Có quyết tâm làm?
Đối phó với loại rác điện tử này, trong hội nghị triển khai Nghị định số 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác tổ chức ngày 13-11 vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông đưa ra một loạt giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm, triển khai quyết liệt, hiệu quả các văn bản đã ban hành để tạo chuyển biến trong nhận thức, quản lý, thực hiện; tăng cường quản lý dịch vụ tin nhắn để hạn chế, ngăn chặn tin nhắn rác; thực hiện các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn tin nhắn rác; tăng cường tuyên truyền giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của doanh nghiệp viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ nội dung.
Đây không phải lần đầu cơ quan quản lý "hạ quyết tâm" dẹp "loạn" tin nhắn rác. Đáng buồn là hầu hết các lần "quyết tâm" như vậy đều nhanh chóng bị lãng quên. Báo cáo chưa đầy đủ của các doanh nghiệp viễn thông cho thấy, mỗi giờ có đến 10.000 tin nhắn rác được phát tán và mỗi năm có hàng chục tỷ tin nhắn quảng cáo, chiếm 10% lượng tin nhắn đến thuê bao di động. Trong số này chỉ có gần 3% là tin nhắn hợp pháp gửi từ doanh nghiệp cung cấp nội dung.
Câu hỏi đặt ra là "có phải chúng ta bất lực không giải quyết được?". Chắc chắn là không, bởi thực tế vấn đề không nằm ở kỹ thuật, cũng chẳng phải tự nhiên khách quan, mà tất cả đều từ con người. Một cán bộ của Tổng cục Kỹ thuật công an đã đưa ra kết luận: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là quản lý lỏng lẻo các thuê bao điện thoại. Việc cho sử dụng thuê bao tràn lan khiến cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi xác minh chủ thuê bao khi có vấn đề xảy ra.
Song thông tin khiến dư luận sửng sốt và chú ý nhất là khoản doanh thu từ tin nhắn rác lên đến con số "cực khủng", trên 7.000 tỷ đồng trong năm 2011.
Có lẽ vấn đề bắt đầu từ đây. Tuy các doanh nghiệp viễn thông đều lớn tiếng cho rằng khoản thu này chẳng thấm tháp gì và sẵn sàng "hy sinh" để "bảo vệ người tiêu dùng", nhưng dường như điều ấy chưa thuyết phục. Nhiều chuyên gia có chung nhận định nguyên nhân quan trọng để nạn tin rác bùng nổ chính là sự dung túng của doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý. Để đạt được khoản doanh thu "khủng" nói trên, các nhà cung cấp nội dung, thậm chí cả nhà mạng, cố tình làm ngơ cho việc phát tán tin nhắn rác để quảng cáo, hút tiền của khách hàng.
Vậy là đã rõ, dù xã hội phải qua nhiều năm chịu đựng nạn tin rác, cơ quan quản lý cũng tốn bao công sức để nghiên cứu cách chống lại tin rác, nhưng rút cuộc nó chỉ là chuyện "nội bộ", có thể giải quyết dễ dàng. Thực tế chính các doanh nghiệp cũng đã thừa nhận hoàn toàn có thể phát hiện, xử lý tin nhắn rác khi các doanh nghiệp nâng cao tinh thần trách nhiệm, vì cộng đồng. Nếu nhà mạng bắt tay ngăn chặn thì tin nhắn rác sẽ không thể hoành hành. Nói như Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn thì chỉ cần từng người, từng doanh nghiệp có trách nhiệm là xử lý được.
Sáu năm sau khi có Nghị định 90, thêm một Nghị định 77 có hiệu lực, cơ sở pháp lý đã đủ, hy vọng cơ quan quản lý sau "quyết tâm nói" sẽ là "quyết tâm làm"…!
Theo Nữ Quỳnh (hanoimoi)
Bình luận