Thứ năm, 09/01/2025, 13:00 [GMT+7]

Học trường quốc tế: Được và mất

Thứ năm, 28/02/2013 - 07:40'
Một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm là quy định hạn chế số lượng học sinh (HS) trong nước theo học ở các cơ sở giáo dục nước ngoài đặt tại Việt Nam. Quy định cụ thể ra sao? Dư luận đang lo ngại về điều gì và quan điểm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về vấn đề này như thế nào?

Trẻ dưới 5 tuổi không được học?

Nghị định 73/2012/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, ban hành ngày 26-9-2012, đã có hiệu lực từ ngày 15-11-2012 song phải đến cuối tháng 1-2013, sau khi Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị hướng dẫn thực hiện thì những quy định về việc tiếp nhận HS trong nước theo học tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mới được dư luận để tâm. 

Một buổi học tại Trường THPT Quốc tế Việt - Úc.	 Ảnh: Đào Ngọc

Một buổi học tại Trường THPT Quốc tế Việt - Úc. Ảnh: Đào Ngọc

Điều 24 của Nghị định ghi rõ: Cơ sở giáo dục phổ thông (gồm trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học) "được phép tiếp nhận HS Việt Nam, nhưng số HS Việt Nam ở trường tiểu học và THCS không quá 10% tổng số HS của trường; ở trường THPT, không quá 20% tổng số HS của trường". Nghị định cũng quy định: "HS Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài". Dư luận cho rằng, việc giới hạn tỷ lệ HS trong nước theo học tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là không hợp lý trong bối cảnh nước ta đang mở rộng liên kết, hội nhập, kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Cũng có ý kiến phân tích, quy định này làm ảnh hưởng đến mục tiêu tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng, buộc những trường học trong nước phải không ngừng nỗ lực để không bị "thua ngay trên sân nhà". 

Thực tế cho thấy, ngoài được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ, có nhiều lý do khiến phụ huynh muốn cho con học trường quốc tế như chương trình học nhẹ nhàng, không phải học thêm, ít căng thẳng về điểm số... Khi mà câu chuyện quá tải đang đè nặng lên vai HS ngay từ cấp tiểu học, áp lực bài vở ngày càng nhiều, kể cả đối với những HS đã học 2 buổi/ngày, ngày càng có thêm phụ huynh nghĩ đến việc gửi con theo học trường quốc tế nếu có thể trang trải được chi phí học tập (khá cao).

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy định là cần thiết khi nhiều người cho con học "trường tây" vì sính ngoại, ít quan tâm chất lượng thực tế, làm con trẻ mất dần những thói quen, nếp nghĩ truyền thống vốn có của người Việt. Đã có chuyện ông bà than phiền về việc trẻ đi học về không thưa - gửi, quên mời cơm người lớn trong bữa ăn, tùy tiện sang trang mới khi chưa viết hết trang vở cũ... 

Điểm cốt yếu: Quản lý, kiểm soát nội dung chương trình

Để xây dựng quy định trên, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) đã cùng các đơn vị liên quan khảo sát một số cơ sở giáo dục nước ngoài ở Việt Nam để xác định được tỷ lệ phù hợp nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và cân bằng giữa các quốc tịch trong một trường. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định, những người làm công tác giáo dục rất chú ý tới đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi, vì đây là độ tuổi trẻ đang học nói. Việc tiếp cận chương trình giáo dục nước ngoài quá sớm sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu kiến thức và khó khăn trong việc tạo "nền" văn hóa Việt cho trẻ vì ở các cơ sở giáo dục này, toàn bộ chương trình được nhập khẩu, ngôn ngữ giảng dạy không phải là tiếng Việt. Điều 21, Nghị định 73/2012/NĐ-CP, cũng khẳng định, các cơ sở giáo dục mầm non được đề cập trong phạm vi áp dụng là các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, dành cho trẻ em là người nước ngoài, chứ không phải dành cho trẻ em Việt Nam.

Trong điều kiện mở cửa, khuyến khích đầu tư vào giáo dục như hiện nay, khi số lượng cơ sở giáo dục nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, vấn đề quan trọng là phải kiểm soát, quản lý được nội dung chương trình giáo dục tại các cơ sở này. Thực tế cho thấy, việc quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài hiện còn bị buông lỏng. Ngay tại Hà Nội, nơi chiếm hơn 40% cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài của cả nước, đến nay mới chỉ có quy định tạm thời về đăng ký hoạt động và quản lý hoạt động các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài trên địa bàn. Việc tiếp cận để kiểm tra, giám sát, xử lý khi có sự cố vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo Thống Nhất (Hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Không vì tiến độ, bỏ qua chất lượng
Dịp cuối năm, các công trình, dự án trên địa bàn huyện Than Uyên tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cùng với áp lực về thời gian, vấn đề đảm bảo chất lượng công trình được chủ đầu tư và nhà...
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...