại, trên địa bàn xã mới có 3 thôn: Tây An, Tây Nguyên, Tây Sơn ký hợp đồng thu gom xử lý rác thải với hợp tác xã. Các bản còn lại tự xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình. Mấy năm nay có khu tập kết mủ cao su, nên môi trường bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối mà chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Thiết nghĩ, để xã đạt chuẩn NTM đã khó, việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí càng khó hơn, nhất là trong bối cảnh hiện nay dịch Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường. Hy vọng, các xã đang thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện Phong Thổ sẽ có những giải pháp cụ thể, thiết thực hoàn thành các tiêu chí một cách tích cực nhất; hạn chế “nợ” để không lặp lại như các xã đạt chuẩn NTM gặp phải.
Đinh Đông
Bình luận