Thị trường may mặc giá rẻ: Hàng Trung Quốc vẫn lấn lướt hàng nội
Độc chiếm thị trường áo ngực giá rẻ
Có thể nói, hàng Trung Quốc gần như "độc chiếm" thị trường áo ngực ở các chợ của TP Hồ Chí Minh ở phân khúc giá rẻ. Tại các chợ như Vườn Chuối, Nguyễn Văn Trỗi (quận 3)… giá áo ngực chỉ khoảng 25.000-90.000 đồng/cái tùy kiểu dáng, chất liệu. Đây là các chợ bán lẻ nên giá còn cao, tại các nơi bán sỉ như chợ An Đông (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6) mà quản lý thị trường TP vừa thu giữ trong mấy ngày qua thì giá mỗi chiếc áo ngực chỉ có 10.000 - 30.000 đồng. Còn ở các chợ cóc, chợ nhỏ và những nơi bán cho người nghèo như trước Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), chợ Rạch Ông (quận 8)… hàng lót được đổ đống thì giá còn rẻ hơn, chỉ 15.000 - 25.000 đồng/cái. Hiện, do quản lý thị trường TP ra quân kiểm tra áo ngực Trung Quốc nên người bán ở các chợ có phần dè dặt, chỉ đưa hàng ra khi có người mua. Một số tiểu thương cũng từ chối, nói không bán áo ngực Trung Quốc và chào hàng loại áo với nhãn ghi "made in" Việt Nam, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan… tuy nhiên rất nhiều áo chỉ có chữ Trung Quốc hoặc không có tên cơ sở sản xuất của Việt Nam.
Lực lượng chức năng thu giữ áo ngực Trung Quốc kém chất lượng. Ảnh: Hiệp Hoa
Có một thực tế là áo ngực của Trung Quốc giá khá rẻ và vô cùng đa dạng, trong khi Việt Nam chỉ có khoảng vài chục thương hiệu sản xuất đồ lót và giá lại khá cao, khoảng từ 100.000 đồng trở lên. Đại diện một công ty cho biết, giá thành sản xuất một chiếc áo ngực khoảng 50.000 - 60.000 đồng, chưa kể các khoản khác như thuế, chiết khấu bán lẻ… nên các cơ sở sản xuất Việt Nam không thể bán được chiếc áo ngực với giá 20.000 - 30.000 đồng. Bên cạnh đó, sản phẩm áo ngực sản xuất tại Việt Nam muốn phân phối chính thống phải đảm bảo các điều kiện về kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế thì áo ngực Trung Quốc đa số nhập khẩu theo đường tiểu ngạch không phải chịu thuế nên giá rẻ. Vì vậy, nếu mua hàng giá khoảng 100.000 đồng trở xuống ở chợ thì chỉ có hàng Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp Trung Quốc với nhiều "độc chiêu" đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Ví dụ ở áo ngực thì có loại áo ngực mát-xa, áo ngực silicon với quảng cáo làm cho vòng một… lớn hơn, dù tác dụng ấy theo các chuyên gia là không tưởng, nhưng rõ ràng nó đánh trúng tâm lý người tiêu dùng để họ chịu móc "hầu bao".
Điểm yếu của hàng may mặc Việt Nam?
Cách đây khoảng hai năm, sản phẩm dệt may Trung Quốc bị phát hiện có chất formaledehyde vượt quá tiêu chuẩn cho phép có thể gây nguy hại cho da và hệ hô hấp dẫn đến ung thư khiến người tiêu dùng e dè. Bên cạnh đó, các cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam được thực hiện là lực đẩy hàng "ngoại" kém chất lượng ra khỏi thị trường. Thế nhưng trên thực tế, hàng dệt may Việt Nam vẫn không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc ở phân khúc giá rẻ. Ở thị trường TP, hàng Trung Quốc đang tràn ngập ở các shop thời trang, các trung tâm thương mại "bình dân" như Saigon Square, Taka… với giá cả rất rẻ như một chiếc váy đầm chỉ có giá 180.000 - 400.000, quần jeans chỉ trên dưới 300.000 đồng/cái… Thậm chí, những sản phẩm đơn giản như đồ mặc trong nhà hàng Trung Quốc cũng "lấn sân" với giá bán ở chợ giá chỉ khoảng 30.000 - 70.000 đồng, trong khi đó một bộ đồ của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất không thể có giá từ 50.000 đồng.
Đại diện một siêu thị lớn trên địa bàn cho biết, sau những tai tiếng của hàng Trung Quốc thì hàng Việt Nam có nhiều thế mạnh như được người tiêu dùng tin tưởng hơn về uy tín, chất lượng. Mẫu mã hàng may mặc Việt Nam cũng đã được cải thiện đa dạng hơn, đã làm được các mẫu phức tạp. Tuy nhiên hàng Trung Quốc kém chất lượng vẫn "thắng" nhờ giá rẻ, mẫu mã đa dạng, có thể đáp ứng tất cả những khía cạnh ngóc ngách thị trường. Những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là mẫu mã và giá, song qua nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đủ để giành lại thị trường. Cùng với đó, sự quản lý yếu kém của các cơ quan quản lý khiến hàng Trung Quốc nhập lậu tràn qua khiến hàng Việt càng lép vế. Và như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã khó khăn trong suy thoái kinh tế lại càng khó khăn hơn trước sức ép của hàng Trung Quốc kém chất lượng trong cuộc chiến giành lại sân nhà.
Theo Đặng Loan (hanoimoi)
Bình luận