Thứ tư, 08/01/2025, 20:24 [GMT+7]

Doanh nghiệp “né” tăng lương

Thứ ba, 25/12/2012 - 09:28'
Tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng năm 2013 chỉ bằng 50% so với mức đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng vào thời điểm khó khăn vẫn chồng chất, nhiều doanh nghiệp buộc phải tìm cách “né” tăng lương.

Từ ngày 1/1/2013, Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động, thay thế Nghị định 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011, sẽ được áp dụng.

Theo đó, vùng I có mức lương tối thiểu 2,35 triệu đồng/tháng (hiện là 2 triệu đồng/tháng), vùng II có mức 2,1 triệu đồng (đang là 1,78 triệu đồng/tháng), vùng III là 1,8 triệu đồng/tháng (hiện là 1,55 triệu đồng/tháng), vùng IV là 1,65 triệu đồng/tháng (hiện là 1,4 triệu đồng/tháng). Như vậy, tỷ lệ tăng lương tối thiểu lần này chỉ bằng khoảng 50% so với đề xuất ban đầu.   

Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp vẫn phải gồng mình tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thì việc tăng lương vào thời điểm này thực sự khiến họ lâm vào cảnh “khó chồng khó”.

Theo tính toán của một doanh nghiệp sản xuất giày dép xuất khẩu có 4.000 công nhân ở tỉnh Bình Dương, với mức lương tối thiểu tăng thêm 300.000 đồng/công nhân/tháng, thì công ty này sẽ phải chi thêm 2,1 tỷ đồng/tháng (gồm 1,2 tỷ đồng chi phí tiền lương căn bản, 265 triệu đồng bảo hiểm và trên 600 triệu chi phí tăng ca tăng theo lương căn bản). Như vậy, một năm, doanh nghiệp sẽ tốn thêm khoảng 25 tỷ đồng, đây quả là con số đáng để cân nhắc trong thời buổi kinh tế đang gặp khó khăn.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, mức tăng lương tối thiểu 200.000-350.000 đồng/tháng là phù hợp với điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, nhiều khả năng, doanh nghiệp sẽ chấp nhận tăng lương nhưng lại cắt giảm các khoản phụ cấp khác của người lao động. Chính vì thế, Nghị định 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã quán triệt, doanh nghiệp không vì tăng lương mà cắt giảm phụ cấp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Mifaco, nếu doanh nghiệp không giải quyết tăng lương theo quy định thì công nhân sẽ bỏ sang các doanh nghiệp khác. Do đó, những doanh nghiệp không có khả năng tăng lương sẽ chuyển sang trả lương theo hình thức khoán để giảm áp lực từ tăng lương.  

Trên thực tế, chuyển qua hình thức thuê khoán theo sản phẩm có thể là lối thoát cho doanh nghiệp, nhưng lại đẩy cái khó cho người lao động. Với mức lạm phát  như hiện nay, đời sống người lao động ngày càng khó khăn hơn, việc tăng lương là cần thiết. Vấn đề còn lại là làm sao dung hòa được lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. 

Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động cho rằng, nên chăng, ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ có thể cân nhắc điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% hiện nay xuống còn 5%, giảm 50% tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2012 để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Theo Thanh Vũ (Đầu tư)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Dốc sức hoàn thành dự án nâng cấp đường tỉnh 133
Dự án nâng cấp đường tỉnh 133 đoạn Km0-km21 (dự án) được đầu tư trên địa bàn 3 xã: Thân Thuộc - Nậm Cần - Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) trong 3 năm (2021-2024) với tổng chiều dài toàn tuyến là 20km....
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...