Dốc sức hoàn thành dự án nâng cấp đường tỉnh 133
Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, dự án được giao cho Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng (ĐTXD) các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Mục tiêu nhằm tạo điều kiện thuận lợi kết nối vùng thấp huyện Sìn Hồ và huyện Tân Uyên với tuyến đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai-thành phố Lai Châu, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng lưới giao thông. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2021-2024, là công trình giao thông cấp IV, nhóm B với tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là 56 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong tất cả những khó khăn, vướng mắc của các công trình, dự án xây dựng thường có nguyên nhân lớn nhất là công tác đền bù, GPMB. Dự án này cũng không ngoại lệ. Cụ thể về trình tự, thủ tục triển khai công tác bồi thường GPMB phải phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị, qua nhiều bước, nhiều khâu. Việc ban hành đơn giá đất trên địa bàn của UBND huyện có thời điểm còn chậm. Một nguyên nhân khác do một số gói thầu chưa thi công kịp theo cam kết. Công tác hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu thanh toán của một số nhà thầu chưa đảm bảo tiến độ.
Đơn vị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án nâng cấp đường tỉnh 133 đoạn Km0-km21 qua địa phận xã Thân Thuộc.
Một trong những nguyên nhân khiến việc bàn giao mặt bằng chậm còn phải kể đến ban hành đơn giá đất cụ thể. Ông Phạm Ngọc Đoàn - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện cho biết: Nhiều thời điểm thực hiện dự án chưa đưa ra được phương án bồi thường kịp thời; đơn giá về cây trồng, vật nuôi có nhiều bất cập khi xác định năng suất, sản lượng và chu kỳ thu hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của đơn vị nhà thầu. Bên cạnh đó, nhân lực ít trong khi huyện đảm nhận nhiều dự án cùng lúc nên không thể đảm đương trọn vẹn được nhiệm vụ của từng dự án.
Với những khó khăn đó, đồng chí Mai Khắc Phượng - Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh - đơn vị chủ đầu tư dự án thừa nhận rằng: Dự án có thời gian dài, tuy nhiên vẫn chưa tháo gỡ được vướng mắc trong GPMB, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Xác định vướng ở đâu, gỡ ở đó, đơn vị chủ đầu tư đã sâu sát, bám nắm tiến độ thường xuyên, đôn đốc liên tục đảm bảo kế hoạch đề ra. Trong đó, đẩy mạnh công tác phối hợp với doanh nghiệp, chính quyền, cơ quan, đoàn thể huyện và các xã có dự án đi qua. Đặc biệt, cùng với địa phương nắm bắt tình hình cơ sở, các hộ dân trong tuyến dự án để hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Với phương châm đó, những tháng cuối năm, đơn vị chủ đầu tư đã nhiều lần làm việc với các doanh nghiệp trúng thầu thi công công trình để xác định khối lượng thi công của từng nhà thầu. Từ đó có biện pháp tăng cường máy móc, thiết bị, nâng cao trách nhiệm, cam kết thực hiện bằng khối lượng công việc cụ thể. Huyện Tân Uyên đang đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án đền bù chi trả cho người dân để các hộ bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Với những hộ chưa hợp tác, cản trở, khó khăn cho quá trình thi công dự án, đơn vị chủ đầu tư phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện, các xã tuyên truyền, vận động; phân tích để cùng chia sẻ, giúp dự án được thực hiện nhanh nhất, nối liền tuyến giao thông giúp bà con đi lại thuận tiện hơn.
Đến thời điểm tuần cuối cùng của tháng 12, những vướng mắc khó nhất hiện nay trong công tác GPMB được tháo gỡ, toàn bộ diện tích thuộc diện đền bù đã bàn giao cho đơn vị nhà thầu. Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Mạnh Quân (trụ sở tại thành phố Lai Châu) là một trong những nhà thầu thi công dự án với chiều dài tuyến trúng thầu khoảng 7km. Cùng gặp khó khăn chung của toàn dự án, song đến thời điểm này, công ty đã hoàn thành phần nền đường và đang tiến hành xử lý kỹ thuật, bổ sung hoàn thiện công trình còn thiếu trên tuyến.
Về cơ bản, mặt bằng đã hoàn thành đồng nghĩa với tiến độ thi công được đẩy nhanh tối đa nhờ điều kiện thời tiết ủng hộ. Do đó, đơn vị chủ đầu tư khẳng định sẽ đôn đốc quyết liệt các nhà thầu để dự án hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng trong tháng 1/2025.
Hà Anh
Bình luận