Nhập khẩu tăng trưởng thấp: Lộ rõ yếu kém của doanh nghiệp “nội”
Điện thoại là một trong những mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong năm 2012. Ảnh: Trần Hải
Thông thường, xuất siêu là hiện tượng đáng mừng, cho thấy kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhập khẩu và từ đó cán cân thanh toán thương mại có số dư. Song, nếu phân tích kỹ các yếu tố, cơ cấu về giá trị và thị trường nhập khẩu của ta sẽ thấy một số vấn đề khó chấp nhận. Trước hết, với các doanh nghiệp (DN) trong nước đã nhập khẩu 54 tỷ USD giá trị hàng hóa, cao hơn hẳn mức xuất khẩu là 42,3 tỷ USD dẫn đến mức nhập siêu lên tới 11,7 tỷ USD. Đây là một hiện tượng bất lợi, thể hiện sự yếu kém của cộng đồng DN "nội", bởi "xuất không đủ nhập".
Nhìn chung, từ năm 2011 đến nay là khoảng thời gian DN "nội" rất lúng túng trong hoạt động kinh doanh, khó tiêu thụ sản phẩm trên thị trường quốc tế do các đối tác gặp khó khăn dẫn đến giảm nhu cầu sử dụng nguyên, vật liệu và hàng hóa tiêu dùng. Tiếp theo là do chính các sản phẩm của DN “nội” cũng chưa được cải thiện nhiều về mẫu mã, sự đa dạng và chưa đáp ứng tốt yêu cầu, thị hiếu của nhiều thị trường nước ngoài, nhất là thiếu sức cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Một số DN có khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối tác nhập khẩu thì lại thiếu vốn. Trong khi đó, không ít DN vẫn nhập khẩu theo những đơn hàng/hợp đồng đã ký, dẫn đến việc hàng nhập về tuy phải thanh toán, nhưng chưa hẳn đã được sử dụng ngay để tạo ra sản phẩm mới, quay vòng vốn. Mặt khác, mức nhập khẩu một số mặt hàng quan trọng, như xăng dầu, phân bón, ô tô và sắt thép… giảm, phản ánh nhu cầu đầu vào phục vụ đầu tư và tiêu dùng trong nước bị "hãm" ở mức thấp. Một vấn đề nữa là, cơ cấu hàng nhập khẩu đã có sự thay đổi so với năm trước.
Trong đó, nhóm tư liệu sản xuất vươn lên chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 93,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, chủ yếu gồm các loại máy móc, linh kiện phục vụ sản xuất và xuất khẩu thành phẩm như điện thoại, máy tính của nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài. Rõ ràng, dù trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, một số thị trường cắt giảm nhu cầu tiêu dùng nhưng cộng đồng DN "ngoại" vẫn giữ được phong độ trên thương trường quốc tế.
Thị trường nhập khẩu của DN "nội" càng bộc lộ sự thiên lệch, mất cân đối khi hàng nhập về phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Đáng lưu ý, DN Việt Nam đã nhập khẩu gần 29 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 17,6% so với năm trước trong khi những thị trường nổi tiếng có công nghệ hiện đại; nguyên, vật liệu thuộc hạng cao cấp, như Hoa Kỳ, EU lại không được lựa chọn. Trên thực tế, việc tập trung nhập khẩu vào một vài thị trường và không thay đổi qua thời gian sẽ dẫn đến phụ thuộc vào nguồn nguyên, vật liệu từ những thị trường đó, trở thành thói quen xấu của DN, đồng thời dễ bị thiệt hại nếu xảy ra thay đổi bất thường không thể ứng phó. Những vấn đề có thể nảy sinh, gồm sự thay đổi đột ngột về tỷ giá, mất an toàn về an ninh hàng hải trong khu vực, ảnh hưởng bất khả kháng do thiên tai, sự thay đổi về chính sách xuất khẩu của các đối tác…
Thực trạng này diễn ra từ lâu mà không có sự thay đổi, được các chuyên gia nhận định rằng, DN ta "quen" nhập hàng từ Trung Quốc cũng như các đối tác Châu Á bởi có lợi về khoảng cách địa lý trong vận chuyển, giúp giảm cước vận tải, thời gian. Tiếp theo là hàng hóa của các nước Châu Á chỉ có giá bán ở mức trung bình thế giới, luôn rẻ hơn so với hàng xuất xứ từ Âu, Mỹ. Cũng vì những đặc điểm này cộng với thói quen nói trên, nên đa số nhà nhập khẩu Việt Nam nảy sinh tâm lý "ngại" thay đổi đối tác và nguồn nhập khẩu khi có nhu cầu…
Như vậy, nếu xét về nhiệm vụ cũng như kỳ vọng của nền kinh tế khi dựa vào cộng đồng DN "nội" thì các DN này chưa đáp ứng sự trông đợi của xã hội. Thiết nghĩ, đây là thực tế cần được đánh giá đúng, từ đó tìm biện pháp khắc phục kịp thời để hỗ trợ khu vực DN "nội"…
Theo Hồng Sơn (HNM)
Bình luận