Thể thao Việt Nam đến Olympic để làm gì?
Tình trạng trên có thể sẽ vẫn còn lặp lại ở những Olympic tiếp theo, nếu lãnh đạo ngành thể thao vẫn còn mù mờ và chưa thể trả lời được câu hỏi: "Thể thao VN đến Olympic để làm gì"?
Đầu tư dàn trải…
"Cơn sốt" giành vé đến Olympic London 2012 lên đến đỉnh điểm sau khi Phan Hà Thanh bất ngờ giành được suất đến thẳng Olympic từ Giải vô địch thế giới cuối năm 2011.
Cho đến khi Dương Việt Anh chốt lại tấm vé thứ 18 cho TTVN ở môn điền kinh vào tháng 5, chúng ta luôn bay bổng trong giấc mơ về một kỳ Olympic VN giành nhiều vé chính thức nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, điều kỳ lạ là, sau khi đạt mục tiêu giành vé thì hình như các mục tiêu khác đều dừng. Hà Thanh sau khi đoạt vé là hơn 4 tháng không có HLV, tự tập luyện.
Mọi lý do về việc chuyên gia và HLV của Hà Thanh về nước hay bị ốm đều khó biện minh cho sự lãng phí thời gian này, bởi Tổng cục TDTT phải là nơi kịp thời đưa ra phương án thay thế.
Tương tự, từ lúc có vé, Nguyễn Thị Lụa cũng chỉ tập chay ở trong nước. Sau khi Hoàng Xuân Vinh và Lê Thị Hoàng Ngọc bất ngờ có vé đến Olympic London ở môn bắn súng, nửa năm trời họ chỉ có 1 chuyến thi đấu nước ngoài, ngoài ra chỉ quanh quẩn tập luyện ở Nhổn - một trường bắn đã quá xuống cấp.
Chỉ đến khi Hoàng Xuân Vinh đứng ở vị trí thứ tư nội dung súng ngắn tự chọn tại Olympic London 2012, kém người giành HCĐ có 0,1 điểm, lúc đó tất cả mới nuối tiếc.
"Nhiều VĐV đến Olympic là tốt, nhưng nhiều để làm gì nếu chúng ta không xác định được mũi nhọn chuyên biệt, đầu tư dàn trải không có trọng điểm. Ngành thể thao có đặt ra vấn đề phải lấy huy chương Olympic không và nếu lấy, thì ai có khả năng? " - ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ TTTTC đặt câu hỏi.
Tư duy kỳ quặc
Tập trung đầu tư chuyên môn và chế độ dinh dưỡng kiểu "vỗ béo" VĐV trước giờ lên đường là một thực trạng đáng buồn, nhưng lâu nay vẫn tồn tại trong TTVN, từ ASIAD cho đến Olympic, một kiểu tư duy kỳ quặc mãi không thay đổi. Phan Hà Thanh chỉ có thầy ở 2 tháng cuối cùng trước Olympic.
Trần Lê Quốc Toàn mang tiếng là VĐV trọng điểm, nhưng cũng chỉ thực sự được đầu tư thầy giỏi, tập huấn Bulgaria ở mấy tháng cuối cùng. Hai VĐV taekwondo được tập trung sang Hàn Quốc tập huấn cũng chỉ ở 3 tháng trước khi đến London.
Nói một cách ví von thì kiểu "vỗ béo" đó chỉ cho ra những sản phẩm phổng phao, nhưng thiếu nền tảng. "Những việc đó lẽ ra phải làm ngay sau Bắc Kinh 2008 hoặc cùng lắm 1-2 năm sau, chứ không phải đến tận đầu năm nay. Lúc đó là quá muộn rồi. Đó là kiểu tư duy "nước đến chân mới nhảy", không thể biện minh bằng lý do thiếu tiền" - một chuyên gia kỳ cựu trong ngành thể thao nhận xét.
Đối với TTVN, Olympic London 2012 là một bài học đắt giá. Bây giờ đã là quá muộn với Olympic London 2012, nhưng nếu không nghiêm túc rút kinh nghiệm ngay từ bây giờ thì 4 năm nữa ở Brazil 2016, bài học đau xót sẽ còn lặp lại.
Theo LaoDong
Bình luận